KỶ NIỆM 40 NĂM CHIẾN THẮNG THƯỢNG ĐỨC (7-8-1974 - 7-8-2014):

Chiếc xe máy làm rung chuyển Đà Nẵng năm 1974

Thứ hai, 04/08/2014 08:46

(Cadn.com.vn) - Chiếc xe máy do Anh hùng LLVTND Võ Văn Minh vận chuyển thuốc nổ và làm nổ tung kho bom sân bay Đà Nẵng năm 1974, góp phần quan trọng làm phá sản kế hoạch tái chiếm Thượng Đức của chế độ Sài Gòn năm 1974.

Trong căn nhà nhỏ ở kiệt 382/H37/7-Hùng Vương, Đà Nẵng, chiếc xe được gia chủ cất giữ dưới cầu thang suốt 40 năm nay. Thời gian đã lâu, chiếc xe bắt đầu cũ, rỉ sét, không còn  sử dụng được nữa nhưng nó là nhân chứng lịch sử về chiến công xuất sắc của hạ sĩ không quân ngụy Võ Văn Minh.

Vợ chồng ông Võ Văn Minh thời trẻ (ảnh gia đình cung cấp).

Quê Điện Minh, H. Điện Bàn, Quảng Nam, lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, Võ Văn Minh không may bị địch bắt đi quân dịch, làm lính gác kho bom sân bay. Hàng ngày chứng kiến máy bay Mỹ lên xuống lấy bom đạn đi giết hại đồng bào, anh luôn trăn trở, day dứt. Biết anh là đối tượng có thể binh vận làm nội tuyến cho ta, Thường vụ Quận ủy quận Nhất (Đà Nẵng) trong kế hoạch đánh kho bom sân bay Đà Nẵng để hỗ trợ chiến dịch giải phóng Thượng Đức đã chọn anh là người thực hiện.

Các đồng chí Hoàng Tư Nghĩa, Thường vụ Quận ủy, phụ trách khu phố Hải Châu và Hoàng Gia Trinh, tổ trưởng tổ cơ sở nội tuyến trực tiếp gần gũi, vận động anh Minh. Sẵn có tư tưởng phản chiến, nay lại được cách mạng tìm đến và tin tưởng, anh Minh cảm động lắm. Anh quyết dù phải hy sinh tính mạng cũng phải làm tròn nhiệm vụ được giao. Sau một năm thử thách, anh được bí mật điều lên vùng giải phóng huấn luyện. Kế hoạch đặt ra là, anh sẽ lợi dụng ca trực của mình chuyển thuốc nổ vào kho bom và gài kíp hẹn giờ. Việc chuyển thuốc nổ là sứ mệnh của chiếc xe Honda 67.

Bà Huỳnh Thị Hạnh, vợ ông Minh chỉ chiếc xe mang đầy dấu ấn một quãng lịch sử sôi động của chồng mình và đồng đội: “10 kíp nổ và 8 kg thuốc được chị Phan Thị Thuận, một giao liên rất dũng cảm giấu trong thúng gạo 2 đáy, rồi cả trong ruột trái khổ qua. Mỗi ngày một ít, chị khéo léo qua mắt địch, sau đó đem giấu ở nhà cơ sở nội tuyến và được anh Minh cho vào cốp xe 67 này lần lượt chuyển vào kho trong những ngày đi làm. Đây là cách duy nhất mà địch không nghi ngờ”.

Bà Huỳnh Thị Hạnh và chiếc xe máy bà lưu giữ như vật gia bảo.

Đêm 28-11- 1974, lợi dụng ca trực gác, khoác trên mình chiếc áo Jac-két rộng thùng thình, anh Minh hoàn thành việc chuyển và gắn kíp nổ vào các kho. Cứ mỗi kho bom anh đặt hai bánh thuốc C4 và cắm kíp nổ hẹn giờ. Cách 2 kho anh lại đặt một kho, riêng kho đạn rốc-két, anh cắm 2 kíp nổ và một bánh thuốc. Phải mất 3 lần đi kiểm tra kho, anh mới làm xong các công đoạn này. Giờ nổ được hẹn là 7 giờ sáng ngày 29-11, trùng thời điểm anh đã đổi ca để không còn bị nghi vấn. Tuy nhiên do trục trặc, phải đến 8 giờ, bom mới bắt đầu nổ. Tiếng nổ dữ dội đến mức ở vùng Hòn Tàu (Quảng Nam) vẫn nghe thấy.

Lửa đỏ kèm theo những quầng khói đen kịt. Bom cứ tiếp tục nổ qua đến ngày thứ 3 mới ngớt, gây chấn động cả một vùng. Một số tên lửa trong kho bom bùng nổ làm xuyên qua các ụ máy bay, tiêu hủy thêm nhiều chiếc máy bay nữa. Tính ra, trận nổ kho xăng này đã phá hủy 20.000 quả bom và rốc-két, 10.000 tấn đạn, 4 máy bay CH47 và diệt 35 tên lính (theo Lịch sử LLVT Đà Nẵng- Nhà xuất bản QĐND năm 2002). Kho bom bị nổ, gây cho địch thiệt hại nặng nề, góp phần làm phá sản kế hoạch tái chiếm Thượng Đức vừa được ta giải phóng (7-8-1974).

Bà Hạnh nhớ lại: “Chế độ ngụy Sài Gòn rất hoang mang lo lắng, không hiểu bằng cách gì Việt Cộng có thể tấn công sân bay giỏi như vậy. 7 ngày sau, chúng bắt giam cả đại đội kho, trong đó có anh Minh, tra khảo dữ lắm. Chúng về nhà tôi, lục lọi đủ thứ mà không thấy gì. Riêng chiếc xe Honda, nhân chứng quan trọng, thì chúng không để mắt đến. Chiếc xe này ngày đó vợ chồng tích lũy mua tính ra cả chục cây vàng. Chúng mà thu chắc hết đường làm ăn. Kỷ niệm như thế, nên sau này những lúc khó khăn nhất, rất cần tiền, có người trả giá cao, tôi vẫn nhất quyết không bán kỷ vật của chồng”.

Do chưa bị lộ, anh Minh vẫn tiếp tục trong vỏ bọc cho đến ngày giải phóng quê hương. 3 ngày sau trận đánh, trên căn cứ, đồng đội đã nhận cho anh Huân chương Chiến công hạng Nhất do Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trao tặng cùng tiền thưởng 5.000 đồng tiền Sài Gòn.

Năm 1997, ông Võ Văn Minh mất vì bệnh. Đảng, Nhà nước đã có sự quan tâm xứng đáng với người có công. Cách đây 2 năm, ông đã được truy tặng Anh hùng LLVTND. Gia đình được thành phố hỗ trợ sửa chữa nhà và được cấp đất với giá ưu đãi, giải quyết một phần khó khăn con đông, bệnh tật, vợ ông sau những năm tháng mưu sinh nhọc nhằn cũng không còn lao động được nữa.

Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Quân khu 5 đã nhiều lần muốn xin chiếc xe để trưng bày nhằm giới thiệu cho các thế hệ trẻ thành phố và bạn bè thế giới hiểu thêm về trận đánh nổi tiếng năm nào, nhất là trong không khí kỷ niệm 40 năm chiến thắng Thượng Đức, nhưng bà Hạnh vẫn còn lưu luyến lắm, dù chiếc xe đã bắt đầu hư dần theo thời gian.

Hồng Vân