Chênh lệch giữa sữa nội - ngoại: Người tiêu dùng gánh trọn

Thứ hai, 16/09/2013 10:18

* Giá bán lẻ sữa ở Việt Nam cao nhất thế giới

(Cadn.com.vn) - Đến hết tháng 8-2013, giá các hãng sữa ngoại tại thị trường Việt Nam đã 4 lần tăng giá với đủ thứ “chiêu trò”, từ “lách luật” để tăng giá, giữ nguyên giá nhưng giảm trọng lượng, cải tiến mẫu mã nên... cải tiến luôn giá thành. Thực tế đó, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Tài chính trước ngày hôm qua (15-9) phải báo cáo về việc đưa mặt hàng sữa vào danh mục thực phẩm bổ sung khiến giá tăng cao. Đồng thời,  yêu cầu các đơn vị phải báo cáo gấp và làm rõ thông tin cho rằng, nhiều sản phẩm sữa bột nhập khẩu có mức giá nhập khẩu chỉ 4-5 USD/hộp (khoảng 80.000 - 100.000 đồng), trong khi đó, giá bán lẻ trên thị trường 400.000 - 900.000 đồng, gấp 5-9 lần mức nhập.

Vậy, vì sao sữa ngoại liên tục tăng giá? Vì sao sữa ngoại lại đắt hơn sữa sản xuất trong nước rất nhiều lần?

Nhiều người tiêu dùng vẫn  tự nguyện “gánh” các chi phí quảng cáo cho các hãng sữa ngoại.

TRẢ TIỀN CHO CHẤT LƯỢNG?

Thực tế tồn tại từ lâu, trên thị trường sữa hiện nay, giá một lon sữa do Cty của Việt Nam sản xuất chỉ bằng 50-70% giá một lon sữa nhập khẩu. Khoảng cách về giá này liệu có đồng nghĩa với sự khác biệt về chất lượng? Nếu nhìn nhận theo “tâm lý tiêu dùng” thì câu trả lời sẽ là “sữa ngoại tốt hơn”, vì nếu không, làm sao người ta lại dành sự lựa chọn cho sữa ngoại? Vấn đề này có thể đúng, nhưng phải truy đến cùng căn nguyên người tiêu dùng (NTD) chọn sữa ngoại. Câu quen thuộc để trả lời chính là tâm lý “sính ngoại”. Hãy nhìn nhận thực tế, tại sao những sản phẩm sữa bột của các Cty trong nước sản xuất lại vào được những thị trường khó tính nhất thế giới như Mỹ và Châu Âu với số lượng xuất khẩu ngày càng tăng? Sự đảm bảo đó chính là chất lượng, sự an toàn cho người sử dụng. Vậy phải chăng người NTD đang phải trả một số tiền quá lớn, lớn hơn rất nhiều cho thương hiệu và cách thức kinh doanh của các hãng sữa ngoại chứ không phải giá trị của lon sữa?

Nói về vấn đề này, trong một cuộc trao đổi với báo chí mới đây, ông Trần Hữu Đức- Giám đốc Quan hệ công chúng Cty Nutifood cho biết: “Chi phí cho truyền thông và quảng cáo của các hãng sữa nước ngoài rất lớn, mà các DN trong nước không thể bì kịp”. Con số “rất lớn” ấy là hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng được các hãng sữa ngoại chi cho quảng cáo để hình ảnh về sữa ngoại xuất hiện nhan nhản trên các mục quảng cáo của truyền hình và báo in. Con số  thống kê chưa chính thức là tổng chi phí cho quảng cáo mặt hàng sữa (sữa ngoại) cao thứ 2, chỉ sau ngành hóa mỹ phẩm. Nếu các hãng sữa nội cũng bỏ tiền “chạy đua” quảng cáo cùng các hãng sữa ngoại thì chắc chắn sẽ không có chuyện giá một lon sữa nội chỉ bằng 1/2 hay cùng lắm là 2/3 lon sữa ngoại có thành phần các vi chất tương đương. Tung tiền quảng cáo, lẽ đương nhiên các thương hiệu sữa ngoại lấn lướt sữa nội trong tâm trí NTD.

Người tiêu dùng liệu có giật mình với bảng thống kê giá nhập khẩu và bán lẻ sữa bột?

LÀM SAO KIỂM SOÁT?

TS Ngô Trí Long, chuyên gia thị trường giá cả cho rằng, chỉ khi các cơ quan chức năng thật sự vào cuộc, giá sữa mới trở về mức hợp lý. Các đợt thanh tra, kiểm tra về giá đã cho thấy hầu hết sản phẩm của các hãng sữa ngoại có thị phần lớn tại Việt Nam như Abbott, Mead Johnson... đều có giá bán lẻ cao gấp nhiều lần giá vốn.

Theo tổ điều hành thị trường trong nước (Bộ Công Thương), một nghịch lý là mặc dù trong những tháng đầu năm 2013, sữa nguyên liệu thế giới đồng loạt giảm mạnh, từ 750 đến 1.288 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2011, nhưng không có DN sữa nào giảm giá ở thị trường Việt Nam. Vấn đề là ở chỗ, quy định mới của Bộ Y tế về việc sản phẩm có hàm lượng đạm 34% trở lên mới được ghi là sữa đã tạo cơ hội cho các hãng sữa “lách luật” khi ghi nhãn không phải là sữa mà là thức ăn dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung. Trong khi đó, kiểm soát giá sữa lại thuộc về Bộ Công Thương...

Nhìn nhận ở một khía cạnh khác, Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam thừa nhận, sự yếu kém của các DA thương mại Nhà nước trong việc tham gia thị trường này cũng là một nguyên nhân khiến chúng ta khó khống chế được giá sữa. Hiệp hội dẫn chứng, gần 200 nhà nhập khẩu sữa toàn là khối tư nhân, không có một tổng Cty thương mại Nhà nước nào, trong khi đây là thị trường nóng bỏng. Vì vậy, để quản lý được giá sữa ngoại thì phải có một lượng sữa lớn để “lấy hàng hóa áp đảo hàng hóa”, trong đó phải có sự tham gia của các Tổng Cty thương mại lớn để đóng vai trò đầu mối dẫn dắt thị trường. Trong khi đó, thị trường sữa Việt Nam đang phụ thuộc quá lớn vào hàng nhập khẩu khi mà sữa sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu.

TỰ NGUYỆN GÁNH THIỆT THÒI!

Giá bán lẻ sữa ở Việt Nam cao nhất thế giới

Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới, giá bán lẻ sữa ở Việt Nam đang ở mức cao nhất thế giới. Giá bán lẻ trung bình tại Việt Nam là 1,4USD/lít, Trung Quốc 1,1USD/lít, Ấn Độ 0,5USD/lít, các nước Âu - Mỹ 0,5-0,9USD/lít.

Tại sao người Việt lại không chọn sữa Việt? Ông Vương Ngọc Tuấn - Phó Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) cho rằng: Hiện nay người tiêu dùng chưa có khiếu nại nào gửi tới Vinastas và người tiêu dùng quyết định lựa chọn hàng hóa theo ý thích. Tuy nhiên, có một bộ phận người tiêu dùng sính ngoại có thể không biết rằng, một số hãng sữa nội Việt Nam có quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế và đã được các tổ chức đánh giá chất lượng quốc tế chứng nhận. Thêm vào đó, người tiêu dùng Việt Nam chưa hình thành thói quen đọc kỹ thông tin các thành phần dinh dưỡng ghi trên bao bì sản phẩm để tìm hiểu chất lượng thực chất của sữa.

TS Ngô Trí Long cho rằng, trong kinh doanh, một vốn hai lời đã là quá cao rồi. Nên nhớ, dù có rất nhiều chi phí kể từ khi lấy hàng ra khỏi cảng được cộng vào giá bán lẻ nhưng giá sữa nhập từ 100 - 120 ngàn đồng/hộp mà bán giá tới 500 - 600 ngàn đồng/hộp là chênh lệch quá lớn.

Quyền lựa chọn và tin dùng sản phẩm thuộc về NTD, nhưng sữa ngoại giá chót vót vẫn được NTD lựa chọn, liệu đó có phải cái “quyền” và sự “tin dùng” ấy bị công nhiên “chiếm đoạt”?

N.M