Chế độ người lao động được hưởng khi phải cách ly do COVID-19

Thứ hai, 14/06/2021 11:13

Bạn đọc hỏi: Ông Nguyễn Văn X., người lao động (NLĐ) đang làm việc tại Cty M. (Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng), hỏi: Kết thúc 3 ngày công tác tại Hà Nội, ngày 2-5, tôi bay về Đà Nẵng và được đưa đi cách ly tập trung với lý do trước đó đã đi cùng chuyến bay từ Đà Nẵng đến Hà Nội với người có kết quả dương tính với Covid-19, thời gian cách ly là 21 ngày nên tôi không thể đến đơn vị làm việc. Vậy cho tôi hỏi trong thời gian cách ly, tôi có được hưởng lương và chế độ BHXH không?

Luật sư Phạm Văn Thanh- Phó trưởng Chi nhánh Cty Luật TNHH Phạm và Liên danh tại TP Đà Nẵng, trả lời: Thứ nhất, về chế độ tiền lương cho NLĐ. Theo quy định tại Điều 99 Bộ luật Lao động 2019 (BLLĐ 2019), trường hợp không do lỗi của người sử dụng lao động (NSDLĐ) lẫn NLĐ mà NLĐ buộc phải ngừng việc do cách ly tập trung theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền thì tiền lương của NLĐ trong thời gian ngừng việc sẽ do các bên thỏa thuận. Tuy nhiên, trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu; trường hợp ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu. Như vậy, trong thời gian cách ly 21 ngày, ông X. được Công ty M. chi trả tiền lương ngừng việc theo thỏa thuận, trong đó, tiền lương ngừng việc trong 14 ngày làm việc đầu tiên không thấp hơn 3.920.000 đồng/tháng (đối với khu vực Đà Nẵng). Ngoài ra, nếu trong thời gian cách ly, ông X. vẫn làm việc đạt năng suất và chất lượng như làm việc tại Công ty thì Công ty M. vẫn phải chi trả tiền lương cho bạn theo đúng mức lương mà các bên đã thỏa thuận theo Hợp đồng lao động (khoản 1 Điều 95 BLLĐ 2019).

Thứ hai, về chế độ BHXH. Theo quy định tại Điều 25 Luật BHXH 2014, đối với những trường hợp phải điều trị do dương tính với Covid-19, được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền cấp giấy ra viện hoặc cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH theo quy định tại Thông tư số 56/2017/TT-BYT ngày 29-12-2017 của Bộ Y tế quy định chi tiết thi hành Luật BHXH và Luật An toàn vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế thì NLĐ được giải quyết hưởng chế độ ốm đau. Mức hưởng chế độ ốm đau bằng 75% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc và thời gian được hưởng chế độ ốm đau là thời gian đã điều trị, nghỉ việc được xác định trên giấy ra viện hoặc giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH. Đối với người được yêu cầu cách ly y tế mà không bị mắc bệnh truyền nhiễm (âm tính với Covid-19), không phải là trường hợp ốm đau và không phải điều trị. Trường hợp này, hiện nay không có trong quy định của Luật BHXH 2014 và chưa có văn bản hướng dẫn của cấp có thẩm quyền nên chưa được giải quyết hưởng chế độ ốm đau. Tuy nhiên, ngày 30-5-2021 vừa qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có Công văn số 1564/LĐTBXH-BHXH gửi Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và BHXH Việt Nam xin ý kiến việc xem xét giải quyết chế độ BHXH đối với NLĐ phải cách ly y tế. Theo đó, dự kiến thời gian hưởng chế độ BHXH được tính theo thời gian cách ly y tế thực tế nhưng không tính những ngày đã được trả lương ngừng việc theo quy định tại khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động 2021. Như vậy, trong thời gian cách ly theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, NLĐ đương nhiên được hưởng lương ngừng việc theo thỏa thuận từ công ty (không phụ thuộc vào việc NLĐ có kết quả xét nghiệm dương tính hay âm tính với Covid-19). Trường hợp NLĐ có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19, NLĐ còn được hưởng thêm chế độ ốm đau theo Luật BHXH trong thời gian điều trị, nghỉ việc được xác định trên giấy ra viện hoặc giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH.