Chính trường Venezuela lại “nóng hừng hực”

Thứ sáu, 08/03/2019 13:00

Cuộc khủng hoảng chính trị ở Venezuela lại tiếp tục chứng kiến diễn biến căng thẳng mới khi chính phủ Tổng thống Nicolas Maduro quyết định trục xuất đại sứ Đức, như một đòn giáng vào sự hỗ trợ của các nước đối với Tổng thống tự xưng Juan Guaido. Trong khi đó, Mỹ cũng đã tăng cường các biện pháp trừng phạt nhằm vào Caracas.

AFP ngày 7-3 đưa tin: Chính phủ Venezuela tuyên bố sẽ trục xuất Đại sứ Đức Daniel Martin Kriener và cho ông này 48 tiếng để rời khỏi nước này.

Tổng thống Nicolas Maduro (phải) và Tổng thống tự  xưng Juan Guaido đang bị mắc kẹt trong cuộc chiến quyền lực. Ảnh: AFP

Vì sao Venezuela trục xuất đại sứ Đức?

Tuyên bố của chính phủ Venezuela nêu rõ, Đại sứ Kriener bị trục xuất vì can thiệp vào công việc nội bộ của nước này.

Theo các nguồn tin, nguyên nhân bắt nguồn từ việc ông ấy đã chào đón Tổng thống tự xưng Guaido tại sân bay Caracas khi ông này trở về nước như “một nhà lãnh đạo của Venezuela”. Ông Kriener nằm trong số nhiều đại diện nước ngoài chào đón ông Guaido - nhân vật được hơn 50 quốc gia công nhận là Tổng thống lâm thời của Venezuela - nhưng cho đến nay đại sứ Đức là người duy nhất bị trục xuất.

Ngay lập tức, lãnh đạo phe đối lập Guaido cáo buộc chính phủ Venezuela đang đe dọa nước Đức. Trả lời phỏng vấn tạp chí Der Spiegel của Đức, ông Guaido cho rằng, việc Caracas trục xuất Đại sứ Đức là mối đe dọa nhằm vào nước này. “Hành động này chứng tỏ đây là mối đe dọa nhằm vào nước Đức”, ông Guaido nhấn mạnh và kêu gọi Châu Âu tăng cường các biện pháp trừng phạt tài chính nhằm vào chính quyền Tổng thống Maduro.

Tại Berlin, Ngoại trưởng Heiko Maas cũng khẳng định, Đức và các đối tác Châu Âu sẽ tiếp tục ủng hộ thủ lĩnh phe đối lập Guaido. Ngoại trưởng Đức khẳng định: “Đây là một quyết định hết sức khó hiểu, bởi nó chỉ làm phức tạp thêm tình hình thay vì hạ nhiệt căng thẳng. Châu Âu kiên định ủng hộ ông Juan Guaido”.

Mỹ có can thiệp quân sự vào Venezuela?

Diễn biến mới này càng khiến cuộc khủng hoảng chính trị ở Venezuela thêm căng thẳng khi nó được xem như đòn giáng vào sự hỗ trợ của các nước đối với Tổng thống tự  xưng Guaido.

Trong khi đó, Mỹ cũng tăng cường các biện pháp trừng phạt nhằm vào Caracas. Washington cảnh báo các tổ chức quốc tế có thể chịu các lệnh trừng phạt nếu tham gia vào bất cứ giao dịch nào mang lại lợi ích cho Tổng thống Maduro. Một tuyên bố của Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton cho hay: “Mỹ sẽ liệt các thể chế tài chính quốc tế vào danh sách trừng phạt nếu các tổ chức này liên quan các giao dịch bất hợp pháp mang lại lợi ích cho Tổng thống Maduro và mạng lưới tham nhũng của ông này. Chúng tôi sẽ không cho phép ông Maduro đánh cắp tài sản của người dân Venezuela”.Tổng thống Maduro có tuyên bố đáp trả, cáo buộc Mỹ và phe đối lập muốn châm ngòi “cuộc chiến dầu mỏ”. Tổng thống Maduro cảnh báo, những hành động và lời đe dọa can thiệp của Washington đối với Caracas chính là hành động theo đuổi lợi ích kinh tế và âm mưu kiểm soát các nguồn tài nguyên thiên nhiên của quốc gia nhiều dầu mỏ này.

Tuy nhiên, Đặc phái viên Mỹ về Venezuela Elliot Abrams khẳng định, Washington không có ý định sử dụng phương án can thiệp quân sự vào Venezuela trừ khi chính phủ nước này làm điều gì đó “hoàn toàn điên rồ” như tấn công Đại sứ quán Mỹ. Theo hãng tin AP, thông tin trên được trích xuất từ đoạn băng ghi âm cuộc điện thoại “chơi khăm” do hai danh hài người Nga thực hiện, trong đó ông Abrams tin rằng mình đang nói chuyện với một quan chức Thụy Sĩ. Trong cuộc điện thoại, quan chức Mỹ khẳng định Washington tìm cách khiến quân đội Venezuela lo lắng bằng cách công khai tuyên bố không loại trừ hành động quân sự để “hất cẳng” Tổng thống Maduro. Tuy nhiên, theo ông, đó không phải là những gì Mỹ đang làm, mà chính xác là những gì mọi người thấy: gây sức ép tài chính, kinh tế và ngoại giao. Hiện Bộ Ngoại giao Mỹ chưa đưa ra bình luận về sự việc này.

KHẢ ANH