Cho các em niềm tin cuộc sống
(Cadn.com.vn) - Tôi được dự một buổi gặp mặt giữa lãnh đạo CAQ Thanh Khê (Đà Nẵng) với đại diện gia đình và các em thiếu niên hư, vi phạm pháp luật được CAQ nhận quản lý, cảm hóa, giáo dục và giúp đỡ đã tiến bộ theo tinh thần Chỉ thị 24 của Thành ủy Đà Nẵng. Lần gặp này không ngoài mục đích trao phương tiện, dụng cụ học nghề cho các em để có điều kiện tiếp tục đến trường học tập hoặc lo mưu sinh.
Chị Võ Thị Phượng, mẹ của em Lê Đình Gia Vinh (1999), trú tổ 45, P.Vĩnh Trung tạm nghỉ một buổi bán hàng rong để đưa Vinh lên nhận chiếc xe đạp, trị giá 1,7 triệu đồng. Chị mừng đến muốn khóc “Thấy con được mấy chú Công an giúp đỡ tiến bộ, không sa vào con đường phạm tội đã mừng. Nay, cháu tiếp tục đến trường học tập với bạn bè cùng trang lứa lại được CAQ tặng phương tiện để đi học, tôi chỉ biết dặn lòng cố gắng tạo mọi điều kiện tốt nhất để cháu học hành đến nơi đến chốn để khỏi phụ lòng của mọi người”.
Trong khi đó, em Trần Vinh Quang (1998), trú tổ 75, P. Chính Gián cả bố và mẹ đều phải tất bật với công việc lao động phổ thông để lo kế sinh nhai cho cả gia đình nên em được CSKV Lê Nhật Bảo, CAP Chính Gián đưa đi nhận chiếc xe đạp còn mới toanh. Vinh cho biết: “Trước đây có lần em có hành vi xấu nên CAP xử phạt vi phạm hành chính và đưa vào diện quản lý, giáo dục tại địa phương.
Lãnh đạo CAQ Thanh Khê trao tặng xe đạp cho các thiếu niên tiến bộ. |
Sau thời gian được anh Bảo, CSKV giúp đỡ nay em đã tiến bộ và được CAQ tặng cho chiếc xe đạp để có phương tiện đi học trở lại”. Hiện nay, Vinh theo học kỹ năng giao tiếp tại Trường dạy nghề Ý-Việt. Cũng giống với 2 trường hợp nói trên, em Lê Quang Hân (1998), trú tổ 76, P. Tam Thuận cũng nhận được một chiếc xe đạp để tiện việc đi học tại Trường THCS Hoàng Diệu sau khi được công nhận tiến bộ.
Trung tá Trần Đăng Cường, Đội trưởng Đội Xây dựng phong trào và Quản lý BVDP CAQ Thanh Khê cho biết thêm, trong đợt này, CAQ Thanh Khê còn hỗ trợ cho em Bùi Tấn Đạt (2000), trú P.Vĩnh Trung một bộ đồ nghề để học nghề điện tử, trị giá 2,9 triệu đồng; hỗ trợ em Hồ Ngọc Phúc (1998), trú P.Tam Thuận một bàn máy may, trị giá 3 triệu đồng.
Qua tìm hiểu, thực hiện Chỉ thị 24/CT-TU của Thành ủy Đà Nẵng về việc quản lý, giáo dục, giúp đỡ TTN vi phạm pháp luật, trong năm 2015, trên địa bàn Q.Thanh Khê có 7 em chưa thành niên có nguy cơ cao vi phạm pháp luật nên đã tập trung chỉ đạo CA 10 phường phối hợp với Đội Cảnh sát hình sự quản lý, giáo dục. Do làm tốt công tác quản lý, giáo dục nên số em do CAQ nhận giúp đỡ, theo dõi chưa có em nào tái phạm. Ngay từ đầu năm, CAQ tham mưu cho Quận ủy chỉ đạo các đơn vị liên tịch gồm Công an, Hội CCB quận, Quận đoàn, Hội LHTN quận họp thống nhất phân công trách nhiệm quản lý, giáo dục, giúp đỡ 16 em.
Qua kiểm tra, đánh giá, nhận xét, năm 2015 đã có 10 em tiến bộ, trong đó CAQ có 5 em, Đoàn thanh niên 2 em, Hội CCB 2 em, Hội LHTN 1 em. Bản thân các đơn vị cũng có nhiều hình thức hỗ trợ đối với các em đã tiến bộ như Quận đoàn hỗ trợ em Văn Minh Đạt (2000), trú P.Thạc Gián 2 triệu đồng; em Trương Phi Quốc (1999), trú P.Tam Thuận 1 chiếc xe đạp và bộ đồ nghề sửa xe đạp. Hội CCB hỗ trợ em Võ Ngọc Tâm (1998), trú P.Chính Gián; Trần Công Nghĩa (1998), trú P.Thạc Gián mỗi em 3 triệu đồng để học nghề.
Thượng tá Dương Minh Thiện, Phó trưởng CAQ Thanh Khê nhìn nhận: “Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến việc lồng ghép công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, đạo đức lối sống lành mạnh cho các em, cảm hóa, giúp đỡ người chưa thành niên làm trái pháp luật tại cộng đồng, xây dựng môi trường không có TNXH làm ảnh hưởng đến giới trẻ. Nhiều mô hình cũng được lồng ghép để tăng tính hiệu quả và hiệu ứng gắn với việc tạo điều kiện giúp đỡ về vật chất để các em có điều kiện tìm công ăn việc làm ổn định hoặc tiếp tục đến trường. Chính điều đó đã làm cho tình hình TTN vi phạm pháp luật trên địa bàn quận năm 2015 giảm đáng kể”.
Có lần trao đổi với người viết, Trung tá Nguyễn Tất Thắng, Trưởng CAP Tam Thuận cũng thừa nhận, muốn giúp các em thực sự tiến bộ thì ngay từ đầu, công tác khảo sát đối tượng, xác định nguyên nhân vi phạm là rất quan trọng. Bởi qua đó mới có biện pháp phối hợp quản lý, giáo dục có hiệu quả. Đối với các em bỏ học, nhưng còn trong độ tuổi đi học thì phối hợp với các tổ chức, đoàn thể, gia đình vận động các em trở lại lớp. Đối với các em không muốn học văn hóa thì tạo điều kiện giúp đỡ các em học nghề, tạo việc làm ổn định. Kinh nghiệm đó thực tế đã giúp cho số em thuộc diện thực hiện theo Chỉ thị 24 của Thành ủy trên địa bàn Q.Thanh Khê tiến bộ nhiều so với các năm trước.
Phương Kiếm