Chính sách giao khoán bảo vệ rừng ở Quảng Nam: Nảy sinh nhiều bất cập

Thứ bảy, 07/04/2018 12:40

Thông tin về tình trạng rừng phòng hộ ở Quảng Nam bị tàn phá liên tục khiến người dân bức xúc. Điều đáng nói, những khu rừng bị phá đều nằm trong sự quản lý của các Ban quản lý bảo vệ rừng (BQL BVR). Để bảo vệ cho những cánh rừng nguyên sinh trên, ngoài lực lượng Kiểm lâm thì mỗi năm tỉnh Quảng Nam chi hàng tỷ đồng cho người dân tham gia bảo vệ rừng. Vậy tại sao rừng vẫn tiếp tục bị tàn phá với mức độ ngày một khủng khiếp?





Hiện trường một số vụ phá rừng “nổi tiếng” ở Quảng Nam thời gian qua.

Theo Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh Quảng Nam, đến nay tỉnh đã giao khoán BVR đến từng nhóm hộ gia đình với tổng diện tích gần 300.000ha (tương đương 72% diện tích rừng tự nhiên toàn tỉnh). Địa phương này cũng đã giải ngân hơn 100 tỷ đồng cho các chủ rừng, người dân trong công tác chăm sóc, BVR. Từ năm 2012, nhằm cụ thể hóa Nghị định 99 năm 2010 của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), Quảng Nam triển khai thu các khoản kinh phí DVMTR từ các cơ sở, nhà máy sản xuất thủy điện, nước sạch và hoạt động dịch vụ du lịch. Do vậy, ngoài kinh phí của tỉnh chi trả, mỗi năm nguồn thu từ các doanh nghiệp này khoảng 100 tỷ đồng, số tiền này phục vụ lại cho trồng rừng thay thế, trả tiền công cho người dân trong nhận khoán BVR, nhất là các rừng phòng hộ đầu nguồn thông qua các BQL BVR (chủ rừng).

Có thể thấy, số tiền chi trả cho việc chăm sóc, BVR là rất lớn. Tuy nhiên, theo các nhóm hộ được giao chăm sóc, BVR thì số tiền họ nhận không đúng với thực tế quy định. Cụ thể, ông Trần Ngọc Sơn - Trưởng thôn 8 (xã Tiên Lãnh, H. Tiên Phước, Quảng Nam) kiêm trưởng nhóm hộ nhận khoán BVR rừng phòng hộ Tiên Lãnh cho biết. Từ năm 2017 đến nay, nhóm hộ của ông nói riêng và các nhóm hộ trong xã chưa nhận được số tiền chi trả cho công chăm sóc, BVR theo quy định. “Theo quy định thì mỗi người sẽ nhận được 300 ngàn đồng/ha/năm. Thế nhưng trong năm 2016 chúng tôi mới nhận được đúng số tiền đó, còn trước đó chúng tôi chỉ nhận được 14 ngàn đồng/ha/năm. Bản thân tôi nhận giao khoán 20ha nhưng một năm chỉ nhận được hơn 3 triệu đồng. Và từ năm 2017 đến nay chưa nhận được đồng nào. Tôi và các trưởng nhóm hộ khác nhiều lần lên BQL RPH Tiên Lãnh hỏi thì họ cứ hứa hẹn mãi, đến nay hơn 1 năm nhưng tiền vẫn chưa được nhận.

Khu vực rừng mà nhóm hộ ông Sơn quản lý, bảo vệ từng được biết đến trong vụ phá rừng đầy “tai tiếng” xảy ra trong năm 2017 với hàng trăm héc-ta rừng bị “cạo trọc”. Trong vụ phá rừng đó, chính ông Sơn và những hộ được giao BVR khi phát hiện rừng bị phá đã báo cáo lên chính quyền địa phương và chủ rừng. Thế nhưng sự việc không được giải quyết, sau đó những hộ dân này đã đứng ra tố cáo hành vi phá rừng đến với cơ quan báo chí...

Liên quan đến kinh phí DVMTR, ngày 2-4, trao đổi với P.V, Trung tá Phạm Trường Sơn - Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế CA tỉnh cho biết, vụ án Tham ô tài sản do ông Đoàn Tất Chẩn (1959, nguyên Giám đốc BQL RPH Sông Tranh) cùng cán bộ trong đơn vị câu kết thực hiện đến nay vẫn đang được CQĐT tiếp tục điều tra, mở rộng. Trước đó ngày 17-10-2017, Phòng Cảnh sát Kinh tế CA tỉnh Quảng Nam đã thực hiện lệnh khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với 3 bị can gồm: ông Đoàn Tất Chẩn; ông Trần Đồng (1964), nguyên Trưởng phòng kế hoạch kỹ thuật (thuộc BQL RPH Sông Tranh) và bà Nguyễn Thị Bích Nhung (1984), nguyên kế toán trưởng BQL RPH Sông Tranh cùng về hành vi “Tham ô tài sản”. Theo kết quả điều tra ban đầu cho thấy, 3 bị can trên đã lập chứng từ khống liên quan đến kinh phí giao khoán BVR để chiếm đoạt gần 800 triệu đồng...

Nói về chính sách chi trả DVMTR, ông Lê Minh Hưng – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cũng thừa nhận thời gian qua, trách nhiệm của chủ rừng, của địa phương trong công tác phối hợp, quản lý BVR còn thiếu sót, chưa chặt chẽ, khiến rừng liên tục bị xâm hại. Đây chính là “lỗ hổng” trong công tác quản lý và thực hiện chính sách giao cho nhóm hộ nhận giao khoán rừng ở miền núi. Vì thế, theo ông Hưng, để mô hình này đem lại hiệu quả, ngoài chú trọng đến việc kiểm tra, giám sát, cần gắn trách nhiệm với cộng đồng vùng cao và các già làng, trưởng bản, người có uy tín. “Về giải pháp lâu dài, yêu cầu chính quyền các cấp, chủ rừng, lực lượng kiểm lâm, công an quản lý tốt địa bàn ngay từ thôn bản, thống kê đối tượng, kiểm soát và ngăn chặn ngay từ đầu việc đưa người, phương tiện, dụng cụ vào rừng khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép; trục xuất các đối tượng làm ăn phi pháp ra khỏi địa bàn quản lý. Cạnh đó, quản lý chặt chẽ các cơ sở chế biến lâm sản, không để xảy ra tình trạng lợi dụng làm đầu mối tiêu thụ lâm sản trái phép” - ông Hưng nhấn mạnh.

TRẦN TÂN