Chỉ thị của ông Mười Cúc

Thứ ba, 30/06/2015 06:51

(Cadn.com.vn) - Ông Mười Hương (Trần Quốc Hương) kể với tôi: Hồi đó Thành ủy Sài Gòn – Gia Định đóng ở phía Tam Giác Sắt bên kia sông Sài Gòn. Tôi là thường trực Thành ủy, anh Nguyễn Văn Linh là Bí thư. Năm 1972, khi chuẩn bị Hiệp định Paris, Trung ương kêu anh Mười Cúc (Nguyễn Văn Linh) ra dự Hội nghị Trung ương 21. Trước khi đi, anh Linh nói với tôi: “Nếu không lật được Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đi, người khác lên có tinh thần hòa giải thì không chấm dứt chiến tranh được. Anh cho người vào được lực lượng 3 để nếu có thành lập chính phủ ba thành phần thì có người của mình”. Phải nói, đây là sự chỉ đạo sáng suốt của Đảng.

Từ chỉ thị của ông Mười Cúc, qua tham khảo ý kiến với các nhà tình báo chiến lược, như Phạm Xuân Ẩn, ông Mười Hương đã tổ chức ra Cụm Điệp báo A10, với thành phần cốt cán lên đến 39 thành viên, do ông Nguyễn Minh Trí (Mười Thắng) chỉ huy. Đây chính là lực lượng bí mật đứng sau lưng, hỗ trợ cho người có tinh thần hòa bình là Đại tướng VNCH Dương Văn Minh, tổ chức hàng loạt sự kiện chính trị lớn nhằm lật đổ Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu, tiến đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Ông Mười Cúc (bìa phải, hàng thứ nhất) tại căn cứ R (Trung ương Cục miền Nam).  Ảnh: T.L

Cũng chính nhờ một phần tác động của Cụm Điệp báo A10, trực tiếp là nhà báo Huỳnh Bá Thành (họa sỹ Ớt nổi tiếng ở Sài Gòn trước năm 1975, sau này là Tổng Biên tập Báo Công an TPHCM), trong những thời khắc cuối cùng của cuộc chiến, Tổng thống Dương Văn Minh đã lệnh cho toàn bộ quân đội VNCH đầu hàng vô điều kiện, tránh được một cuộc đổ máu vô ích và thảm khốc như thường thấy ở các cuộc chiến tranh khác, góp phần giữ gần như nguyên vẹn thành phố Sài Gòn.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng gần 70 năm, gắn với những giai đoạn khác nhau của dân tộc Việt Nam, chắc chắn ông Mười Cúc – Nguyễn Văn Linh có nhiều chỉ thị quan trọng. Chỉ riêng chỉ thị của ông với ông Mười Hương năm 1972 và tác động sau đó của nó, hẳn cũng cho thấy phần nào tầm vóc của một nhà lãnh đạo của cách mạng Việt Nam.

Nguyễn Lê