Châu Á khốn đốn vì Mỹ cấm hoàn toàn dầu Iran

Thứ năm, 25/04/2019 14:00

Các nền kinh tế lớn nhất Châu Á đang đấu tranh tìm nguồn dầu mới sau khi Mỹ tuyên bố sẽ không còn miễn trừ các lệnh trừng phạt đối với xuất khẩu dầu thô của Iran.

Thực thi lệnh trừng phạt đối với dầu mỏ  Iran sẽ là một món quà cho Saudi Arabia.  Ảnh: Bloomberg

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với dầu mỏ của Iran vào năm 2018 nhưng ngay lập tức đã miễn trừ cho Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc), cũng như Italia, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, Washington từ chối gia hạn quy chế miễn trừ cho các nước trên nhập khẩu dầu mỏ Iran từ ngày 1-5, đã làm dấy lên những quan ngại lớn. Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu Iran lớn nhất thế giới, và Ấn Độ, nằm trong số những nước bị ảnh hưởng nhiều nhất. Châu Á tiêu thụ nhiều dầu hơn bất kỳ khu vực nào khác, chiếm hơn 35% nhu cầu toàn cầu.

Mua dầu ở đâu?

Một số quốc gia từng được cấp quyền miễn trừ dường như đã tìm được nhà cung cấp thay thế. Cơ quan Năng lượng Quốc tế, trích dẫn dữ liệu từ Kpler, một Cty theo dõi các lô hàng dầu, cho biết Italia, Hy Lạp và đảo Đài Loan đã không nhập bất kỳ thùng dầu nào của Iran nào kể từ tháng 11-2018. Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc vẫn đang mua từ Iran.

Ấn Độ dường như đã có kế hoạch thay thế nguồn dầu Iran đã mất. "Sẽ có thêm nguồn cung từ các nước sản xuất dầu lớn khác", Bộ trưởng Bộ Dầu khí Dharmendra Pradhan cho biết trên Twitter hôm 23-4. Một số trong số đó có thể đến từ Mỹ hoặc các đối thủ lớn của Iran trong Tổ chức các nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC). Chính quyền Tổng thống Trump hôm 22-4 chỉ ra rằng Mỹ, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) sẽ đảm bảo "thị trường dầu mỏ toàn cầu vẫn được cung cấp đầy đủ", nhưng không đưa ra chi tiết về mục tiêu này. Bộ trưởng dầu mỏ Saudi Arabia Khalid al-Falih khẳng định, Riyadh sẽ phối hợp với các nhà sản xuất khác "đảm bảo có đủ dầu" và "thị trường dầu toàn cầu không bị mất cân bằng".

Nhưng xem ra lời hứa đó không dễ gì thực hiện. Iran đã xuất khẩu khoảng 1,4 triệu thùng dầu thô mỗi ngày trong tháng 3 và Mỹ muốn đưa con số đó xuống mức 0. Iman Nasseri, Giám đốc điều hành Cty tư vấn Fact Global Energy tại Trung Đông, ước tính, Saudi Arabia và UAE có thể thay thế tới một triệu thùng dầu thô mỗi ngày của Iran. Mỹ cũng có thể giúp lấp đầy khoảng trống. Sản lượng của Mỹ tăng 1,6 triệu thùng mỗi ngày trong năm 2018, và đang tăng cao hơn nữa trong năm nay.

Tuân theo lệnh trừng phạt của Mỹ

Chính quyền Mỹ cảnh báo, tất cả các quốc gia tiếp tục nhập khẩu dầu của Iran sẽ phải chịu lệnh trừng phạt của Mỹ. Không phải tất cả đều nghe theo lời đe dọa này.

Bắc Kinh đóng sầm thông báo của chính quyền Mỹ, tuyên bố "phản đối các biện pháp trừng phạt đơn phương". Trung Quốc hôm 23-4 cảnh báo, quyết định của Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt đối với những nước mua dầu của Iran sẽ làm "gia tăng tình trạng hỗn loạn" tại Trung Đông cũng như trên thị trường năng lượng quốc tế. Phát biểu trong một cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nêu rõ: "Trung Quốc kiên quyết phản đối việc Mỹ thực thi các lệnh trừng phạt đơn phương cũng như cái được gọi là thẩm quyền được Mỹ trang bị lâu nay".

Các quan chức Hàn Quốc cho biết đã đấu tranh phản đối lệnh trừng phạt của Washington vì các nhà máy lọc dầu của nước này được thiết lập đặc biệt chuyên xử lý dầu thô từ Iran. Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu viết trên Twitter rằng, "Thổ Nhĩ Kỳ bác bỏ các biện pháp trừng phạt đơn phương và áp đặt về mối quan hệ với các nước láng giềng". Các quốc gia không tuân thủ yêu cầu của Mỹ có thể phải đối mặt với hậu quả khắc nghiệt. Đầu tháng này, Standard Chartered đã phải trả khoản tiền phạt khổng lồ 1,1 tỷ USD để giải quyết các cáo buộc rằng họ liên tục vi phạm lệnh trừng phạt đối với Iran và các quốc gia khác. Tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei đã bị buộc tội tại Mỹ vì vi phạm lệnh trừng phạt đối với Iran.

Thị trường dầu sẽ ra sao?

Mỹ tuyên bố các lệnh trừng phạt sẽ tiếp tục cho đến khi Iran kết thúc "việc theo đuổi vũ khí hạt nhân".

Chiến dịch đàn áp đang làm tăng thêm mối ngại về nguồn cung trên thị trường dầu mỏ. Các chuyến hàng dầu mỏ từ Venezuela bị xóa sổ bởi lệnh trừng phạt của Mỹ. Bạo lực đang làm rung chuyển Libya, một nước sản xuất dầu lớn khác của OPEC. Việc phải lấp đầy nguồn cung dầu thô của Iran khiến các nhà sản xuất không còn khả năng ứng phó với những cú sốc cung trong tương lai. "Vấn đề là cuối cùng họ sẽ có rất ít năng lực dự phòng cho bất kỳ trường hợp khẩn cấp nào khác hoặc bất kỳ cuộc khủng hoảng nào khác trên thị trường dầu mỏ", ông Nasseri của Fact Global Energy, cho biết.

Giá dầu trên thế giới ngay lập tức thay đổi khi nguồn cung đang bị đe dọa. Giá dầu tại Mỹ tăng gần 3% hôm 22-4 lên 65,70 USD/thùng, tăng 54% kể từ Giáng sinh năm ngoái. Dầu thô Brent cũng tăng gần 3% hôm 22-4 và lần đầu tiên chạm mốc 74 USD kể từ đầu tháng 11. Thậm chí giá dầu cao hơn có thể ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc và Ấn Độ.

AN BÌNH