Chính phủ họp thường kỳ tháng 5: Đồng ý hai đề xuất quan trọng của ngành du lịch
(Cadn.com.vn) - Một trong những nội dung đáng chú ý nhất của phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 là việc Chính phủ nhất trí với các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn và phát triển ngành du lịch Việt Nam do Bộ VH-TT&DL trình, gồm: Mở rộng miễn visa cho khách du lịch và thành lập Quỹ phát triển du lịch.
* Các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, tình hình kinh tế-xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2015 tiếp tục chuyển biến tích cực. Lạm phát (CPI) tháng 5 tăng 0,16%, 5 tháng tăng 0,2%. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tiếp tục xu hướng tăng và tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước, 5 tháng tăng 9,2%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 5 tháng tiếp tục tăng cao và đạt 9,05%. Tín dụng đối với nền kinh tế đến ngày 20-5 tăng 4,26%. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện đạt 4,95 tỷ USD, tăng 7,6%; vốn ODA giải ngân đạt 749 triệu USD, tăng 11,8%. |
Theo tờ trình của Bộ VH-TT&DL, Việt Nam đang miễn visa đơn phương cho 7 nước (Nhật Bản, Hàn Quốc, Na Uy, Phần Lan, Đan Mạch, Thụy Điển, Nga), miễn visa trên cơ sở có đi có lại với 9 nước ASEAN. Từ khi miễn visa (năm 2014) khách Nhật Bản đến Việt Nam tăng 2,43 lần; từ Hàn Quốc tăng 3,6 lần; từ Nga (từ năm 2009) tăng 7,45 lần... tốc độ tăng trưởng lớn hơn bình quân tăng trưởng khách quốc tế. Theo đề xuất của Bộ VH-TT&DL, ngoài 7 nước đang được miễn visa, Việt Nam sẽ mở rộng diện miễn visa đơn phương cho 2 nhóm nước là thị trường trọng điểm, đối tác chiến lược, toàn diện có nguồn khách lớn, nhu cầu lưu trú dài hơn, chi tiêu cao hơn.
Về Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch (VTF), Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh cho biết: Dự kiến VTF có quy mô từ 2.000-2.500 tỷ đồng sau 5 năm thành lập, được bổ sung nguồn hàng năm nhằm duy trì hoạt động liên tục và đảm bảo nguồn chi. Trong đó 30% là từ nguồn ngân sách Nhà nước, 70% còn lại từ nguồn xã hội hóa và một số khoản thu từ du lịch.
Theo đó, Bộ VH-TT&DL đề xuất thu từ khách sử dụng dịch vụ lưu trú. Cụ thể là trích từ tiền phòng khách sạn 1 đêm từ mỗi khách quốc tế đến Việt Nam với mức từ 10.000-20.000 đồng/khách/đêm lưu trú tại khách sạn từ 3 sao trở lên. Đây là khoản thu phù hợp với thông lệ quốc tế mà hiện nay nhiều nước đang triển khai.
Sau 2 năm thực hiện, sẽ áp dụng đối với tất cả khách sử dụng dịch vụ lưu trú, và tất cả các loại hình cơ sở lưu trú bao gồm cả khách du lịch quốc tế và nội địa. Riêng khách du lịch nội địa sẽ đề xuất phương án sau. Ngoài ra còn có nguồn thu từ đóng góp của doanh nghiệp, cá nhân và các nguồn thu hợp pháp khác.
Cũng tại phiên họp, các thành viên Chính phủ cũng tập trung thảo luận, phân tích làm rõ các hạn chế, khó khăn nổi lên thời gian qua như sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ; hạn hán diễn ra nghiêm trọng ở nhiều nơi, nhất là Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; tiêu thụ một số mặt hàng nông sản khó khăn, nhất là gạo, cao su, trái cây, ảnh hưởng đến đời sống nông dân...
Cũng tại phiên họp, sau khi nghe các Bộ chức năng trình và các ý kiến góp ý, Chính phủ đã nhất trí đối với một số vấn đề như vấn đề tài sản thế chấp hình thành từ vốn vay của chủ đầu tư đối với dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan theo hình thức hợp đồng BT; thực hiện thí điểm bình ổn giá dịch vụ bốc dỡ container khu vực cảng biển nước sâu Cái Mép-Thị Vải, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; báo cáo tình hình triển khai thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số phát triển thủy sản; báo cáo về một số khó khăn, vướng mắc trong tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước...
Thu Thủy – VGP