Cháy tàu câu mực khơi: SOS

Thứ năm, 10/07/2014 09:55

(Cadn.com.vn) - Tàu câu mực khơi đối với ngư dân là cả một cơ nghiệp. Vậy mà, tất cả tài sản của họ, kể cả tiền đi vay mượn đều dồn vào chiếc tàu trị giá hàng tỷ đồng đó bỗng chốc bị  cháy rụi và họ trở thành trắng tay, nợ nần chồng chất lại không biết lấy gì làm ăn. Nguyên nhân chỉ đơn giản...Chập điện !

Gần đây nhất vào giữa khuya 28-6-2014, tàu câu mực khơi QNa 91269 TS của ông Phạm Cương trị giá 3,5 tỷ đồng đang đậu tại Cảng cá An Hòa (thôn Đông Xuân, xã Tam Giang) bỗng nhiên bốc cháy. Mặc dù bà con chòm xóm và sau đó Cảnh sát PCCC  tỉnh Quảng Nam đến cứu nhưng con tàu vẫn bị thiêu rụi. Nguyên nhân gây cháy được xác định là do bị chập điện.  Đây không phải là lần đầu tiên tàu mực khơi ở Tam Giang bị cháy do chập điện. Năm 2013, vào đêm 18-9, tàu câu mực khơi QNa 91685 của ông Bùi Lên (thôn Hòa An, xã Tam Giang, H. Núi Thành) đậu tại khu âu thuyền An Hòa (gần bến đò thôn 4, xã Tam Giang) cũng bỗng nhiên bị bốc cháy dữ dội.

Mặc dù các CBCS Đồn Biên phòng cửa khẩu Cảng Kỳ Hà đến cứu chữa nhưng vẫn không được. Đến tận 5 giờ ngày 19-9 ngọn lửa mới tắt hẳn và chiếc tàu cùng với hơn 5 tấn dầu dự trữ và nhiều tài sản khác, tổng trị giá gần 3 tỉ đồng đã bị cháy rụi và chìm hẳn xuống lòng sông. Gặp chúng tôi ngay sáng 19-9, ông Lên thất thần: "Tội quá các anh ơi, cả gia sản tôi góp lại rồi đi vay mượn thêm nhiều nơi mới sắm được chiếc tàu.Vậy mà chỉ trong một đêm lửa đã thiêu rụi". Nguyên nhân gây cháy tàu cũng được xác định là do sự cố chập điện trên tàu.

Tàu câu mực khơi QNa 91269 TS bị cháy rụi.

Xã Tam Giang hiện có hơn 50 chiếc tàu câu mực khơi, là địa phương có nhiều tàu câu mực khơi nhất của H. Núi Thành. Đây là nghề cho thu nhập cao nhưng cũng gặp nhiều rủi ro. Ngoài một số trường hợp lạc thúng, ngư dân mất tích ngoài biển, 4 năm trở lại đây (từ 2011 - 2014), xã Tam Giang có tới 5 chiếc tàu câu mực khơi, mỗi chiếc có giá trị từ 2 đến 3,5 tỷ đồng bị cháy rụi ngay tại nơi neo đậu ở địa phương. Chiếc tàu câu mực đầu tiên bị cháy rụi là của ông Phan Văn Thành, tiếp đó là tàu ông Trần Văn Ảnh, rồi tàu ông Trần Văn Nhánh, năm 2013 là tàu ông Lên và gần nhất là tàu ông Cương. Những trường hợp cháy tàu này đều đã được xác định là do chập điện trên tàu gây ra.

Rõ ràng tình trạng cháy tàu mực khơi ở Tam Giang đã đến lúc gióng lên hồi chuông báo động về công tác PCCC cho những khối tài sản trị giá hàng tỷ đồng cùng với nhiều sinh mạng của ngư dân. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, hệ thống lưới điện và nhiều thiết bị sử dụng điện ở các tàu câu mực khơi nói riêng và tàu đánh bắt xa bờ nói chung ở Núi Thành có cấu trúc rất phức tạp: nào là máy phát điện có công suất lớn từ vài trăm Am-pe trở lên, hệ thống điện chiếu sáng, đèn pha, ăc-quy công suất lớn, máy I-com cùng nhiều thiết bị dùng điện phức tạp khác.

Lúc 1 giờ ngày 9-7, tàu cá hành nghề lưới vây số hiệu QNa 91694 có công suất 600 CV của ông Phạm Việt (thôn Hòa An, xã Tam Giang, H. Núi Thành) đang neo đậu tại khu neo đậu tàu thuyền của thôn đã bốc cháy dữ dội.
Mặc dù lực lượng chức năng và chủ tàu đã tìm cách cứu chữa nhưng do bên trong tàu này có chứa đến hơn 1.000 lít dầu, 5 bình gas và nhiều vật dụng dễ cháy nên ngọn lửa đã thiêu rụi gần như hoàn toàn con tàu. Ước tính vụ hỏa hoạn này làm thiệt hại hơn 4 tỷ đồng.

Bão Bình

Thế nhưng, theo ông Phạm Văn Châu, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Giang, việc thiết kế, lắp đặt các thiết bị điện này thường chỉ do những thợ điện bình thường thực hiện, thậm chí có chủ tàu tự lắp đặt. Chính điều này đã tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn cho hệ thống điện ở trên các tàu đánh bắt xa bờ và nguyên nhân gây cháy tàu cũng từ đó mà ra. Đó là chưa kể đến việc rất nhiều ngư dân đi trên tàu chưa có kiến thức cơ bản về sử dụng điện.

Ông Nguyễn Minh Khả, Phó Chủ tịch UBND H. Núi Thành sau khi xem xét vụ cháy tàu ở Tam Giang cho rằng: "Cùng với việc tăng cường công tác PCCC trên các tàu, huyện cũng đề nghị các cơ quan chuyên môn ở tỉnh hỗ trợ, hướng dẫn việc lắp đặt các thiết bị điện cũng như hệ thống PCCC trên tàu và trang bị các kiến thức cơ bản về sử dụng điện an toàn cho ngư dân trên các tàu đánh bắt xa bờ của Núi Thành".

Thực tế trên các tàu câu mực khơi và tàu đánh bắt xa bờ ở Núi Thành ngày nay có nhiều trang thiết bị hiện đại, số hàng hóa phục vụ hậu cần mang theo khá lớn, đặc biệt là hàng tấn dầu diesel, hàng chục bình gas là vật dễ cháy cùng với người lao động đông đảo. Do vậy, công tác PCCC, đảm bảo an toàn cho tàu cần phải được coi trọng hơn, nhất là việc đảm bảo an toàn hệ thống điện và các thiết bị sử dụng điện trên tàu.

Văn Phin