Chính khách Sài Gòn qua ngòi bút họa sĩ Ớt (2)

Thứ năm, 28/04/2011 00:00

Kỳ 2: Nguyễn Bá Cẩn - Thủ tướng 10 ngày

(Cadn.com.vn) - Nguyễn Bá Cẩn khởi đầu sự nghiệp chính trị của chế độ miền Nam trước năm 1975 với chức vụ Quận trưởng Q. Cái Bè, Định Tường (1958); Phó Tỉnh trưởng Định Tường (1959); Phó Tỉnh trưởng Phước Tuy (1962); Phó Tỉnh trưởng Long An (1964)... Năm 1967, thời Đệ nhị Cộng hòa, đắc cử vào Quốc hội làm dân biểu tỉnh Định Tường, sau đó được cử là Đệ nhị Phó Chủ tịch Hạ viện. Tại nhiệm kỳ II (1971-1975) của Quốc hội, ông Cẩn được bầu làm Chủ tịch Hạ viện... Còn một điều rất quan trọng, ít người nhớ: Nguyễn Bá Cẩn từng là Thủ tướng trong 10 ngày cuối cùng của nền Đệ nhị Cộng hòa, dưới thời Nguyễn Văn Thiệu và Trần Văn Hương.

Trên suốt lộ trình len lỏi ở chính trường miền Nam, Nguyễn Bá Cẩn luôn tạo cho mình một chiếc vỏ liêm khiết, cần mẫn, tận tụy, không bao giờ phô trương nhà cửa, xe cộ... Ngay thời gian đầu, mặc dù ủng hộ đường lối của giới cầm quyền, nhưng không khi nào ông Cẩn ra mặt công khai, vì lúc đó phe thân chánh chưa đủ mạnh để đưa ông ta lên Chủ tịch Hạ viện. Mấy lần ông Cẩn tranh cử với ông Nguyễn Bá Lương suýt thắng, nên ông ta lại càng cẩn thận nép vào bóng tối chờ thời... Khi đã có vị thế vững vàng, ông Cẩn luôn bày tỏ lập trường tin tưởng vào sức mạnh tuyệt đối của cường quốc Hoa Kỳ, nên mọi giải pháp về vấn đề Việt Nam, ông luôn dựa vào cái định đề: “Mỹ có chịu từ bỏ Việt Nam hay không?”.

Cố nhà báo Huỳnh Bá Thành cũng khẳng định, Nguyễn Bá Cẩn là một trong những dân biểu khôn ngoan bậc nhất Hạ viện. Cụ thể, là người thân chánh, nhưng đối với anh em đối lập nào ông cũng có vẻ khề khà như bồ nhà. Nhưng đừng tưởng khề khà, vui vẻ là ông sẽ đồng ý với ai. Mức lão luyện của ông Cẩn được đánh giá là vượt qua cả Nguyễn Bá Lương và Trần Văn Lắm, thậm chí có người cho rằng, nếu ở phiên họp ngày 19-1-1974 về hiến pháp, ông Cẩn ngồi ở ghế Thượng viện như ông Lắm thì ông ta sẽ bày ra nhiều chiêu thần sầu quỷ khóc hơn. Ông Thành tóm tắt về chân dung ông Cẩn: “Nếu quan niệm đời là một cuộc cạnh tranh cho sự thành công cá nhân, nếu quan niệm đời là phải có thế, có quyền và có tiền thì với ông Cẩn không thiếu cái chi cả”.

 Biếm họa của họa sĩ Ớt về cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 1973.

Vào đầu tháng 4-1975, trong cảnh chợ chiều hỗn loạn, Nguyễn Văn Thiệu đã mời ông Cẩn ra nắm chức vụ Thủ tướng, thay cho Thủ tướng đương nhiệm là Trần Thiện Khiêm vừa từ chức. Thế nhưng, vừa ngồi vào vị trí mới chưa nóng ghế, thì ngày 21-4-1975, ông Cẩn đã phải chứng kiến Nguyễn Văn Thiệu từ chức. Theo hiến pháp, ông Thiệu bàn giao cho Phó Tổng thống Trần Văn Hương lên làm Tổng thống. Nguyễn Bá Cẩn kể lại: “Việc Tổng thống Thiệu từ chức, ông ta cho biết, là để xem Quốc hội Hoa Kỳ có thay đổi lập trường của Ủy ban Quốc phòng Thượng viện, tiếp tục quân viện cho Việt Nam để mở đường cho Hoa Kỳ và đồng minh thương lượng một giải pháp chính trị mà phía Bắc Việt nhất quyết từ chối mọi cuộc thảo luận nếu Tổng thống Thiệu còn tại chức...”. Ngày 25-4-1975, Nguyễn Bá Cẩn xin từ chức Thủ tướng, nhưng ông Hương yêu cầu phải ở lại tiếp tục xử lý thường vụ cho đến ngày 28-4 để chờ tân chính phủ.

Do vậy, sau khi Trần Văn Hương từ chức và trao quyền Tổng thống cho tướng Dương Văn Minh, cựu Ngoại trưởng Vũ Văn Mẫu được mời ra giữ chức vụ Thủ tướng, Nguyễn Bá Cẩn mới chính thức rời khỏi chức vụ. Ngay sau đó, ông ta đã thu xếp cho vợ và con gái út lên chuyến bay Air France cuối cùng đi qua Paris vào ngày 26-4. Đến 28-4, ông Cẩn được Đại sứ quán Hoa Kỳ cho máy bay C-130 đưa qua Philippines. Cùng chuyến bay này còn có cả Hoàng Đức Nhã và Phan Quang Đán. Sau khi đến được Philippines, ông tiếp tục được máy bay của quân đội Hoa Kỳ đưa sang Sacramento, Hoa Kỳ.

 Nguyễn Bá Cẩn qua biếm họa của họa sĩ Ớt.

Những ngày khởi đầu cuộc sống lưu vong trên đất Mỹ, Nguyễn Bá Cẩn đã nếm ngay hương vị nhục nhằn, khi phải mở trạm bán xăng nhỏ tại TP Mountain View. Cũng tại khu vực này ông Cẩn thường gặp Nguyễn Tôn Hoàn - nguyên Phó Thủ tướng đang mở tiệm bán cơm. Vài tháng sau, phần vì việc kinh doanh lỗ vốn, phần chịu đựng bao cảnh ê chề khi gặp người quen, ông Cẩn đăng ký theo học ngành Điện toán khi đã 46 tuổi. Đến năm 1979, ông tốt nghiệp ngành lập trình (Programmer) và vào làm việc tại hãng Standard Oil, về sau là Chevron Texaco Corp, tại bộ phận Computer Dept mãi đến năm 1998 mới nghỉ hưu.

Trong hồi ký của mình, Nguyễn Bá Cẩn kể lại, từ đầu năm 1979, khi đến xin việc tại Cty dầu hỏa hàng đầu của Mỹ là Standard Oil of California, bây giờ là Chevron Texaco Corp, các nhân viên cao cấp của hãng rất bất ngờ cho biết lần đầu tiên họ được phỏng vấn một cựu Thủ tướng chính phủ. Họ muốn biết làm Thủ tướng là làm cái gì? Do vậy, ông Cẩn chộp ngay cơ hội để nói về đề tài này hòng tránh bị phỏng vấn về chuyên môn. Sang câu hỏi thứ hai, bộ phận phỏng vấn lại tiếp tục ngạc nhiên khi biết người trước mặt làm cả Chủ tịch Hạ nghị viện. Họ hỏi, thế thì... chức đó làm công việc gì? Cuối cùng, họ nhìn vào bằng cấp về ngành Computer Science của ông Cẩn, hỏi: “Ông từng làm Chủ tịch Hạ nghị viện, từng làm Thủ tướng chính phủ, nay ông làm nhân viên cho chúng tôi thì liệu ông có thoải mái để làm việc không?”. Ông Cẩn trả lời, trước khi làm các chức vụ đó, ông xuất phát từ một gia đình nông dân, cuộc sống vất vả nghèo hèn ở đồng ruộng chân lấm tay bùn, nay phải làm lại từ con số không đâu có gì để ngại ngùng! Họ nghe xuôi tai, và ông Cẩn được tuyển dụng.

Sau một thời gian bệnh tật, Nguyễn Bá Cẩn qua đời ngày 20-5-2009 tại Regional Medical Center, TP San Jose, tiểu bang California, Hoa Kỳ. Khác với Trần Văn Lắm, chỉ muốn yên phận khi cuối đời, trước đó, nhiều lần Nguyễn Bá Cẩn vẫn có những hoạt động rêu rao ở hải ngoại đòi phục hồi chế độ VNCH. Ông cũng cho ra mắt một hồi ký mang tên “Đất nước tôi”, nội dung đề cao công lao cuộc đời chính trị của mình, phân tích “Tại sao miền Nam thua?”, đồng thời oán trách chính phủ Hoa Kỳ thờ ơ trước những thỉnh nguyện chống phá đất nước của những chính khách lưu vong. Nhưng tất nhiên, có lẽ trước khi nhắm mắt, Nguyễn Bá Cẩn mới kịp hiểu ra, những việc làm trên chỉ là hoang tưởng và chẳng mấy ai quan tâm.

Trần Trung Sáng
(còn nữa)