Cháy rừng hoành hành ở Mỹ

Thứ hai, 14/09/2020 16:26

Tính đến ngày 13-9, hơn 30 người đã thiệt mạng do các đám cháy rừng đang quét qua các tiểu bang miền Tây nước Mỹ. Hàng chục người mất tích chỉ riêng ở tiểu bang Oregon. Các vụ cháy cũng đã thiêu rụi diện tích rừng hơn 2 triệu ha, gây khói mù đặc bao trùm nhiều thành phố. Tình hình cháy rừng nghiêm trọng đến nỗi, một quan chức lực lượng khẩn cấp nói rằng, tiểu bang Oregon nên chuẩn bị cho một “sự cố người tử vong hàng loạt”.

Cháy rừng quét qua thị trấn Berry Creek ở California, Mỹ. Ảnh: EPA

Khẩu chiến Trump - Biden

Tình trạng cháy rừng nghiêm trọng hoành hành ở các tiểu bang Oregon, California và Washington trong suốt 3 tuần qua, thiêu rụi hàng triệu héc-ta đất và phá hủy hàng nghìn ngôi nhà. Theo BBC, hàng chục nghìn người đã buộc phải rời bỏ nhà cửa để lánh nạn.

Ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden cuối tuần qua đã cảnh báo, “biến đổi khí hậu đã tạo ra một mối đe dọa có thật, sắp xảy ra đối với cách sống của chúng ta” và cáo buộc Tổng thống Donald Trump, một người hoài nghi việc biến đổi khí hậu, phủ nhận “thực tế đó”. “Khoa học chứng minh biến đổi khí hậu gây ra mối đe dọa hiện hữu. Tuy nhiên, ông Trump cố phủ nhận thực tế đó”, ông Biden nhấn mạnh. Tổ chức Khí tượng Thế giới cũng cảnh báo cháy rừng quy mô lớn trở nên phổ biến hơn là do biến đổi khí hậu khiến nhiệt độ ngày tăng cao trong mùa khô.

Tuy nhiên, Tổng thống Trump, sẽ có chuyến thăm bang California vào hôm nay (14-9) để tham dự một cuộc họp về tình hình cháy rừng, chỉ trích chính quyền cấp bang quản lý yếu kém dẫn đến cháy rừng lan rộng. Trên thực tế, cho đến nay, một trong những quyết định gây tranh cãi nhất của Tổng thống Trump khi lên nắm quyền là rút khỏi Thỏa thuận chung Paris về biến đổi khí hậu. Tổng thống Trump cho rằng, thỏa thuận này tạo ra gánh nặng kinh tế đối với Mỹ và tuyên bố sẽ đàm phán một thỏa thuận tốt hơn. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có một một thỏa thuận mới nào.

Hơn 30 người thiệt mạng, khói mù bao trùm

Hơn 30 người đã thiệt mạng do các đám cháy rừng. Tình hình càng tồi tệ khi khói mù đặc bao trùm các thành phố.

Ở tiểu bang Oregon, nơi các nhân viên cứu hỏa đang đối phó với 16 đám cháy lớn, 40.000 người đang phải tuân theo lệnh sơ tán bắt buộc. Thành phố lớn nhất của tiểu bang Oregon là Portland hiện có chất lượng không khí tồi tệ nhất thế giới, tiếp theo là San Francisco và Seattle. Văn phòng Quản lý Khẩn cấp (OEM) của Oregon cho biết, đám cháy đã khiến 10 người thiệt mạng, nhưng các quan chức cảnh báo số người chết cuối cùng có thể sẽ cao hơn nhiều. Giám đốc sở Cứu hỏa của Oregon, Jim Walker, từ chức hôm 12-9, ngay sau khi ông được cho nghỉ phép trong bối cảnh điều tra nhân sự.

Đầu tuần này, Thống đốc Kate Brown kêu gọi các chủ nhà tránh xa vùng cháy bất chấp báo cáo về nạn cướp bóc. “Tôi đảm bảo với quý vị rằng chúng ta có Vệ binh Quốc gia Oregon và Cảnh sát Tiểu bang Oregon theo dõi tình hình và ngăn chặn cướp bóc”, bà nói. Tuy nhiên, người dân Beatriz Gomez Bolanos, 41 tuổi, nói với Reuters về chuyến đi đáng sợ của gia đình bà đến nơi an toàn khi lửa cháy hừng hực ở cả hai bên xe của họ. Bà bảo các con nhắm mắt lại trong chuyến trốn chạy khỏi hỏa hoạn. “Mọi thứ đã biến mất. Chúng tôi phải bắt đầu lại từ con số không, nhưng chúng tôi còn sống”, bà nói.

Tại tiểu bang Washington, lực lượng cứu hỏa đang giải quyết 15 đám cháy lớn. Một em bé 1 tuổi đã chết đầu tuần này khi gia đình tìm cách thoát khỏi một vụ hỏa hoạn. Cha mẹ em bé vẫn đang trong tình trạng nguy kịch. Tại California, Thống đốc Gavin Newsom, thuộc đảng Dân chủ, có chuyến thị sát kiểm tra thiệt hại từ đám cháy ở North Complex, gần Oroville. Đám cháy North Complex, bùng cháy kể từ ngày 18-8, là một trong những đám cháy chết chóc nhất trong lịch sử. 12 thi thể đã được tìm thấy cho đến nay và một số người vẫn đang mất tích. California đã có tổng số 22 người chết vì hỏa hoạn kể từ ngày 15-8. Hàng chục nghìn người đang được lệnh sơ tán trong khi 14.800 lính cứu hỏa tiếp tục chiến đấu với 28 đám cháy lớn ở tiểu bang.

KHẢ ANH