“Chìa khóa” giúp người lầm lỗi hoàn lương, hòa nhập với cộng đồng

Thứ năm, 28/10/2021 18:00

Đối với những người từng một thời lầm lỗi, nhất là sa chân vào con đường nghiện hút ma túy, thì việc làm lại cuộc đời là cả một quá trình và cần sự nỗ lực rất lớn. Bởi, ngoài tâm lý mặc cảm, tự ti của bản thân thì sự sự kỳ thị của những người xung quanh cũng là vật cản vô hình. Để giúp họ quay về nẻo thiện, thời gian qua, các cấp chính quyền và ngành chức năng TP Đà Nẵng đã có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, làm cầu nối để họ tự tin hoàn lương, hòa nhập với cộng đồng...

Ông Lương Vĩnh Thái, Chi cục trưởng Chi cục phòng, chống TNXH (ngoài cùng bên trái) trao hỗ trợ phương tiện sinh kế cho 2 trường hợp đủ điều kiện nhận hỗ trợ trên địa bàn phường Phước Ninh, quận Hải Châu (ảnh tư liệu).

Trong những năm qua, cùng với các chính sách của Trung ương nhằm hỗ trợ công tác phòng, chống tệ nạn xã hội (TNXH), thì tại Đà Nẵng, để phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, thành phố đã xây dựng và ban hành nhiều chính sách hỗ trợ có liên quan. Riêng công tác phòng, chống tệ nạn ma túy có nhiều chính sách như hỗ trợ công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai tại nơi cư trú; hỗ trợ người nghiện ma túy bị loạn thần tự nguyện vào cơ sở y tế chữa bệnh; hỗ trợ người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; hỗ trợ học nghề đối với người cai nghiện ma túy; hỗ trợ người sau cai đủ 5 năm trở lên không tái nghiện; hỗ trợ công tác dự phòng nghiện và tái nghiện ma túy… Theo đánh giá của các ngành chức năng, thì các chính sách hỗ trợ của thành phố nhiều năm qua cơ bản phát huy tốt yêu cầu và đem lại hiệu quả tích cực.

Về chính sách hỗ trợ dự phòng nghiện và tái nghiện ma túy, theo Sở LĐ-TB-XH thành phố, năm 2015, nhằm hạn chế sự gia tăng người nghiện mới, Thành ủy Đà Nẵng đã ban hành chính sách và giao cho Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp phụ nữ và Thành Đoàn thực hiện công tác cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ thanh thiếu niên lần đầu sử dụng trái phép chất ma túy (hỗ trợ học nghề, sinh kế với mức 10 triệu đồng/1 trường hợp). Kết quả qua hơn 4 năm (2016-2020) thực hiện, trong số 440 trường hợp tham gia chương trình thì có 174 trường hợp được hỗ trợ (gần 40%), 287 trường hợp tiến bộ.

Năm 2016, từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia về chương trình ma túy phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016-2020, UBND thành phố chỉ đạo Sở LĐ-TB-XH tham mưu, xây dựng thí điểm mô hình Câu lạc bộ “Can thiệp sớm, dự phòng nghiện ma túy” tại 2 phường Thọ Quang (quận Sơn Trà) và Hòa Minh (quận Liên Chiểu). Từ năm 2017 đến nay, mô hình được duy trì và nhân rộng thêm 4 phường (gồm Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà; Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn; Bình Hiên, quận Hải Châu và Hòa An, quận Cẩm Lệ). Qua 5 năm thực hiện, mô hình đã thu hút hơn 700 lượt đối tượng tham gia; hỗ trợ học nghề, học văn hóa cho 36 trường hợp, hỗ trợ vay vốn ưu đãi cho 4 trường hợp, hỗ trợ khó khăn đột xuất cho khoảng 80 trường hợp; giới thiệu việc làm cho gần 170 trường hợp và giúp đỡ 10 trường hợp trở lại lớp học. Kết quả đến nay có 527/727 lượt người tiến bộ, đạt tỷ lệ hơn 72%.

Để hỗ trợ công tác dự phòng nghiện và tái nghiện ma túy được triển khai thuận lợi hơn, ngày 13-3-2020, HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết 292 về bổ sung một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, an ninh – quốc phòng trên địa bàn thành phố năm 2020. Theo đó, hỗ trợ sinh kế, tự học nghề tối đa không quá 10 triệu đồng/người đối với người sử dụng trái phép chất ma túy bị xử phạt vi phạm hành chính lần đầu theo Nghị định số 167 ngày 12-11-2013 của Chính phủ. Hỗ trợ 350 ngàn đồng/ người/tháng đối với người được phân công theo dõi, giúp đỡ người có nguy cơ nghiện ma túy (mỗi người được phân công theo dõi, giúp đỡ không quá 3 trường hợp cùng một lúc, bao gồm cả người sau cai nghiện và người đang cai nghiện tại gia đình, cộng đồng); hỗ trợ chi phí tối đa không quá 20 triệu đồng/xã, phường/1 năm đối với các xã, phường tổ chức các hoạt động dự phòng nghiện và tái nghiện ma túy…

Ông Lương Vĩnh Thái, Chi cục trưởng Chi cục phòng chống TNXH (Sở LĐ-TB-XH) thành phố cho biết, một trong những chính sách được thực hiện sớm và duy trì cho đến nay là chính sách hỗ trợ người cai nghiện ma túy thành công từ 5 năm trở lên không tái nghiện trên địa bàn. Theo đó, giai đoạn 2013-2020, thành phố đã thực hiện hỗ trợ cho 281 người sau cai 5 năm không tái nghiện; trong đó 148 người được hỗ trợ 2 triệu đồng; 133 người được hỗ trợ 10 triệu đồng/người. Cũng theo ông Thái, riêng năm 2020, qua kiểm tra, rà soát cho thấy, có 16/17 trường hợp (tỷ lệ 94%) cai nghiện ma túy thành công từ 5 năm trở lên được hỗ trợ kinh phí không sử dụng lại ma túy. Nguồn kinh phí được hỗ trợ đều được các đối tượng sử dụng đúng mục đích như học nghề, làm nghề, ổn định việc làm, chăm lo cho gia đình, có ý thức chấp hành các quy định của địa phương. Năm 2021, trên cơ sở rà soát, thống kê của các quận, huyện, Sở LĐ-TB-XH tiếp tục đề nghị và được UBND thành phố phê duyệt danh sách 14 người thuộc diện đủ 5 năm trở lên không tái nghiện ma túy theo quy định được nhận hỗ trợ 10 triệu đồng/người.

“Chính sách này góp phần khuyến khích, động viên người sau cai nghiện vượt qua cám dỗ, quyết tâm không sử dụng lại ma túy; đồng thời giúp người sau cai nghiện ma túy vượt qua khó khăn; có điều kiện sửa chữa lại nhà ở, trang trải chi phí học hành cho con, mua sắm dụng cụ hành nghề mưu sinh, học nghề… để vươn lên cuộc sống. Đây là chính sách mang tính nhân văn cần được tiếp tục triển khai thực hiện”, ông Thái nhìn nhận.

D.H