Chia sẻ thông tin phòng chống bệnh truyền nhiễm khu vực biên giới
(Cadn.com.vn) - ĐÀ NẴNG - Ngày 6-10, Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên tổ chức hội nghị "Chia sẻ thông tin phòng chống bệnh truyền nhiễm khu vực biên giới". Đại diện lãnh đạo Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên, Sở Y tế các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc, Đắc Nông và TP Đà Nẵng, cùng đại diện lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Attapư (Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào) và Sở Y tế tỉnh Rattanakiri (Vương quốc Campuchia) tham dự hội nghị.
Tiến sĩ Phạm Thọ Dược, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên cho biết: Những năm gần đây, số lượng các bệnh truyền nhiễm trên thế giới có xu hướng gia tăng, tính chất nguy hiểm và diễn biến phức tạp. Đặc biệt xuất hiện một số bệnh truyền nhiễm mới nổi như Ebola, MERS-CoV, SARS, cúm A(H5N1), cúm A(H1N1)... là những bệnh lây lan cao trong cộng đồng. Vì vậy, công tác kiểm dịch y tế và chia sẻ thông tin về các bệnh truyền nhiễm ở khu vực biên giới giữa Việt Nam, Lào và Campuchia đóng vai trò quan trọng nhằm ngăn ngừa, bảo vệ, khống chế không để dịch bùng phát và lây lan.
Theo Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên, hiện 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia vẫn phải đối mặt với sự bùng phát của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như HIV/AIDS, cúm mùa, sởi, chân tay miệng, dại và cúm gia cầm, đặc biệt là dịch hạch đang có nguy cơ bùng phát trở lại là rất cao. Vì vậy, việc tăng cường trao đổi kinh nghiệm về phòng chống các bệnh truyền nhiễm giữa các quốc gia có chung đường biên giới là rất cấp bách nhằm hạn chế tối đa sự bùng phát các bệnh truyền nhiễm.
Để hạn chế bệnh truyền nhiễm lây truyền qua biên giới 3 nước, nhất là dịch hạch và các bệnh truyền nhiễm mới nổi, ông Ung Rattana, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Rattanakiri (Campuchia) cho rằng, cần tăng cường hoạt động kiểm dịch y tế biên giới, tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe cho nhân dân tại các cửa khẩu. Các nước phối hợp điều tra các bệnh lây truyền từ động vật sang người và các vấn đề y tế cộng đồng khác...
Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Attapư (Lào), Chăm Tha Vông cho biết, hiện nay, thông tin về bệnh truyền nhiễm giữa các nước nói chung, các tỉnh có chung đường biên giới nói riêng ít. Vì vậy, cần có sự trao đổi thông tin thường xuyên về bệnh truyền nhiễm giữa các nước để cùng trao đổi, hỗ trợ, giảm thiểu nguy cơ bùng phát của dịch bệnh.
P.V