Chinh phục cột cờ Lũng Cú

Thứ năm, 19/03/2015 08:30

(Cadn.com.vn) - Từ thành phố Hà Giang, vượt 200 km qua 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn (thuộc cao nguyên đá Đồng Văn tỉnh Hà Giang), chúng tôi  đến cột cờ Lũng Cú, hút hồn trước vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ của núi rừng Đông Bắc. Những cánh rừng thông đại ngàn, những con dốc quanh co uốn lượn. Những dãy núi đá nhấp nhô, trùng điệp. Núi, núi và núi với những con đường hiểm trở, những cua gấp khúc tưởng chừng dài vô tận. Giữa những vách đá cao sừng sững được tô điểm bởi những nếp nhà sàn xinh xắn, những ô ruộng bậc thang đan xen chênh vênh. Từ xa, Lũng Cú hiện lên thật sinh động. Phía trên đỉnh núi Rồng (Long Sơn) nổi bật cột cờ Lũng Cú - điểm cao được ví là "nóc nhà nước Việt, nơi mà cúi mặt sát đất, ngẩng mặt đụng trời". Từ chân núi, chúng tôi vượt qua 389 bậc thang bằng đá đầy hứng khởi để đến chân cột cờ ở độ cao 1.700 m so với mặt nước biển.

Phút giây hạnh phúc khó tả khi leo đến chân cột cờ, niềm cảm xúc trào dâng mãnh liệt ngay nơi biểu tượng thiêng liêng về chủ quyền quốc gia. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử với nhiều lần xây dựng, trùng tu, tôn tạo, cột cờ Lũng Cú thật nguy nga, sừng sững và kiêu hùng. Chân cột hình bát giác giống cột cờ Hà Nội, với 8 mặt chân cột mô phỏng hoa văn trống đồng Đông Sơn và những bức phù điêu minh họa cho các giai đoạn lịch sử của đất nước. Cạnh cột cờ là tấm bia đá lớn khắc hình quốc huy phía trên, phía dưới là dòng chữ màu vàng: "Cột cờ quốc gia Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang-Kinh độ 105°18'58'' Đ; Vĩ độ 23°21'49'' B - 2010 ".

Cột cờ Lũng Cú.

... Đứng ở chân cột cờ, phóng tầm mắt bao quát ra một vùng biên cương rộng lớn của Tổ quốc: Con sông Nho Quế uốn lượn phân chia ranh giới Việt -Trung. Núi non trùng điệp xen kẻ những khoảnh ruộng bậc thang đẹp đến ngỡ ngàng. Yêu lắm, thương lắm, xúc động và tự hào khi ôm trọn một phần đất linh thiêng của Tổ quốc trong tầm mắt. Từ chân cột cờ, chúng tôi leo tiếp 140 bậc thang xoắn ốc trong lòng cột cờ để đến đỉnh. Trong không gian hẹp, mờ tối, một vòm sáng mở ra trên đỉnh đầu với khoảng trời sáng bừng cùng tiếng lá cờ Tổ quốc phần phật trong gió.

Giây phút ấy xúc động đến nghẹn ngào, cả Tổ quốc như đang sừng sững trong nắng, trong gió, trong tâm hồn mình. Thật sung sướng khi chiêm ngưỡng ở khoảng cách rất gần cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc thân yêu rộng 54 m2, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em trong cả nước đang ngạo nghễ tung bay. Qua một hành trình dài vất vả, hình ảnh lá cờ Tổ quốc, cái màu đỏ tươi ấy như len vào tim mình, âm vang đâu đây hồn thiêng sông núi, gợi lên cảm giác tự hào đầy niềm tin và hy vọng. Đứng tại đây, tôi nhớ đến lời trong bài ký của nhà thơ Vũ Duy Thông:"Là người Việt Nam, nếu chưa một lần được đứng trên đỉnh Lũng Cú để ngắm lá cờ của Tổ quốc, kể ra vẫn thiếu thiếu cái gì đó...".

Cùng với hành trình chinh phục cột cờ Lũng Cú, chúng tôi còn biết thêm nhiều danh thắng của Hà Giang. Đó là Cổng Trời, Núi Đôi-"quang cảnh kỳ thú của tạo hóa" ở Quản Bạ; đại ngàn thông reo ở Yên Minh; khu di tích Vua Mèo Vương Chí Sình ở Đồng Văn; đèo Mã Pí Lèng hiểm trở rợn mắt người qua lại, uốn lượn lên xuống lắt léo quanh các miệng vực sâu hun hút ở Mèo Vạc; những con đường thần tiên ở Hà Giang; "con đường mang tên hạnh phúc" được xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ XX do công nhân chủ yếu là người H' Mông làm; chợ phiên Mèo Vạc-nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của các dân tộc thiểu số vùng cao nguyên đá Hà Giang... Chúng tôi cũng có dịp được chứng kiến phong cảnh ngoạn mục với những con sông, suối, núi đồi cùng những bản làng dân tộc thiểu số. Có dịp tìm hiểu thêm về nếp sống, phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc Dao, Giấy, Nùng, H' Mông trắng với những người dân chất phác, đôn hậu và mến khách...

Mùa xuân là mùa đẹp nhất ở mảnh đất này khi những vạt hoa nở khắp vùng cao nguyên đá. Những cánh đồng hoa khoe sắc làm khung cảnh thiên nhiên vốn khắc nghiệt, trở nên lung linh, sống động, không khí thật trong lành. Lũng Cú thật sự mang trong mình nét đẹp mê hồn và hấp dẫn.

Nguyễn Xuân Tư