“Chiến tranh khí đốt” với Nga đẩy Thổ Nhĩ Kỳ vào Caucasus
Sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Azerbaijan trong chiến sự ở Nagorno-Karabakh, vùng núi chiến lược nhìn ra hai đường ống dẫn dầu do Ankara hậu thuẫn, đang được thúc đẩy bởi một cuộc cạnh tranh khí đốt với Nga.
Lực lượng đặc biệt Thổ Nhĩ Kỳ bảo vệ lễ khánh thành đường ống Baku-Tbilisi-Ceyhan ở khu cảng dầu thô Ceyhan gần thành phố biển Adana, miền nam nước này. Ảnh: AFP |
Cố vấn cấp cao của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã nói rằng: “Nga không phải là đồng minh, cũng không phải là kẻ thù, nhưng chúng ta không thể đàm phán nếu quá phụ thuộc vào họ, đặc biệt là về năng lượng. Chúng tôi có những lợi ích quan trọng cần bảo vệ, giống như bất kỳ quốc gia vĩ đại nào khác”.
Theo AsiaTimes, ở Nam Caucasus, đứng đầu danh sách ưu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ là hai đường ống dẫn song song, một trong số đó sẽ bắt đầu đưa khí đốt tự nhiên từ Azerbaijan đến lục địa Châu Âu trong vòng vài tuần tới. Cơ sở hạ tầng quan trọng này đang gặp nguy hiểm bởi cuộc chiến ở Nagorno-Karabakh, một vùng đất mà cả Armenia mà Azerbaijan đều tuyên bố chủ quyền. “Chúng tôi không thể không để mắt đến những gì đang diễn ra xung quanh các đường ống của chúng tôi ở Caucasus, đặc biệt là ở vùng Tavush, nơi đã xảy ra một số vụ đụng độ trong những năm qua”, ông nói.
Các đường ống đang gặp nguy hiểm
Theo quan điểm của Ankara, cuộc chiến ở Nagorno-Karabakh là lời cảnh tỉnh đối với Châu Âu về các lợi ích tài chính và an ninh được chia sẻ ở Nam Caucasus.
Hôm 6-10, trợ lý tổng thống Azerbaijan Hikmet Hajiyev cho biết, các cuộc pháo kích của Armenia đã hạ cánh chỉ cách đoạn đường ống Baku-Tbilisi-Ceyhan (BTC) 10 mét. “Đó là những nỗ lực của Armenia nhằm tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng”, ông Hajiyev viết trên Twitter. Được biết đến là đường ông dẫn dầu trực tiếp đầu tiên giữa Biển Caspi không giáp đất liền và Địa Trung Hải, đường ống dẫn BTC có khả năng xuất khẩu một triệu thùng dầu mỗi ngày. Đa số cổ phần (30,1%) thuộc sở hữu của tập đoàn năng lượng BP của Anh, trong khi các Cty dầu khí nhà nước của Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ cùng sở hữu chỉ hơn 31,5% cổ phần. Một số Cty Châu Âu cũng nắm giữ cổ phần của BTC.
Song song với BTC là đường ống Nam Caucasus (SCP) do BP điều hành, có khả năng cung cấp 25 tỷ mét khối khí tự nhiên mỗi năm từ mỏ Shah Deniz của Azerbaijan ở Biển Caspi cho các khách hàng ở Georgia, Thổ Nhĩ Kỳ và sắp tới là Hy Lạp. Việc hoàn thành Đường ống xuyên Adriatic – đoạn liên kết còn thiếu giữa SCP, đường ống xuyên Anatolian của Thổ Nhĩ Kỳ và lục địa Châu Âu - được công bố vào ngày 12-10. Ankara đang hợp tác với Moscow trong dự án đường ống dẫn Turkstream 1 và 2 vận chuyển khí đốt của Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ và Đông Âu. Tuy nhiên các dự án đó đã bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga. Điều đó đã tạo tiền đề cho việc đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ là Azerbaijan cạnh tranh với Nga để giành lấy thị trường Châu Âu.
Mới đây, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev đưa ra lời kêu gọi tương tự như người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ. “Armenia đang cố gắng tấn công và giành quyền kiểm soát các đường ống dẫn của chúng tôi”, ông nói. Truyền thông Azerbaijan vừa đưa tin chủ tịch khu vực của BP Gary Jones viết thư cho Thủ tướng Azerbaijan để bày tỏ sự ủng hộ của ông đối với đường ống dẫn BTC trong bối cảnh chiến sự.
Các đồng minh khí đốt
Các nhà hoạch định chính sách Thổ Nhĩ Kỳ, đất nước có nền kinh tế đang gặp khó khăn trong bối cảnh khủng hoảng tiền tệ ngày càng trầm trọng, lo ngại về dự trữ ngoại hối và tác động của Covid-19, cho biết họ không hiểu lý do tại sao các đồng minh Châu Âu không đứng về phía mình tại Caucasus.
“Thổ Nhĩ Kỳ cần các đồng minh khi đốt”, Enes Bayrakli, giám đốc nghiên cứu Châu Âu tại SETA, tổ chức tư vấn lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết. Ankara đặc biệt tức giận với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vì nhận thức được sự ủng hộ của ông đối với Armenia. “Chúng tôi không thể hiểu được hành động tích cực của Pháp đối với vấn đề Armenia, vì nó thậm chí không được thúc đẩy bởi bất kỳ lợi ích chiến lược nào. Armenia không nằm trong vùng ảnh hưởng của Châu Âu, nó là một khu vực hậu Xô Viết”, ông Bayrakli nói.
AN BÌNH