Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh: Tổng Bí thư của thời kỳ đổi mới

Thứ ba, 30/06/2015 08:52

(Cadn.com.vn) - Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1-7-1915 -1-7-2015), Báo Công an TP Đà Nẵng lược trích và giới thiệu đến bạn đọc một số nhận xét, phân tích của các nhà lãnh đạo, nhà khoa học, quản lý... về Tổng Bí thư (*).

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh

Đồng chí Nguyễn Văn Linh sinh ngày 1-7-1915 tại Hà Nội, quê gốc ở xã Giai Phạm, H. Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên, trong một gia đình công chức nghèo, lớn lên tại Hải Phòng. Chịu ảnh hưởng của cuộc đấu tranh yêu nước diễn ra sôi nổi cuối những năm 20 của thế kỷ XX, người thanh niên yêu nước sớm giác ngộ cách mạng, tham gia phong trào học sinh do chi hội Việt Nam cách mạng thanh niên Hải Phòng lãnh đạo.

Hai lần bị bắt, bị tra tấn dã man, bị đày ra Côn Đảo, lần thứ nhất từ lúc còn ở tuổi vị thành niên, đồng chí luôn nêu cao khí phách bất khuất kiên cường và rèn luyện bản lĩnh cách mạng. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, đồng chí giữ nhiều cương vị chủ chốt trong suốt 30 năm kháng chiến ở miền Nam. Mỗi cương vị đều gắn với một thời kỳ cam go, gian khổ. Mỗi bước đi lên thắng lợi của phong trào cách mạng miền Nam đều có vai trò của đồng chí Nguyễn Văn Linh.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, trước thực tiễn sản xuất gặp nhiều vướng mắc, khó khăn, trên cương vị là Bí thư Thành ủy TPHCM, đồng chí Nguyễn Văn Linh trăn trở tìm cách tháo gỡ từng bước. Nhờ sự chỉ đạo năng động và sáng tạo của Thành ủy và chính quyền thành phố, sau thời gian ngắn nền kinh tế của TPHCM chuyển lớn có tính đột phá. Hiệu quả thực tế từ những nét đổi mới được hình thành trong thực tiễn còn nóng hổi hơi thở cuộc sống ở TP đã giúp Trung ương Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Trường Chinh khi đó có thêm những cứ liệu để tăng thêm quyết tâm xóa bỏ cơ chế cũ, dứt khoát thực hiện cơ chế mới, mở ra bước ngoặt đổi mới từ sau Đại hội Đảng lần thứ VI. Bước khởi đầu sự nghiệp đổi mới thành công đã ghi nhận những đóng góp tích cực và hiệu quả của đồng chí Nguyễn Văn Linh.

Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, lịch sử dân tộc Việt Nam ghi nhận đồng chí Nguyễn Văn Linh là một trong những nhà lãnh đạo xuất sắc, xuất hiện vào những thời điểm then chốt, có những đóng góp hiệu quả vào việc kiến tạo sự chuyển hướng đường lối chiến lược của Đảng, đưa đất nước chuyển sang một thời kỳ mới - Thời kỳ Đổi mới để tiến lên.

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải: Trải qua gần 70 năm cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh oanh liệt của đất nước và nhân dân, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã để lại dấu ấn không thể phai mờ, đó là tinh thần chiến đấu kiên cường, đức tính hy sinh xả thân và tình cảm gắn bó máu thịt với đồng chí, đồng bào Nam Bộ, với mảnh đất Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định – TPHCM. Nêu cao khí phách chủ nghĩa anh hùng và tinh thần cách mạng tiến công, phát huy tính năng động và bản lĩnh sáng tạo, quán triệt vận dụng "quan điểm quần chúng" - đó là những giá trị tinh hoa về đạo đức và phong cách của đồng chí Nguyễn Văn Linh thể hiện trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ".

Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa: Khi tôi làm Bí thư Quận ủy Q. Tân Bình, “chú Mười” đã chỉ dạy rằng phải tin vào thế hệ trẻ. Cán bộ trẻ luôn có sự nhiệt tình, sôi nổi, nhưng còn thiếu bản lĩnh, kinh nghiệm, độ “hồng” chưa đậm... nên khi giao việc phải theo sâu, theo sát để kiểm tra, uốn nắn kịp thời. Đối với cán bộ nữ, “chú Mười” luôn hỏi han về cuộc sống gia đình ra sao, công việc như thế nào, đi dự hội nghị có đóng góp ý kiến nhiều không...

Mỗi kỳ đại hội Đảng, Thành ủy TPHCM, trong đó có “chú Mười” đặt ra chỉ tiêu là Ban chấp hành và Ban Thường vụ phải có bao nhiêu người là nữ. Chính vì vậy, khi các cấp trình đề án nhân sự mà không đảm bảo chỉ tiêu tỷ lệ nữ là đồng chí không chịu duyệt. Điều này đã giúp tỷ lệ nữ trong thành phần lãnh đạo của TPHCM luôn chiếm tỷ lệ cao so với mặt bằng chung cả nước trong thời gian qua.

GS-TS Hoàng Chí Bảo, Hội đồng Lý luận Trung ương: Dù trong hoàn cảnh nào, ở bất cứ cương vị nào, đồng chí Nguyễn Văn Linh đều thể hiện nhất quán giữa động cơ trong sáng và mục đích cao cả với hành động hy sinh quên mình. Với vốn sống và kinh nghiệm thực tiễn phong phú, sự hiểu biết thấu đáo tình hình và cuộc sống của các tầng lớp nhân dân, nhất là dân nghèo ở nông thôn, lại dày công tự học, tích lũy tri thức lý luận trong thực tiễn... đã tạo nên vốn văn hóa chính trị phong phú và phong cách lãnh đạo Nguyễn Văn Linh, gợi mở nhiều điều quý giá, thiết thực cho mỗi chúng ta học tập, noi theo trong thực tiễn đổi mới hiện nay.

Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương: Với 83 năm tuổi đời, gần 70 năm hoạt động cách mạng sôi nổi, phong phú, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã hiến dâng trọn đời cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng ta, dân tộc ta.

Cuộc đời của đồng chí là tấm gương sáng ngời của một người cộng sản đã phấn đấu kiên cường và hoàn thành xuất sắc nhiều trọng trách được Đảng và nhân dân ta trao cho ở những thời điểm khó khăn của cách mạng; một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người bạn tin cậy của bạn bè quốc tế; hội tụ đủ những phẩm chất quý báu của một nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng; là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; nêu cao tinh thần trách nhiệm, luôn luôn gắn bó với nhân dân, suốt đời hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân.

Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM: Những ngày sau giải phóng, thống nhất đất nước, tình hình TPHCM đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là tình hình người dân thiếu ăn, nhà máy thiếu nguyên liệu, đất nước đối mặt với những biến động "giá - lương - tiền". Để tháo gỡ, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã cùng Thành ủy đi sâu sát, lắng nghe, đỡ đầu cho những sáng kiến từ cơ sở, tìm cách “cởi trói”, “bung ra”...

Cách làm của thành phố có lúc bị phê phán là chạy theo kinh tế thị trường, phát triển “chủ nghĩa tư bản”. Bấy giờ, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã kiên trì tranh thủ sự lãnh đạo của Trung ương, của Bộ Chính trị. “Sự kiện Đà Lạt” diễn ra vào giữa tháng 7-1983 còn ghi, đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Linh đã đưa một số lãnh đạo các cơ sở sản xuất kinh doanh của thành phố lên Đà Lạt (Lâm Đồng) báo cáo cho các đồng chí trong Bộ Chính trị, có đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Chí Công... trực tiếp nghe tình hình và sau đó các đồng chí đã về thành phố kiểm tra tính xác thực tại các cơ sở. Thực tiễn sinh động đã giúp các đồng chí lãnh đạo thấy rõ phải dứt khoát bỏ cơ chế cũ, xây dựng và thực hiện đường lối đổi mới.

PGS – TS Huỳnh Thị Gấm, Trưởng khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh (Học viện Chính trị khu vực II): Trước tâm trạng rối bời, ngổn ngang bao suy tư, trăn trở, cân nhắc, đồng chí Nguyễn Văn Linh thường xuyên đi vào quần chúng, đến các cơ sở sản xuất, nhất là một số công ty, xí nghiệp có mô hình tương đối đổi mới về sản xuất và kinh doanh, đã áp dụng chế độ lương khoán sản phẩm, tự tìm tòi, xoay xở về vật tư, nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm, từ đó làm ăn có lãi như Xí nghiệp Dệt Thành Công, Công ty bột giặt miền Nam, Xí nghiệp Dược 2-9, Nhà máy bia Sài Gòn...

Sau khi nắm tình hình thực tế, đồng chí giao cho lãnh đạo nhà máy Dệt Thành Công đi đầu trong thí điểm và phải sơ kết, kết luận về cơ chế đã cho thí điểm ở đó, để phát hiện những điều bất hợp lý, sai trái trong chế độ kế hoạch hóa tập trung bao cấp hiện hành. Trong nhiều phiên họp của Thành ủy TPHCM về mô hình Xí nghiệp Dệt Thành Công, đồng chí Nguyễn Văn Linh thường phát biểu: “Chỉ có một Thành Công không đủ, mà phải cả trăm nghìn cơ sở thành phố tiến mạnh vào mặt trận chống quan liêu, bao cấp, tháo gỡ để sản xuất bung ra...”.

Vì vậy, TP sau đó đã mở rộng thí điểm với hàng loạt các xí nghiệp khác, không chỉ về cơ chế quản lý mà còn cơ chế Đảng lãnh đạo, thủ trưởng quản lý, công nhân tham gia quản lý như dệt Phước Long, Phong Phú, Việt Thắng, Xí nghiệp Dược 2-9, Công ty bột giặt Viso... Quá trình thí điểm và nhân rộng các mô hình tiêu biểu đã góp phần rất quan trọng cho việc hình thành cơ chế quản lý mới, cơ chế về vai trò của tổ chức Đảng, thủ trưởng và công nhân trong nhà máy, xí nghiệp... tạo động lực thúc đẩy sản xuất phát triển.

B.T – T.T

(*) Các ý kiến này được ghi từ 2 hội thảo khoa học về Tổng Bí thư tổ chức ở TPHCM và Hưng Yên, tựa đề do Báo Công an TP Đà Nẵng đặt