Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971: Sức lan tỏa vượt ra khỏi giới hạn không gian và thời gian
Thiết thực kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức Hội thảo khoa học cấp Bộ với chủ đề "Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971 - Giá trị lịch sử và hiện thực". Hội thảo diễn ra tại TP Đông Hà vào ngày 19-3 đã đón gần 300 đại biểu, tướng lĩnh, sỹ quan, lão thành cách mạng và các nhà khoa học về tham dự.
Ban chỉ đạo hội thảo bày tỏ sự cảm kích và ghi nhận, đánh giá cao các tham luận làm sâu sắc hơn ý nghĩa Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971. |
Bản anh hùng ca còn vang mãi...
Với độ lùi thời gian cùng những kết quả tìm hiểu, nghiên cứu trong mấy thập niên qua, sự kiện Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971 ngày càng được nhìn nhận đầy đủ, sâu sắc hơn, nhất là tầm vóc, ý nghĩa to lớn đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; đồng thời, những kinh nghiệm, bài học đúc rút từ chiến thắng này có giá trị lịch sử và hiện thực, là cơ sở để tiếp tục nghiên cứu, vận dụng, phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Phát biểu khai mạc, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương-Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh, hội thảo là dịp để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta ôn lại truyền thống đấu tranh anh hùng, bất khuất của dân tộc, góp phần hun đúc tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường cho thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay và mai sau. Kết quả của hội thảo sẽ góp phần vào thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.
Thượng tướng Nguyễn Tân Cương cũng một lần nữa khẳng định Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971 là một sự kiện quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có ý nghĩa chiến lược to lớn, trực tiếp đánh bại cuộc thử nghiệm khả năng chiến đấu của quân đội ngụy Sài Gòn, phá tan mưu đồ ngăn chặn tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn của Mỹ và chính quyền ngụy Sài Gòn. Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971 cũng đánh dấu bước trưởng thành của quân đội ta trong tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn. Thắng lợi đó còn là minh chứng sống động cho tình đoàn kết chiến đấu đặc biệt giữa quân đội và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào.
Phát biểu chúc mừng hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Lê Quang Tùng cũng nhấn mạnh giá trị của Chiến thắng Đường 9- Nam Lào đã vượt ra ngoài khuôn khổ chiến thắng của một chiến dịch; sức lan tỏa vượt ra khỏi giới hạn cả về không gian và thời gian; xứng đáng là một trong những bản anh hùng ca của thời đánh Mỹ. Hội thảo cũng là dịp để chúng ta bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ cả nước, với quân và dân Lào anh em nói chung, quân và dân hai tỉnh Quảng Trị và Savannakhẹt nói riêng, đã không quản ngại gian khổ, hy sinh xương máu vì sự trường tồn của hai dân tộc, vì mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam.
Bộ đội Phathet Lào phối hợp với quân Giải phóng đánh chiếm Bản Đông (Lào) tháng 3 - 1971. |
Đánh dấu nghệ thuật quân sự đỉnh cao
Vào những ngày này 50 năm trước, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, trực tiếp là Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, trên địa bàn hai tỉnh Quảng Trị của Việt Namvà tỉnh Savannakhẹt của Lào, quân và dân ta đã giành thắng lợi vang dội trong Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào (trải qua hơn 50 ngày đêm chiến đấu liên tục, từ ngày 30-1 đến 23-3- 1971), đánh bại cuộc Hành quân Lam Sơn 719 của quân đội ngụy Sài Gòn được Mỹ yểm trợ hỏa lực, tiêu diệt một lực lượng lớn quân địch, bảo vệ vững chắc tuyến chi viện chiến lược, tạo điều kiện cho các chiến trường khác đẩy mạnh tiến công địch. Theo Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, thắng lợi của Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào 1971 có ý nghĩa to lớn, tác động mạnh đến cục diện chiến trường ba nước Đông Dương, giáng đòn mạnh vào chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" của Mỹ, mở ra một giai đoạn mới - giai đoạn Quân đội ta thực hành các chiến dịch hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, đánh tiêu diệt lớn trên chiến trường miền Nam; đồng thời, đánh dấu bước phát triển mới của nghệ thuật chiến dịch Việt Nam nói chung và nghệ thuật chiến dịch phản công nói riêng.
Tham gia hội thảo, các đại biểu, các nhà khoa học, nhân chứng lịch sử, bằng phương pháp luận khoa học, tư duy đổi mới sáng tạo và hoạt động thực tiễn của cơ quan, đơn vị mình, tiếp tục khẳng định và làm sâu sắc hơn nhiều nội dung. Thiếu tướng, TS Nguyễn Hoàng Nhiên - Viện trưởng Viện lịch sử Quân sự Việt Nam cho biết, các tham luận cũng đều thống nhất khẳng định, về mặt quân sự, Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào đánh dấu bước phát triển cao về nghệ thuật chiến dịch nói chung, nghệ thuật chiến dịch phản công nói riêng. Trong chiến dịch này, quân đội ta đã đưa nghệ thuật tác chiến phản công lên một trình độ khá hoàn thiện. Đó còn là nghệ thuật phối hợp giữa quân đội Việt Nam - Lào trong phạm vi chiến dịch và cuối cùng là nghệ thuật chủ động kết thúc chiến dịch đúng lúc.Thắng lợi của Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào đánh dấu bước tiến quan trọng của liên minh đoàn kết chiến đấu đặc biệt giữa quân đội và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào. Thực tiễn thắng lợi của Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào đã khẳng định vai trò của mối quan hệ đoàn kết đặc biệt và Liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào, của quân và dân tỉnh Quảng Trị phối hợp với bộ đội chủ lực, để lại nhiều kinh nghiệm sâu sắc, làm phong phú thêm nghệ thuật quân sự Việt Nam. Từ đó, đúc rút nhiều kinh nghiệm quý trong xây dựng mối quan hệ hữu nghị Việt - Lào trong tình hình mới, trong tổ chức, bố trí, sử dụng và phối hợp xây dựng thế trận phòng thủ, thế trận quốc phòng toàn dân bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.
BẢO HÀ
50 năm đã trôi qua, Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971 đã đi vào lịch sử của cuộc kháng chiến vĩ đại chống Mỹ, cứu nước với chiến công vang dội. Với tầm vóc và ý nghĩa lớn lao đó, việc nghiên cứu, đánh giá về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung, Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971 nói riêng, không chỉ đặt ra tại cuộc hội thảo này, mà chắc chắn sẽ còn phải tiếp tục đặt ra trong thời gian tới. |