Chỉ 30% người mắc đái tháo đường được chẩn đoán bệnh

Thứ năm, 08/08/2019 08:43

Đái tháo đường (ĐTĐ) là một căn bệnh gây tử vong sau tim mạch và ung thư, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người bệnh và sự phát triển của xã hội. Bệnh thường tiến triển một cách thầm lặng và điều đáng chú ý là hầu hết người dân đang mắc bệnh ĐTĐ nhưng lại chưa được chẩn đoán. 

Bác sĩ Khoa Nội II giải đáp thắc mắc trong chương trình Câu lạc bộ Đái tháo đường.

Tỉ lệ người mắc ĐTĐ tăng nhanh

ĐTĐ là bệnh rối loạn chuyển hóa xảy ra khi cơ thể thiếu hụt insulin, hoặc sử dụng insulin không hiệu quả, khiến đường bị tích tụ trong máu gây tăng đường huyết (glucose). Việc tăng glucose mạn tính trong thời gian dài gây nên những rối loạn chuyển hóa carbohydrate, protide, lipide, gây tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau, đặc biệt ở tim và mạch máu, thận, mắt, thần kinh. PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh tại Việt Nam cho biết, tỉ lệ tử vong do bệnh không lây nhiễm như tim mạch, ung thư, đái tháo đường… ước tính chiếm 77% nguyên nhân của tất cả các tử vong, riêng đái tháo đường chiếm tỷ lệ là 4% (trong báo cáo của WHO 2018).

Việt Nam có khoảng 3,53 triệu người đang chung sống với bệnh ĐTĐ (theo số liệu thống kê của Liên đoàn Đái tháo đường thế giới (IDF) năm 2017), trong đó đáng chú ý, chỉ có gần 30% người dân mắc bệnh ĐTĐ được chẩn đoán bệnh. Và, đến năm 2045, dự báo nước ta sẽ có tới 6,3 triệu người mắc căn bệnh này, tăng xấp xỉ 79%. Tỷ lệ người mắc bệnh đái tháo đường đang tăng chóng mặt và ngày càng trẻ hóa. Trước đây người mắc bệnh thường ở tuổi 50-60, nhưng hiện nay rất nhiều người trong độ tuổi 25-30 mắc bệnh mà không biết, có những trường hợp trẻ em mới 12, 13 tuổi đã mắc bệnh.

Tầm soát sớm - Tránh nhiều biến chứng

Một điều đáng lưu tâm là đa phần người dân chung sống với đái tháo đường không biết mắc bệnh, đặc biệt là bệnh ĐTĐ típ 2 (loại phổ biến nhất, chiếm khoảng 90% trường hợp mắc ĐTĐ). Đến khi được chẩn đoán, bệnh thường đã kèm theo các biến chứng của bệnh như bàn chân, tim mạch, thận, mắt…

Từ năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác trong giai đoạn 2015- 2025 với mục tiêu tất cả người dân được tầm soát phát hiện sớm, đạt mục tiêu điều trị. Theo đó, việc chẩn đoán sớm sẽ giúp bệnh nhân được chăm sóc và kiểm soát bệnh tốt hơn, giảm chi phí điều trị.

Bằng việc kiểm tra sức khỏe định kỳ sẽ giúp người bệnh phát hiện các yếu tố nguy cơ, sàng lọc bệnh ĐTĐ sớm, từ đó các bác sĩ sẽ chẩn đoán chính xác, điều trị theo toa phù hợp. Bên cạnh đó, người bệnh nên lưu ý không nên tự ý mua các loại thuốc không rõ nguồn gốc trên thị trường hoặc tự ý đắp lá chữa bệnh, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

Tuy là căn bệnh thầm lặng và nhiều biến chứng nguy hiểm, nhưng ĐTĐ hoàn toàn có kiểm soát được. Để dự phòng bệnh tốt nhất nên duy trì trọng lượng cơ thể, tập thể dục 30 phút/ngày, chế độ ăn uống phù hợp như ăn nhiều rau, giảm đường, giảm chất béo và không sử dụng thuốc lá.

Tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng, người bệnh đái tháo đường sẽ được điều trị với sự phối hợp đồng bộ của nhiều chuyên khoa như Nội, Dinh dưỡng, Tim mạch và Ngoại CTCHTK (trong trường hợp bị biến chứng bàn chân đái tháo đường nặng, phải cắt cụt chi).

Nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về bệnh ĐTĐ, tăng tỷ lệ người bệnh được phát hiện sớm và điều trị, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng sẽ tổ chức Chương trình TƯ VẤN BỆNH LÝ ĐÁI THÁO ĐƯỜNG; thời gian: 07h sáng Chủ nhật (11/08/2019); Địa điểm: Hội trường Tầng 11- Khu C, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng- 291 Nguyễn Văn Linh, TP Đà Nẵng; với Chủ đề: Phát hiện và Chăm sóc Bàn chân Đái Tháo đường; Trình bày: Bs CK II Hoàng Ngọc Thọ, Bs Nội trú Phan Thị Thùy Dung. Quyền lợi tham gia chương trình: Miễn phí Xét nghiệm Đường huyết;  Tư vấn bệnh lý Đái tháo đường & Chế độ dinh dưỡng; Nhận quà tặng chương trình.

Quý người bệnh đăng ký tham gia miễn phí qua điện thoại (trong giờ hành chính): 0236 3509 808.

P.V