Chính phủ sẽ quan tâm hơn những quyền lợi sát sườn của công nhân

Thứ hai, 24/04/2017 07:54

(Cadn.com.vn) - Tại buổi gặp gỡ, đối thoại với hơn 2.000 công nhân (CN) vùng kinh tế trọng điểm miền Trung được tổ chức tại Cung thể thao Tiên Sơn (Đà Nẵng) vào ngày 22-4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ sẽ tiếp tục có những biện pháp hiệu quả, thiết thực hơn nữa vấn đề việc làm, chất lượng bữa ăn và thiết chế văn hóa cho CN cả nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói vẫn còn nhớ như in cuộc trò chuyện với CN vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tại Đồng Nai vào dịp tết lao động năm 2016. Không phải chỉ là những tình cảm yêu quý được đón nhận từ họ, mà canh cánh trong lòng là trách nhiệm của Chính phủ với người lao động cả nước, những người trực tiếp làm ra của cải vật chất cho xã hội, góp phần xây dựng và phát triển đất nước. “Tôi đặt nhiều kỳ vọng và mong muốn được trao đổi với CN vì các ý kiến, tâm tư nguyện vọng của CN chính là ý chí của CN, ý chí của hành động, của tiến công vun đắp sự phồn vinh và trường tồn của đất nước”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với hơn 2.000 công nhân vùng kinh tế trọng điểm
miền Trung. Ảnh: Công Khanh

Đảm bảo quyền lợi việc làm

Anh Nguyễn Ngọc Quang - CN Khu công nghiệp (KCN) Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế đặt vấn đề: Tại một số doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài, nhiều CN độ tuổi từ 35 - 40 trở lên khó có cơ hội việc làm. Thủ tướng có chính sách gì để giúp CN đảm bảo việc làm khi còn độ tuổi lao động? Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết một thực tế hiện nay là các DN có dây chuyền hiện đại đều muốn sử dụng lao động trẻ và đào thải những lao động trung, cao tuổi. Lý do dễ hiểu là sử dụng lao động trẻ, ít thâm niên sẽ phải trả lương thấp, lại có thể tận dụng được sức lao động cường độ cao. Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế thị trường lao động, tạo khung pháp lý phù hợp, bảo đảm đối xử bình đẳng giữa người sử dụng lao động và người lao động. Cụ thể là thực hiện đúng các luật về lao động, tiền lương tối thiểu, bảo hiểm lao động, xuất khẩu lao động, pháp lệnh đình công. Người lao động phải được quyền hưởng lương đúng với số lượng và chất lượng lao động họ đã bỏ ra, phải được bảo đảm về chỗ ở và những điều kiện môi trường lao động, an sinh khác theo đúng luật pháp. “Con người là nguồn lực quan trọng. Chính phủ cũng sẽ có những chính sách tác động và hỗ trợ. Về phía các bạn CN, mỗi người cũng phải đối diện với quy luật cạnh tranh, có nghĩa đều phải cố gắng không ngừng để giỏi hơn, có ích hơn thì mình sẽ tồn tại”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói chuyện với công nhân tại buổi gặp gỡ. Ảnh: TTXVN

Chị Cao Thị Thắm, CN Cty Rieker (Quảng Nam) đặt câu hỏi: “Dù đời sống còn khó khăn nhưng CN vẫn cố gắng đóng các chế độ bảo hiểm đầy đủ. Trái lại, còn nhiều DN không thực hiện trách nhiệm của mình, khiến cho nhiều CN không được hưởng chế độ BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Thủ tướng có giải pháp gì để hạn chế được tình trạng này?”. Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, BHXH là một trong ba trụ cột của an sinh xã hội. Tình trạng doanh nghiệp trốn đóng BHXH đã có những dấu hiệu đáng lo ngại. Có lúc thống kê tới hàng chục ngàn doanh nghiệp không đóng BHXH, trị giá tới hơn 15 nghìn tỉ đồng khiến hàng trăm ngàn CN có nguy cơ bị mất quyền lợi. Chính phủ đã tích cực xây dựng các quy định của pháp luật như cho phép cơ quan BHXH được thanh tra quá trình đóng BHXH của doanh nghiệp; quy định tội trốn đóng BHXH trong Bộ luật Hình sự. Đặc biệt, một trong những điểm mới quan trọng của Luật BHXH 2014 là tăng cường quyền và trách nhiệm của tổ chức Công đoàn trong giám sát thực thi pháp luật và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động. Trong đó Tổ chức công đoàn được “Khởi kiện ra Tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, tập thể người lao động”. “Với cương vị là Thủ tướng Chính phủ, tôi cam kết sẽ yêu cầu các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm túc, triệt để các quy định của pháp luật. Tôi tin rằng những giải pháp quyết liệt như thế sẽ đủ sức răn đe những doanh nghiệp có ý định trốn đóng BHXH cho người lao động”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cam kết.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ tặng 500 triệu đồng cho Quỹ “Mái ấm công đoàn”
của Liên đoàn Lao động TP Đà Nẵng.

Đầu tư thiết chế văn hóa

Chị Phan Thị Tuyết Sương (quê Điện Bàn, Quảng Nam), CN Cty TNHH Điện tử Foster cho biết, người lao động đang rất phấn khởi trước thông tin Thủ tướng đã phê duyệt  Đề án về xây dựng các Thiết chế công đoàn và mong muốn được biết lộ trình thực hiện Đề án này.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết,  trong số 2,7 triệu lao động của 344 KCN-CX trên cả nước thì có 1,2 triệu lao động có nhu cầu về nhà ở, nhưng mới chỉ từ 5-10% nhu cầu trên được đáp ứng. Chính vì vậy, vấn đề nhà ở, nơi gửi trẻ, tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao, chăm sóc y tế hỗ trợ pháp luật cho CN là hết sức bức thiết. Tổng LĐLĐVN đã trình Chính phủ “Đề án đầu tư xây dựng các thiết chế của CĐ tại các KCN-CX”. Theo đó, cơ quan này sẽ chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng các khu thiết chế phục vụ CN và đoàn viên CĐ tại các KCX-CX với mức giá ưu đãi, giảm giá tối đa cho đoàn viên CĐ. Việc làm này đặc biệt có ý nghĩa, chăm sóc trực tiếp, thiết thực và hiệu quả đời sống vật chất, tinh thần của đoàn viên CĐ và người lao động nói chung.

Việc xây dựng các thiết chế công đoàn sẽ được chia làm 3 giai đoạn. Trong đó, năm 2017 sẽ triển khai 10 thiết chế tại địa phương, từ năm 2017-2020 sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng 40 thiết chế của CĐ, đến năm 2030, phấn đấu tất cả các KCN, KCX trên cả nước đều có thiết chế CĐ. Đối tượng ưu tiên “số 1” thụ hưởng các cơ sở vật chất thuộc thiết chế CĐ là các đoàn viên CĐ đang làm việc ở các KCN-KCX. “Về vấn đề nhà ở, với đồng lương còn hạn hẹp thì đây là câu chuyện khó khăn của CN. Vì vậy, ngoài việc đẩy mạnh xây dựng các khu thiết chế của CĐ, Chính phủ sẽ tạo điều kiện tốt nhất về đất đai, cơ chế, vốn, thuế để khuyến khích DN quan tâm đầu tư xây nhà ở cho CN. Tôi đề nghị chính quyền các tỉnh, thành phố phối hợp cao nhất với CĐ và cộng đồng doanh nghiệp cùng quan tâm, hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa nhà cho CN an cư, lạc nghiệp”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Nâng cao chất lượng bữa ăn cho công nhân

Anh Đỗ Hữu Phước - CN Cty TNHH Điện tử Việt Hoa (Đà Nẵng) đặt câu hỏi: Năm trước ở Đồng Nai, Thủ tướng đã nhấn mạnh về an toàn thực phẩm trong bữa ăn công nhân. Ở đâu có công nhân bị ngộ độc, chủ DN phải chịu trách nhiệm. Năm nay vấn đề an toàn thực phẩm vẫn nóng bỏng, xin Thủ tướng cho biết cần phải làm thế nào để chấm dứt tình trạng này?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn, những năm qua, các cấp công đoàn đã có nhiều biện pháp chủ động tham gia với người sử dụng lao động nhằm chăm lo đời sống cho CN. CĐ đưa nội dung bữa ăn ca của người lao động vào nội dung đối thoại, thương lượng tập thể và ký kết thỏa ước lao động tập thể. Đến nay, ngày càng có nhiều DN quan tâm tới bữa ăn ca của người lao động với chất lượng khá tốt. Tuy nhiên, tại nhiều DN bữa ăn ca của CN lại chưa đáp ứng nhu cầu, thiếu dinh dưỡng, chưa đảm bảo ATVSTP. Tổng LĐLĐVN đã có một bước đi mạnh mẽ là ban hành riêng một Nghị quyết về “Chất lượng bữa ăn ca của người lao động”, chủ động tham gia với các cơ quan chức năng, doanh nghiệp trong việc đảm bảo chất lượng bữa ăn ca đối với CN. CĐ có thể khởi kiện giám đốc DN khi để xảy ra ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của người lao động. Để chấm dứt tình trạng ngộ độc tập thể tại các DN có đông CN, các cấp, các ngành cũng phải phối hợp chặt chẽ với tổ chức CĐ để giám sát chất lượng thực phẩm cũng như giám sát định mức kinh phí DN dành cho bữa ăn ca của người lao động.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: “Chính quyền các cấp cần tăng cường chế tài và hành lang pháp lý đủ mạnh, đi đôi với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân, DN, đồng thời phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, làm rõ trách nhiệm của các chủ thể, phải gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại địa phương. Đối với doanh nghiệp sử dụng lao động phải đảm bảo kiểm tra nguyên liệu, nơi chế biến và bếp ăn cho người lao động, gắn trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, cần có chế tài phạt nghiêm, thậm chí xử lý hình sự các trường hợp vi phạm an toàn thực phẩm nghiêm trọng”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết thúc buổi đối thoại với việc giải đáp thỏa đáng những mối quan tâm sát sườn của người lao động. Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh, giai đoạn phát triển mới của đất nước yêu cầu phải xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân. Chính phủ đã và tiếp tục sẽ có những chính sách đúng đắn,  hiệu quả phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân để tạo động lực nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân.

Công Khanh

 

Thủ tướng tặng 20 “mái ấm công đoàn”

Ngay tại buổi đối thoại, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định tặng 20 căn nhà “mái ấm Công đoàn” trị giá 1 tỷ đồng cho 20 công nhân có hoàn cảnh khó khăn ở Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam. Đại diện UBND TP Đà Nẵng cũng đồng hành cùng Chính phủ tặng 10 “mái ấm công đoàn” tổng trị giá 500 triệu đồng cho công nhân nghèo tại Đà Nẵng.

Tại chương trình, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ký kết hợp tác với 8 doanh nghiệp hỗ trợ, chăm lo phúc lợi cho công nhân với việc sẽ cung cấp hàng hóa, dịch vụ giá ưu đãi từ 5 - 15% cho công nhân lao động. Đại diện Cty viễn thông MobiFone đã trao 40 tỉ đồng cho Tổng LĐLĐ VN hiện thực hóa cam kết chăm lo phúc lợi cho đoàn viên công đoàn, công nhân lao động. Cty Nutifood cũng cam kết dành cho công nhân lao động những ưu đãi đặc biệt với mức hỗ trợ không dưới 15% khi mua sản phẩm.