Cháy nổ - S.O.S! (Kỳ cuối: PCCC - ý thức của người dân là quyết định)

Thứ năm, 12/04/2018 17:00

Cũng như thiên tai, trong hỏa hoạn bao giờ cũng lấy yếu tố phòng lên hàng đầu. Tuy nhiên, có một thực tế mà chúng tôi ghi nhận tại các khu vực có nguy cơ cao về cháy nổ cũng như cơ quan quản lý thì rất nhiều người cho rằng “chưa cháy là do... may mắn”! Trong khi đó, lực lượng PCCC chuyên nghiệp khẳng định: không có nơi nào nguy hiểm tuyệt đối hoặc an toàn tuyệt đối trước những nguy cơ. Ý thức người dân là yếu tố quyết định trong PCCC.

Ngoài việc đồng hành với lực lượng PCCC khi xảy ra sự cố, người dân cần nâng cao ý thức, tự giác phòng là chính.  Trong ảnh: Người dân Đà Nẵng giúp đỡ một chiến sĩ Cảnh sát PCCC khi làm nhiệm vụ bị ngạt khí.

Chủ quan là... “chết”!

Nói đến tiềm ẩn nguy cơ cháy tại những tòa nhà chung cư của Đà Nẵng, mới đây chúng tôi chứng kiến một vụ hỏa hoạn khiến gần 100 hộ dân sống tại chung cư Bluehouse (P. Nại Hiên Đông, Q. Sơn Trà) và hàng trăm người qua đường đứng tim. Sự việc xuất phát từ hành vi đốt rác thải thiếu ý thức của một người dân bên ngoài tường rào chung cư, khiến đám cháy bùng phát lớn do có nệm cao su và những vật dụng dễ gây cháy lớn. Ngọn lửa lớn và nóng đến nỗi đã thiêu cháy luôn cả bờ tường tôn, cháy lan ra những thùng rác bên trong tòa nhà. Điều đáng nói là khu vực bên trong tường rào có hàng trăm chiếc xe máy. Quá hoảng loạn, cư dân chung cư và người đi đường phải tìm cách dập lửa, di chuyển nhanh những chiếc xe lân cận khu cháy, đồng thời gọi xe cứu hỏa hỗ trợ chữa cháy. Rất may vụ việc xảy ra ban ngày, có đông người qua lại, bằng không hậu quả rất khó lường.

Lãnh đạo Cty quản lý nhà chung cư (QLNCC) kể cho chúng tôi nghe một tình huống, mà nếu không xử lý khéo léo, chủ quan, hậu họa cũng đã xảy ra. Một cư dân nữ ở chung cư do thiếu nợ, bị xã hội đen liên tục kéo đến đòi, uy hiếp. Một lần rơi vào thế quẫn, người phụ nữ này đã tưới xăng lên người đòi đốt. Nắm thông tin, Cty QLNCC đã chỉ đạo quản lý viên gần nhất đến tìm cách khuyên ngăn. Mà để hiệu quả nhất, yêu cầu quản lý viên phải cúi lạy, năn nỉ người phụ nữ không dại dột, bằng không mình sẽ nhảy vào chết chung vì nếu xảy ra sự việc, Cty sẽ khiển trách, đuổi việc. Cuối cùng, người phụ nữ cũng nghe theo, tránh một nguy cơ cháy trong tòa nhà.

Thực hiện chuyên đề này, chúng tôi nhận thấy rõ nguy cơ cháy luôn rình rập tại hàng trăm block chung cư. Không chỉ xả những vật dụng gây cháy quanh các tòa nhà, dựng bàn thờ quanh hành lang, nhiều khu nhà, người dân thờ ơ trong công tác bảo quản công cụ chữa cháy được trang bị cho tòa nhà. Trong khi đó, hàng loạt khu chung cư cũ xây dựng từ những năm 2000-2011 do không có nhà để xe hoặc thiếu chỗ, người dân phải đưa xe lên tầng 2, tầng 3 và đưa vào phòng họp cộng đồng, luôn rình rập nguy cơ cháy nổ bất cứ lúc nào. Lãnh đạo Cty QLNCC cho hay, ngoài những block chung cư xây dựng sau này, nguy cơ cháy cao nhất vẫn là những chung cư cũ, nhưng kiến nghị nhiều lần về việc đập phá, di dời chưa được đồng ý. “Chúng tôi thiết nghĩ, với những tòa nhà chung cư cũ, đã xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo về PCCC và chỉ còn niên hạn sử dụng 1-2 năm nữa, TP cần tính toán hỗ trợ cho dân di dời đi chỗ khác để tháo dỡ, xây dựng mới đảm bảo an toàn cho người dân, không nên chủ quan. Nhiều năm qua, dù chưa xảy ra cháy lớn chỉ là rất may mắn, chứ khi xảy ra sự cố lớn rồi mới lo làm thì đã quá muộn” - lãnh đạo Cty QLNCC nói.

Theo BQL các tòa nhà chung cư, nhiều thói quen của người dân vô tình làm “mồi nhử” cho bà hỏa hoặc tự làm mất công năng của hệ thống PCCC. Tại một số tòa nhà, dù ban đầu được trang bị tủ phòng cháy, đèn cảnh báo, dụng cụ dùng để thoát hiểm nhưng chỉ một thời gian sau đã bị “vặt” hết. “Nhiều người dân trong khi sửa sang trong nhà không có búa đã chạy ra tháo búa ở tủ phòng cháy rồi “quên” trả lại. Ống lăng bằng gang ở vòi chữa cháy cũng bị lấy đi. Thậm chí đèn báo cháy công suất lớn được lắp ở cuối mỗi hành lang, làm thêm rọ bảo vệ đàng hoàng cũng bị tháo ra để lắp cho tàu cá. Nhiều nơi tháng trước mới trang bị, tháng sau đi kiểm tra thì đã biến mất” - đại diện Ban QLNCC TP Đà Nẵng kể. Tại nhiều chung cư, cửa chống cháy ở đầu cầu thang bộ với cơ chế tự động đóng khi có người đi qua đã bị người dân cố định lại để làm lối đi. Nếu có cháy ở tầng hầm, thay vì ngăn chặn khói, cách nhiệt trong một khoảng thời gian nhất định thì cửa này mở đã biến cầu thang thành ống khói dẫn lên các tầng trên, tăng nguy cơ bị ngạt trước khi bị uy hiếp bởi lửa.

Trong khi đó, tại các chợ, thói quen cơi nới gian hàng khiến lối đi bị thu nhỏ, việc nấu nướng của tiểu thương và thậm chí là phì phèo thuốc của người đi chợ hoặc du khách như trêu ngươi bà hỏa. Một chợ lớn như chợ Cồn, dù khu sử dụng nhiều lửa nhất là ẩm thực đã được quy hoạch riêng, chế độ tuần tra gần như khép kín vẫn còn xuất hiện bếp gas cháy phừng phừng ngay cạnh các khu bán áo quần, hàng dễ cháy. “Nói thật, tuyên truyền, vận động, kiểm tra thường xuyên, nhắc nhở như cơm bữa, làm hết trách nhiệm rồi đó. Những năm qua hạn chế được tối đa, chưa xảy ra vụ việc nào đáng tiếc. Chứ thực tình, chưa xảy ra cháy nổ là cũng nhờ… ơn trên” - lãnh đạo Ban Quản lý chợ Q. Sơn Trà nói khi đề cập đến nguy cơ cháy nổ.

Nguy hiểm hay an toàn đều ở người dân

Theo Đại tá Lê Ngọc Hai - Phó Giám đốc CSPCCC Đà Nẵng, một trong những yếu tố quan trọng để ngăn ngừa hiệu quả nguy cơ cháy nổ chính là việc đầu tư cơ sở vật chất ban đầu, tuân thủ các quy chuẩn cũng như chế độ bảo quản, bảo dưỡng trang thiết bị, diễn tập thực hành thường xuyên. “Dù có chung cư mấy tầng, hiện đại đến đâu nhưng hệ thống phòng cháy không theo quy chuẩn hoặc không có chế độ kiểm tra định kỳ nghiêm ngặt thì khi xảy ra sự cố cũng có khả năng bị tê liệt. Lúc đó hậu quả sẽ rất đáng tiếc” - Đại tá Hai cảnh báo, nhưng đồng thời cho biết đó mới chỉ là điều kiện cần. Theo Phó Giám đốc CSPCCC Đà Nẵng, yếu tố quan trọng nhất, quyết định hiệu quả của cuộc chiến phòng chống “giặc” lửa chính là ý thức của mỗi người dân. Mỗi công dân sống trong chung cư, mỗi tiểu thương kinh doanh trong chợ hoặc chủ các cửa hàng kinh doanh và từng hộ gia đình nếu bỏ được những thói quen xấu, khắc phục sự cẩu thả, chủ quan thì sẽ tránh được những nguy cơ tiềm ẩn. “Giữa cháy hay không cháy là khoảnh khắc rất gần. Một sơ suất nhỏ có thể gây ra hậu quả lớn nhưng bỏ được một thói quen, nâng cao cảnh giác lại ngăn ngừa được nguy cơ cao. Trong PCCC, nguy hiểm hay an toàn đều không có tuyệt đối. Ý thức của người dân sẽ quyết định là nó nguy hiểm hay an toàn” - Đại tá Lê Ngọc Hai khẳng định.

C.HẠNH - C.KHANH