Chính quyền xã tự ý “ngâm” GCNQSDĐ của dân?

Thứ ba, 12/04/2016 09:19

(Cadn.com.vn) - Đối với người dân, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) không chỉ xác định tính pháp lý về việc sử dụng đất mà đó còn là “tài sản” đảm bảo cho việc vay vốn... Thế nhưng, dù được Nhà nước giao quyền sử dụng đất, đủ điều kiện cấp GCNQSDĐ theo luật định hoặc đã được cấp GCNQSDĐ nhưng hơn 4 năm qua, hàng trăm hộ dân tại xã Đại Lãnh và xã Đại Hưng (H. Đại Lộc, Quảng Nam) lại bị chính quyền địa phương “ngâm” GCNQSDĐ.

Toàn H. Đại Lộc có hơn 34.000ha đất lâm nghiệp, trong đó, đất rừng sản xuất do hộ gia đình quản lý, khai thác hơn 14.000ha. Từ tháng 2-2012, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Đại Lộc (nay thuộc Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam) đã bàn giao cho các xã, thị trấn hơn 27.000 GCNQSDĐ theo dự án lập bản đồ tỷ lệ 1/10.000. Nhưng đến nay, hàng trăm người dân ở 2 xã trên vẫn “ngóng” GCNQSDĐ

Anh Lê Tứ (trú thôn Hà Dục Đông, xã Đại Lãnh) cho hay, 4 năm qua, người dân không hiểu vì sao đất rừng sản xuất không có tranh chấp, đã được cấp GCNQSDĐ nhưng vẫn chưa được nhận. Người dân đã nhiều lần kiến nghị với xã tìm hiểu nguyên nhân nhưng lãnh đạo cứ lần lữa, không dứt khoát... Ngoài ra, anh Tứ còn cho biết thêm, không chỉ gia đình anh mà hàng chục hộ gia đình khác của tổ 1 thôn Hà Dục Đông chưa được xã cấp GCNQSDĐ đối với diện tích đất ở. Đã nhiều lần người dân yêu cầu chính quyền xã bàn giao GCNQSDĐ đối với diện tích đất ở, đất rừng sản xuất nhưng địa phương không thực hiện.

Đã nhiều lần người dân yêu cầu được cấp và bàn giao GCNQSDĐ đối với diện tích đất ở, đất rừng sản xuất nhưng chính quyền địa phương không thực hiện.

Lý giải nguyên nhân “ngâm” GCNQSDĐ của người dân, lãnh đạo xã Đại Lãnh cho rằng, những diện tích đã được đo đạc, hoàn thiện hồ sơ và cấp GCNQSDĐ nhưng khi đối chiếu bản đồ hiện trạng 3 loại rừng, phát hiện có sự chồng lấn lên đất rừng phòng hộ của các BQL rừng, doanh nghiệp nên địa phương tạm dừng trả GCNQSDĐ cho dân. Mặt khác, một số diện tích đất chồng lấn với những khu vực mồ mả cần được tách ra khỏi diện tích đất rừng sản xuất để hạn chế việc tranh chấp đất đai gây mất ANTT tại địa phương. Còn lãnh đạo xã Đại Hưng thì lý giải, vì nhiều diện tích đất chồng lấn với khu vực rừng do Trại giam An Điềm quản lý, có cả tình trạng xâm canh bất hợp pháp hoặc đã thông báo nhiều lần nhưng người dân không đến nhận.

Thế nhưng, trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Xuân Vinh, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký QSDĐ H. Đại Lộc khẳng định, các trường hợp đã được cấp GCNQSDĐ đều đủ điều kiện cấp theo luật định. “Nếu đáp ứng đầy đủ điều kiện cấp và giao GCNQSDĐ theo luật định thì không có lý gì xã lại ngâm sổ đỏ của dân. Từ năm 2012, chúng tôi đã gửi nhiều văn bản nhắc nhở chính quyền xã phải nhanh chóng bàn giao GCNQSDĐ. Nếu phát hiện vướng mắc thì chính quyền xã phải báo cáo về huyện để tìm cách tháo gỡ...”, ông Vinh nói.

Nhìn nhận khách quan, một số diện tích đất rừng sản xuất hiện do hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định không xảy ra tranh chấp nhưng đất lại nằm trong vùng quy hoạch rừng phòng hộ và các dự án trồng rừng trước đây... Do không cắm mốc thực địa, không có ranh giới cụ thể từng thửa đất nên gây khó khăn cho địa phương trong khâu quản lý.

Liên quan đến vấn đề này, giữa tháng 3-2016, ông Hồ Ngọc Mẫn, Phó Chủ tịch UBND H. Đại Lộc đã chỉ đạo các địa phương phải gấp rút giao GCNQSDĐ đến tận tay người dân trong thời gian sớm nhất, yêu cầu Phòng TN&MT huyện phối hợp với địa phương rà soát, giải quyết dứt điểm những trường hợp gặp vướng mắc. “Dù với bất kỳ lý do gì thì việc các xã "ngâm" sổ đỏ đất rừng sản xuất của dân thời gian dài là sai”, ông Mẫn khẳng định. Thời gian tới, UBND Đại Lộc sẽ tiến hành kiểm điểm, xử lý trực tiếp cán bộ địa chính của xã Đại Lãnh và Đại Hưng cũng như lãnh đạo xã do tắc trách trong công tác quản lý và không có báo cáo gửi UBND xã và UBND huyện để được tham mưu, tìm cách giải quyết. Bên cạnh đó, huyện sẽ tổ chức kiểm kê rừng, kết hợp với việc rà soát kỹ những trường hợp đủ điều kiện sẽ bàn giao GCNQSDĐ, nếu còn vướng mắc sẽ có biện pháp giải quyết, chỉnh lý bổ sung.

Hữu Đức