Chiến dịch “thay máu”
Tổng thống Donald Trump ngày 8-11 đã sa thải Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions. Theo các nguồn tin, Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly đã thông báo qua điện thoại cho Bộ trưởng Sessions rằng, “đã đến lúc ông phải ra đi”. Trong đơn từ chức gửi ông Trump, Bộ trưởng Sessions cũng viết đã từ chức theo yêu cầu của Tổng thống Trump.
Động thái trên được xem như đòn đánh đầy bất ngờ và nhanh chóng nhằm tái định hình bộ máy của Tổng thống Trump sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ để chuẩn bị cho chiến dịch tranh cử năm 2020. Có thể nói, đây là thời điểm quyết định của Tổng thống Trump, khi ông đang nỗ lực để thay đổi câu chuyện sau khi thế kiểm soát độc quyền của phe Cộng hòa ở Quốc hội đã bị phá vỡ. Tuy nhiên, chính quyết định lần này đã làm dấy lên nhiều câu hỏi về tương lai của vụ điều tra cáo buộc chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump có thông đồng với Nga.
Trên thực tế, cũng có thể ông chủ Nhà Trắng sa thải Bộ trưởng Sessions vì vấn đề gây tranh cãi này bởi trước đây, ông Trump đã nhiều lần chỉ trích việc ông Sessions đứng ngoài cuộc điều tra. Hồi tháng 7-2017, Tổng thống Trump nói với New York Times: “Ông Sessions đúng ra không nên tự cứu mình như vậy. Nếu muốn làm thế, ông ấy nên nói với tôi trước khi nhậm chức và tôi sẽ chọn một người khác”.
Nhưng có thể thấy, đây là một quyết định đầy nguy hiểm vì mục tiêu cuối cùng của Tổng thống Trump dường như là “đè bẹp” Cố vấn đặc biệt Robert Mueller đang điều tra vụ thông đồng với Nga. Bởi lẽ, với thế đa số đảng Cộng hòa tại Thượng viện, ông Trump có thể khả năng “cài đặt” bất cứ ai ông thích vào vị trí Bộ trưởng Bộ Tư pháp - cho ông kiểm soát hiệu quả việc điều tra các hành động mờ ám trong chính chiến dịch tranh cử tổng thống của mình. Chỉ với một động thái “thay máu” nội các, ông Trump đã tự mình thoát khỏi một vị Cố vấn đặc biệt đầy nguy hiểm.
Nhưng lợi bất cập hại. Động thái này, nếu xảy ra, gần như chắc chắn sẽ dẫn đến một cuộc điều tra ngay lập tức ngay khi đảng Dân chủ chính thức nắm Hạ viện vào tháng 1-2019.
THANH VĂN