Chỉ cho người dân sơ tán trở về nhà khi có lệnh

Thứ năm, 29/10/2020 07:35

Theo báo cáo Ban Chỉ huy tiền phương ứng phó với bão số 9, hồi 17 giờ ngày 28-10, các địa phương đã có 34 nhà bị sập (Quảng Ngãi: 9, Bình Định: 23, Phú Yên: 1, Gia Lai: 1); 56.163 nhà bị tốc mái (Quảng Ngãi: 53.390, Bình Định: 2.588, Phú Yên: 44, Gia Lai: 109, Kon Tum: 32). Bên cạnh đó, 31 trụ sở cơ quan bị tốc mái, hư hỏng (Quảng Ngãi), có 35 điểm trường bị tốc mái, hư hỏng (Quảng Ngãi: 28; Gia Lai: 3, Kon Tum: 4). Hiện 360 xã chủ động cắt điện chống bão; trong đó, tại Đà Nẵng - 11 xã; Quảng Nam - 56 xã; Quảng Ngãi - 145 xã; Bình Định - 97; Phú Yên - 51 xã.

Đà Nẵng ngã đổ hơn 300 cây xanh do bão. Ngay sau khi bão tan, lực lượng Công an đã ra quân cắt tỉa, thông các tuyến đường để người dân đi lại.

Tại Đà Nẵng, gió giật mạnh kéo dài khiến nhiều cây xanh ngã đổ khắp các tuyến đường trọng yếu. Tại một số khu dân cư, mái tôn của nhà dân bị gió quật bung rơi vào nhiều ôtô đậu trên đường, thậm chí trong các công sở.

Theo báo cáo nhanh của BCH Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Đà Nẵng, đến tối 28-10, vẫn đang còn hàng nghìn hộ dân bị mất điện do nhiều khu vực bị đứt dây xuất tuyến trung thế, cột ngã đổ, tôn nhà dân bay vào đường dây. Nhiều trường học bị rớt laphong, bay mái tôn, sập tường rào. Về hạ tầng giao thông, một số biển báo, đảo giao thông bị hư hỏng ngã đổ, nước và sóng đánh tràn lên đường Như Nguyệt gây hư hỏng vỉa hè; hệ thống đèn tín hiệu bị chạm một số nút, rơi hỏng 3 bộ đèn, mất kết nối tín hiệu camera tại 79 vị trí.

Cũng trong ngày 28-10, Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Đà Nẵng cho biết, mực nước trên các sông thượng nguồn vùng Quảng Nam, Đà Nẵng đang lên nhanh. Với trường hợp thủy điện tiếp tục duy trì mức xả như hiện tại về hạ lưu trong 6-12 giờ tới thì mực nước trên sông Vu Gia tại trạm Ái Nghĩa có khả năng lên mức 10.3m. Trường hợp sẽ xả xuống hạ lưu như dự kiến (11.400m3 /s), trong 6-12 giờ tới, mực nước trên sông Vu Gia tại trạm Ái Nghĩa có khả năng lên mức 11.2m. Do vậy nguy cơ rất cao gây ngập lụt sâu, diện rộng vùng trũng thấp và sạt lở tại các huyện Nam Giang, Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, thành phố Hội An (Quảng Nam) và thành phố Đà Nẵng. Cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất được cảnh báo là cấp 4.

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng yêu cầu người đứng đầu các quận huyện phải trực tiếp chỉ huy và huy động nguồn lực theo thẩm quyền để ứng phó thiên tai. Trước mắt chỉ cho phép cho người dân trở về từ nơi sơ tán khi có chỉ đạo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, phối hợp với các lực lượng vũ trang, sở, ban, ngành tiếp tục công tác ứng cứu, tìm kiếm cứu nạn, cấp cứu người bị nạn. Chính quyền và lực lượng chức năng như công an, quân đội, dân phòng nghiêm cấm, ngăn chặn người dân, phương tiện đi lại tại các khu vực, tuyến đường ngập sâu, nguy hiểm, đánh bắt cá. Các xã, phường tuyên truyền hướng dẫn người dân không được chủ quan, hạn chế trường hợp bị tai nạn trong lúc dọn dẹp sau bão. 

P.V