Chi viện Gia Lai chống dịch Covid-19

Thứ năm, 04/02/2021 10:40

Các đoàn công tác của Bộ Y tế, Bệnh viện Chợ Rẫy và Viện Pasteur TP.HCM đã lên đường hỗ trợ tỉnh Gia Lai phòng chống dịch Covid-19 khi địa phương này đang được đánh giá là "điểm nóng" mới.

Tuyến đường Nguyễn Đình Chiểu ở Gia Lai, nơi ca dương tính thứ 14 thường xuyên lui tới đã được khoanh vùng để truy vết.

Bộ Y tế điều đội phản ứng nhanh chống Covid-19 đến Gia Lai

Bộ Y tế vừa thành lập Đoàn Công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại tỉnh Gia Lai do Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên làm trưởng đoàn để ứng phó nhanh với tình hình dịch bệnh tại địa phương này và không để dịch lây lan ra cộng đồng.

Đoàn công tác có nhiệm vụ giúp Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia điều hành, phối hợp các cơ quan liên quan và chính quyền địa phương, đồng thời huy động nguồn lực để thực hiện công tác phòng, chống dịch tại Gia Lai. Thành viên trong đoàn là chuyên gia y tế dự phòng, xét nghiệm, quản lý môi trường y tế, khám chữa bệnh, kiểm soát bệnh truyền nhiễm, truyền thông... Đoàn bắt đầu chương trình làm việc với công tác kiểm tra thực địa tại khu vực ổ dịch huyện Phú Thiện hoặc thị xã Ayunpa. Tiếp đó, đoàn sẽ kiểm tra công tác phân luồng, cách ly và điều trị tại BVĐK tỉnh Gia Lai. Kết thúc chuyến công tác, đoàn của Bộ Y tế sẽ làm việc cụ thể với Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch của tỉnh Gia Lai.

Sáng 3-2, đội hình phản ứng nhanh của Bệnh viện Chợ Rẫy và Viện Pasteur TP.HCM cũng đã lên đường hỗ trợ tỉnh Gia Lai. Chia sẻ với PV, PGS, TS Phan Trọng Lân - viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM - cho biết, trước lúc lên đường, đơn vị có tham gia họp trực tuyến với UBND tỉnh Gia Lai, Sở Y tế và Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên... để nắm tình hình, xác định các nhiệm vụ cần thực hiện. "Quan trọng là hiệu quả của công việc, thành phần đi là đại diện, còn phía sau là các cán bộ của viện, Bộ Y tế, các viện và cả hệ thống y tế", PGS, TS Phan Trọng Lân nói. TS, BS Nguyễn Tri Thức - giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết do tình huống cấp bách, từ 5 giờ sáng, lực lượng phản ứng nhanh của đơn vị đã lên đường chi viện cho tỉnh Gia Lai.

Tại Gia Lai, đội phản ứng nhanh có nhiệm vụ hướng dẫn quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn, sắp xếp phân luồng cách ly, chuẩn bị phòng mổ cho bệnh nhân Covid19, quản lý điều trị. Đặc biệt trong điều kiện bệnh viện bị phong tỏa cần phải sắp xếp luồng đi như thế nào cho an toàn.

Chưa phát hiện lây nhiễm chéo tại BVĐK tỉnh Gia Lai

Bệnh viện lớn nhất Gia Lai ghi nhận một người dương tính với SARS-CoV-2. Đến nay, nơi này chưa ghi nhận trường hợp lây nhiễm chéo. Thông tin trên được đưa ra trong buổi họp trực tuyến về phòng, chống dịch Covid-19 giữa Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long và các sở, ngành y tế mới đây.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, BVĐK tỉnh Gia Lai chưa có hiện tượng lây nhiễm chéo. Vì vậy, khoa nào có người nhiễm virus sẽ phong tỏa thay vì cả bệnh viện, đồng thời, giải phóng toàn bộ khu vực này và làm sạch bệnh viện để hoạt động trở lại. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng chỉ đạo tất cả trường hợp trong bệnh viện tiếp xúc với ca dương tính cần được cách ly ngay và lấy mẫu xét nghiệm. Bộ trưởng Bộ Y tế nhận định Gia Lai là "điểm nóng" mới của đợt dịch này và yêu cầu tỉnh cần triển khai các biện pháp nhanh, mạnh và dứt khoát để kịp thời ngăn chặn dịch bệnh.

Sáng 3-2, Gia Lai là tỉnh ghi nhận số ca mắc mới cao nhất (4 người). Hiện tổng số bệnh nhân Covid-19 tại tỉnh này là 13 trường hợp. Nguồn lây của ổ dịch này là hai vợ chồng trú tại 26 Lý Thường Kiệt, tổ 4, phường Cheo Reo, thị xã Ayun Pa. Họ mắc Covid-19 sau khi dự đám cưới ở Hải Dương. Trưa 3-2, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh Gia Lai phát thông báo khẩn về việc truy vết các trường hợp tiếp xúc, tiếp xúc gần với ca thứ 14 ở tỉnh dương tính SARSCoV-2. Bệnh nhân thứ 14 thường trú tại phường Ia Kring, TP Pleiku (Gia Lai), đã tiếp xúc gần với các bệnh nhân số 1840, 1875, 1877. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Gia Lai yêu cầu người dân đã đến các địa điểm có liên quan cần khẩn trương liên hệ với cơ sở y tế gần nhất hoặc gọi đến số điện thoại đường dây nóng để được hỗ trợ, tư vấn.

B.T

Lịch trình di chuyển phức tạp của ca bệnh thứ 14 ở Gia Lai

Ngày 26-1, lái xe từ Sân bay Pleiku đến thị xã Ayun Pa và huyện Krông Pa.

Ngày 27-1, lái xe đến Trung tâm Y tế Krông Pa, Trạm Y tế xã Ia Mlăh (huyện Krông Pa); buổi tối về lại thị xã Ayun Pa nghỉ tại khách sạn Ngọc Thiên.

Sáng 28-1, đi huyện Ia Pa, uống cà phê tại quán Linh Nhi, tiếp xúc gần với bệnh nhân số 1875. Sau đó, đến khoảng 8 giờ 30 phút đi vào Trung tâm Y tế huyện Ia Pa để làm việc. Bệnh nhân ăn trưa tại quán Gió Chiều, đến khoảng 15 giờ 30 cùng ngày đi xe về Phú Thiện. Khi đến Cầu 42 (ngã tư xã Ia Sol), người này để 2 người (đã xác định là bệnh nhân số 1840 và 1877) xuống xe đón ô-tô Tấn Tài để về thị xã AyunPa. 2 người này đã vào quán gội đầu số 325 (đường Trần Hưng Đạo, thị xã Ayun Pa). Đến khoảng 18 giờ, 2 người này bắt xe ôm (không nhớ tên người chở) về Trạm Y tế xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa lúc 19 giờ 30 cùng ngày.

Tối 28-1, bệnh nhân thứ 14 ăn cơm tại Trung tâm Y tế huyện Phú Thiện, quán ăn Hoàng Trang (huyện Phú Thiện), sau đó về nhà bố mẹ (số 18, đường Nguyễn Đình Chiểu, phường Tây Sơn, TP Pleiku). Tiếp đó, người này chở khách đến KS Tre Xanh (đường Lê Lai, TP Pleiku) và KS Viễn Đông (đường Tăng Bạt Hổ, TP Pleiku).

Lúc 7 giờ ngày 29-1, bệnh nhân thứ 14 uống cà phê tại số 125/17 Hoàng Sa, phường IaKring, TP Pleiku, sau đó đi đào cây trong trại tại huyện Ia Grai, ăn cơm trưa tại 46 đường Đống Đa, phường IaKring, về nhà bố mẹ tại đường Nguyễn Đình Chiểu.

Từ ngày 30 đến 31-1, người này ở nhà. Sau đó, bệnh nhân thứ 14 đã được đưa đi cách ly tập trung tại BVĐK tỉnh Gia Lai.