Chạy lũ ở ngã ba sông

Thứ bảy, 18/10/2014 12:54

(Cadn.com.vn) - Đã thành thông lệ, mùa lũ về là lúc những người dân miền Trung bước vào một trận chiến mới với thiên nhiên.

Chuyến đò 1 hành khách

   Dắt xe qua con dốc đầy sỏi, tôi cập mạn một chiếc đò nhỏ chở khách. Ông lái đò ngước nhìn lạ lẫm: “Đi tìm ai bên ni hả? Làm chi rứa? Tui không tò mò mô nhưng  nói tui chỉ cho dễ tìm, ở đây cái gì tui cũng biết”. Sau khi tôi và chiếc xe đã yên vị trên thuyền, ông lái đò kéo miếng ván lên rồi nổ máy. “Ủa, có một người cũng chạy hả chú?”. “Chứ còn đợi ai nữa, ở đây thì có người đi cũng là may lắm rồi”. Chiếc ghe nhỏ này có thể được xem là phương tiện thông thương duy nhất của hơn 60 hộ dân Đầu Gò (xã Đại Sơn, H. Đại Lộc, Quảng Nam).

Mỗi ngày ông lái đò lại thơ thẩn câu cá bên sông đợi có khách thì đưa qua, cứ mỗi lượt người 5 nghìn đồng nhưng cũng chẳng có bao nhiêu khách đi. Theo lời chủ ghe thì trước đây có một chiếc phà thường hay xuôi từ chợ Hà Tân (xã Đại Lãnh) xuống đây bán thức ăn, gạo nhưng từ vài năm trở lại đây khi thủy điện Sông Bung 2 (H. Nam Giang, Quảng Nam) đi vào hoạt động tích nước về mùa khô nên phà không thể hoạt động vì nước quá cạn.

Không có phà cả thôn Đầu Gò phải tự túc cái ăn, con cá miếng thịt cũng trở thành hàng hiếm. “Lúc cần thì không có nước, lúc thì ồ ạt xả xuống. Muốn mua gạo cũng phải đi mất nửa ngày. Bây chừ tui mà không đưa đò thì cũng không ai ra vô chi được. Thôi thì ráng cho bà con mùa lũ vậy”, ông lái đò phân trần.

Chị Thanh treo cao mùng mền đề phòng lũ xuống bất ngờ.

Từ lòng sông ngước nhìn lên bãi bờ của thôn Đầu Gò trước đây từng là một mảnh đất phì nhiêu, là nguồn hoa màu lương thực của cả làng thế nhưng trận lũ năm 2013 đã cuốn trôi hết cả, gần 5 ha đất màu trôi theo dòng nước. Không còn kế sinh nhai người dân kiến nghị lên xã, xã lên huyện, huyện lên tỉnh rồi quy trách nhiệm đền bù thiệt hại cho thủy điện nhưng đã hơn một năm ròng vẫn không thấy hồi âm. “Mất hết, đậu không bắp không. Thủy điện xả xuống dữ quá nước cuộn như thác. Bây giờ thì chỉ có làm rẫy kiếm cái ăn thôi”, ông lái đò thở dài.

Cứ mỗi mùa lũ qua đi diện tích đất canh tác của cả thôn Đầu Gò lại bị thu hẹp. Đất đai lở cứ lở, người dân lại phải khai khẩn đất rừng làm rẫy. Nhìn những đám đậu phộng, đám bắp ngả rạp theo con nước mà hình dung ra cảnh đời của những người nông dân lam lũ khiến tôi buồn đến nao lòng.

Lũ xuống chạy lên rừng

Mặc dù nằm trong vùng nguy hiểm, năm nào cũng đón lũ nhưng những ngôi nhà ở thôn Đầu Gò lại rất sơ sài, hầu hết đều làm bằng cây tràm bọc bên ngoài những miếng bạt. Từ bờ sông gió thốc vào, những “ngôi nhà” ấy lạnh thấu xương. Thế nhưng ngoài sân những đứa trẻ chân đất vẫn thơ thẩn chơi trong làn áo mỏng.

Anh Đức, một người dân thôn Đầu Gò nhớ lại: “Tối nớ tôi đang nằm ở nhà thì nghe báo nước dâng lên cao, thủy điện đang xả lũ tôi cùng với vợ lo thu dọn hết đồ đạc trong nhà rồi đem ít bạt, ít cây lên trên núi nớ cắm đỡ làm chỗ ngủ qua đêm. Lúc về nhà đón mẹ già với đứa con 3 tuổi mà rét run. Cả xóm túm tụm nhau trên nớ tới lúc nước rút rồi mới dám xuống. Ở đây có gì khó khăn cũng phải nương tựa nhau mà sống bởi không đài không loa không đường sá biết chạy đâu cho khỏi. Hết lũ thì nồi xoong, mùng mền chi cũng toàn bùn non”.

Theo lời anh Đức thì việc chạy lên núi tránh lũ là việc thường xuyên của cả làng. 3,4 nhà cùng chung tiền chung sức dựng những căn lều tạm để trú còn nhà cửa đồ đạc thì phó mặc cho trời. Cũng trong năm ngoái có hai ngôi nhà trong thôn bị xóa sổ hoàn toàn sau trận lụt, giờ họ phải sống tạm trong lều bạt dưới chân núi.

Trong căn “nhà” mà thực chất chỉ có chiếc giường và một bếp củi nhỏ hai mẹ con chị Nguyễn Thị Thanh đang ăn bữa cơm trưa chỉ có chút muối mè. Chị Thanh quê Tiền Giang về làm dâu thôn Đầu Gò đã hơn 3 năm, chị Thanh phân trần: “Chồng em đi làm xa chỉ có 2 mẹ con ở nhà. Sáng ni em đi cuốc cỏ thuê về trưa quá nên chẳng còn gì để ăn phải cho con ăn tạm cái này”.

Bữa cơm đạm bạc của người dân thôn Đầu Gò.

Hỏi ra mới biết ở Đầu Gò muốn mua thịt cá là cả một vấn đề bởi chỉ có duy nhất một người bán hàng vào mỗi buổi sáng, nếu về trễ thì không còn gì để mua. Vào những ngày nước lớn thì lại càng khó khăn hơn nữa. Nhìn ngôi nhà đơn sơ chỉ cần một cơn gió cũng rung lên bần bật tôi ái ngại: “Nhà cửa thế này lỡ bão lụt tới thì biết làm sao?”. Thanh thở dài: “Năm ngoái bão tới em bồng con chạy sang nhà hàng xóm nấp, ở đây thì có mà chết. Lụt lội để tránh trôi mất nhà thì chồng em dùng dây ràng quanh lại. Có sập thì cũng còn đó mà dựng lại.”

Cách thôn Đầu Gò chỉ một khúc sông là khu TĐC thôn Tam Hiệp. Khu TĐC này được xây dựng cho 62 hộ dân bị sạt lở đe dọa. Thế nhưng vì không có đất sản xuất nên nhiều gia đình vẫn lên rừng dựng lán trại làm ăn, nhà mới chỉ thỉnh thoảng mới về. Nguyễn Văn Hiệp (45 tuổi) cho biết: “Cứ lũ lụt như ri có ngày cái thôn ni cũng bị xóa sổ. Chúng tôi cũng muốn được chuyển đi chỗ khác để khỏi lo cái cảnh nơm nớp mỗi mùa lũ về nhưng đi rồi thì biết lấy cái chi mà sống? Mất đất mất làng rồi thì biết nương tựa vào đâu?”.

Theo dự án được UBND tỉnh phê duyệt thì từ 2011-2015 toàn tỉnh phải tổ chức di dời 5.700 hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Như vậy mỗi năm phải tiến hành di dời 1.140 hộ. Tuy nhiên vì thiếu kinh phí nên mỗi năm chỉ di dời được 240-300 hộ, số còn lại vẫn phải ngày đêm nơm nớp âu lo trước miệng hà bá. Ra đến bờ sông ông lão lái đò vẫn ngồi đó đợi tôi. Nhìn lên Đầu Gò thấy cả ngôi làng đang co ro trong làn gió lạnh, xung quanh dòng nước đục ngầu vẫn ào ào chảy. Không biết đến bao giờ ngôi làng này mới có thể được bình an qua mỗi mùa mưa lũ?

Hà Dung