"Chiếc la bàn" giữ bình yên cho thành phố

Thứ hai, 04/11/2019 09:46

Trong cuộc chiến chống "giặc lửa", ứng phó với các sự cố cần cứu nạn, cứu hộ, mặc dù không trực tiếp đến hiện trường nhưng các cán bộ, chiến sỹ (CBCS) Trung tâm thông tin chỉ huy chữa cháy (TTTTCHCC) Cảnh sát PCCC&CNCH Công an TP Đà Nẵng luôn giữ vai trò quan trọng. Họ là những chiến sĩ trên mặt trận thông tin, là "chiếc la bàn" định hướng, canh giữ bình yên trên trận tuyến với "giặc lửa" của thành phố.

Cán bộ chiến sĩ TTTTCHCC luôn tập trung, nỗ lực hết mình mỗi khi tiếp nhận thông tin báo cháy.

Có mặt từ những ngày đầu thành lập Trung tâm (tháng 7-2011), Thượng úy Nguyễn Tấn Chính- Đội phó Đội Tham mưu, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH cho biết, biên chế Đội lúc đó chỉ 2 cán bộ và 2 chiếc điện thoại bàn. Cơ sở vật chất thiếu thốn, bàn ghế không có, nhiều lúc họp đội phải ngồi bệt dưới đất. Đến nay, nhờ sự quan tâm, đầu tư của lãnh đạo Công an các cấp, Đội đã có 10 cán bộ được đào tạo, huấn luyện bài bản. Hệ thống thông tin chỉ huy, điều hành tại Trung tâm được đầu tư hiện đại, trang bị đầy đủ mọi tính năng với 4 đường line tiếp nhận thông tin. Tất cả các thông tin liên quan, phục vụ công tác chữa cháy đều được hỗ trợ qua 2 phần mềm là Thông tin chỉ huy chữa cháy (xây dựng và áp dụng từ năm 2013) và phần mềm Quản lý cơ sở (áp dụng năm 2019). Bên cạnh đó, Hệ thống cảnh báo cháy tự động từ xa CPX liên kết với một đơn vị ngoài (từ năm 2017) cũng góp phần rất hiệu quả trong công tác phòng ngừa và chữa cháy khi có sự cố.

Hàng năm, Trung tâm tiếp nhận và xử lý hàng trăm thông tin báo cháy của nhân dân, đề xuất nhiều lượt xe kịp thời xử lý các vụ cháy và CNCH. Trung bình mỗi ngày, Trung tâm nhận từ 300-400 cuộc gọi đến. Có những cuộc gọi khẩn thiết nhờ sự giúp đỡ của lực lượng chữa cháy nhưng cũng không ít cuộc gọi đùa cợt. Nhiều nhất là những cuộc gọi nhầm lẫn giữa 114 và 115. Một số cuộc gọi thách thức đánh nhau hoặc tâm sự chuyện riêng tư kiểu như "các anh có khỏe không?" với nhiều thành phần, lứa tuổi. Công tác lâu năm tại TTTTCHCC, các cán bộ trực máy điện thoại có đủ kinh nghiệm để nhận biết được thật, giả thông qua cách báo tin thẩm định thông tin và lượng thông tin nhận được. "Mặc dù có những trường hợp điện thoại đến quấy phá, chọc ghẹo và áp lực công việc lớn song chưa ai dám một lần chủ quan, có thái độ ứng xử thiếu chuẩn mực với người dân, hay vi phạm trong nghiệp vụ. Tuy nhiên, nếu người vô ý thức hoặc trẻ em gọi nhiều để trêu chọc có thể dẫn tới nghẽn đường truyền, khiến các cuộc gọi điện thoại báo cháy thật từ người dân sẽ không đến nơi được, các anh xử lý chặn cuộc gọi, hoặc gọi điện cho cha mẹ, người thân để cảnh báo. Sau mỗi tin báo cháy giả, cán bộ phải tiến hành xác minh tốn kém thời gian, công sức", Thượng úy Chính chia sẻ thêm.

 Sau khi nhận được tin báo cháy, các cán bộ ngay lập tức thao tác liên tục trên hệ thống. Người điện báo cho đơn vị chữa cháy gần nhất, người điện báo Ban Giám đốc, lãnh đạo phòng để triển khai phương án dập lửa, người liên hệ các đơn vị liên quan khác như điện lực, cấp nước… Tích tắc, các thông tin cần thiết nhanh chóng được chuyển tải đến các bộ phận trực tiếp chữa cháy. Trong lúc lực lượng chiến đấu đang chữa cháy tại hiện trường, các anh lại tiếp tục theo dõi bám sát  tình hình để kịp thời hỗ trợ. "Người ngồi ở nhà nhưng tâm thế như người ra trận. Ai cũng như đang ngồi trên "ghế nóng" khi xe chữa cháy đang chạy đến hiện trường nhưng vẫn còn cuộc gọi dồn dập từ phía người dân", Thượng úy Chính cho biết.

Đối với Trung úy Lê Tấn Hưng, kỷ niệm anh nhớ nhất là khi làm nhiệm vụ liên lạc, thông tin giải cứu nhóm người lạc đường ở Bán đảo Sơn Trà vào tháng 8-2019. Đà Nẵng đêm đó mưa rất to. Trong tiếng rẹt rẹt của bộ đàm, đầu dây bên kia là hơi thở gấp gáp chỉ kịp thông báo nhóm đi lạc đường ở Mũi Nghê. "Cố gắng liên hệ với số điện thoại vừa gọi nhưng không được, người tiếp nhận thông tin ban đầu gần như bế tắc", Trung úy Hưng nhớ lại. Lát sau, một số điện thoại khác gọi lại thông báo vị trí nhóm đang đứng sóng điện thoại không ổn định. Sau khi nắm được các thông tin cơ bản, Trung tâm ngay lập tức điều động Đội PCCC&CNCH CAQ Sơn Trà, Đội CNCH của Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH CATP Đà Nẵng lên đường tìm kiếm nhóm mất tích. Hiện trường nằm sâu trong rừng, thông tin liên lạc giữa Trung tâm với nạn nhân và các đơn vị tham gia giải cứu gần như vô phương. Trời càng lúc mưa càng to anh em trong kíp trực cũng căng mình theo dõi tiếp tục cứu thoát các nạn nhân, đến 5 giờ sáng hôm sau, khi người cuối cùng được cano đưa vào bờ, kíp trực tại Trung tâm mới thở phào nhẹ nhõm. Song cũng lặng đi, đớn đau khi nhận được tin anh Trần Long Khải đã tử vong trước đó vì tìm cách cứu nhóm người trên.

Không chỉ cố định làm việc tại Trung tâm đặt ở Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, nhiều lần các cán bộ cũng "xuất ngoại" ra hiện trường. Đó là chuyến hành quân mang vác theo nhiều vật dụng như: ắc quy, ăng ten, đèn lớn, máy bộ đàm, bộ chuyển tiếp, lều bạt… để trạm thông tin dưới chân núi trong vụ cháy rừng Nam Hải Vân vào tháng 8-2014. Ngoài ra, trong những mùa Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, 2 trạm thông tin cũng được dựng lên ở bờ Đông và bờ Tây sông Hàn để đảm bảo thông suốt liên lạc.

Tuy không trực tiếp chiến đấu nhưng TTTTCHCC lại giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc ứng phó với các sự cố. Nếu tiếp nhận thông tin không rõ ràng, đưa phương án tác chiến, điều động phương tiện không phù hợp thì tính hiệu quả trong chiến đấu giảm đi rất nhiều, đôi khi phải đánh đổi bằng cả tính mạng con người. Chính vì vậy, mỗi cán bộ làm công tác tại TTTTCHCC không cho phép mình lơ là trong công việc dù chỉ một giây. Đó là trách nhiệm nghề nghiệp và còn là cái tâm của người Cảnh sát PCCC đối với dân các anh xứng đáng là "chiếc la bàn" chỉ đường, dẫn lối cho những người lính 114 hoàn thành tốt nhiệm vụ.

MAI VINH