Chợ Cồn và nhu cầu tái thiết để phát triển
Sau 35 năm đi vào hoạt động, đến nay chợ Cồn đã có dấu hiệu xuống cấp. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật và các công trình phụ trợ của chợ đã không còn phù hợp với xu thế phát triển của nền thương nghiệp hiện đại. Trước thực trạng trên, UBND TP Đà Nẵng đã có chủ trương xây dựng lại chợ Cồn với loại hình chợ truyền thống theo hướng văn minh hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển các hoạt động thương mại, dịch vụ và du lịch của thành phố trong tương lai gần.
Chợ Cồn cần xây dựng lại để đáp ứng với xu thế phát triển của nền thương nghiệp hiện đại. |
Xuống cấp theo thời gian
Theo nhà nghiên cứu lịch sử và văn hóa Đà Nẵng Phạm Ngô Minh, hiện nay, vẫn chưa có bất kỳ văn bản, giấy tờ nào chứng minh được thời điểm hình thành chợ Cồn. Tuy nhiên, có thể trong phong trào hồi cư giai đoạn 1947-1949, người dân từ khắp nơi bắt đầu tập trung về khu vực chợ Cồn và dần dà chọn nơi đây làm địa điểm buôn bán, trao đổi hàng hóa. Trải qua nhiều thập niên phát triển, chợ Cồn dần trở thành một khu chợ bán sỉ lớn tại Đà Nẵng, các mặt hàng buôn bán tại đây được trung chuyển và phân phối không chỉ ở khu vực thành phố và còn lan tỏa ra cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Đến năm 1985, chính quyền thành phố quyết định xây mới chợ Cồn trên nền diện tích 13.714m2, trong đó khu nhà số 1 nằm ở mặt tiền đường Hùng Vương, ở phía đường Ông Ích Khiêm là khối nhà 3 tầng, còn lại 9 khu nhà phía sau là nhà cấp 4. Đến thời điểm hiện tại, tổng số hộ kinh doanh tại chợ là 2.011 hộ, trong đó có 1.711 hộ cố định và 300 hộ không cố định.
Theo ông Mai Phước Ba - Phó Giám đốc BQL các chợ Đà Nẵng, sau 35 năm đi vào hoạt động, chợ Cồn đã bắt đầu có dấu hiệu xuống cấp, hệ thống PCCC chắp vá, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, các công trình phụ trợ, không còn phù hợp và không đảm bảo hoạt động của chợ. Bên cạnh đó, quy hoạch ngành hàng không thống nhất, phân tán là nguyên nhân gây khó khăn trong việc tổ chức hoạt động kinh doanh, vệ sinh môi trường, xây dựng chợ an toàn thực phẩm, chợ văn minh thương mại. Ngoài ra, mật độ xây dựng công trình chợ quá lớn (chiếm 92%), thiếu diện tích đỗ xe và các dịch vụ phụ trợ khác khiến cho khu vực chợ thường xuyên ùn tắc về giao thông, hiện trạng mặt bằng bố trí kinh doanh có diện tích nhỏ không đáp ứng được nhu cầu của các tiểu thương.
"Tôi cho rằng, thực trạng xuống cấp của chợ Cồn là thực tế, đòi hỏi phải có sự nâng cấp hoặc xây dựng lại hoàn toàn nhằm phục vụ tốt hơn cho nền thương mại hiện đại, tương xứng với vị thế của một ngôi chợ trung tâm thành phố. Tuy nhiên, bởi nguyên thủy chợ Cồn là một khu chợ truyền thống với những nét đặc trưng khó pha lẫn với các trung tâm thương mại hiện đại. Chính vì vậy, nếu xây dựng lại chợ Cồn phải là một loại hình chợ truyền thống theo hướng văn minh hiện đại, đồng thời phù hợp với đại đa số ý kiến tán thành của các tiểu thương tại chợ Cồn", ông Ba cho hay.
Chợ Cồn là khu chợ bán sỉ lớn nhất tại Đà Nẵng. |
Đảm bảo tính truyền thống theo hướng văn minh, hiện đại
Bà Lê Thị Tức (64 tuổi) có thâm niên bán sỉ quần áo tại chợ Cồn từ năm 1975 đến nay. Sau khi nghe thông tin về việc xây lại chợ Cồn, bà cùng các tiểu thương ban đầu rất bất ngờ nhưng đều tán thành chủ trương này. Bà Tức cho biết: “Hiện nay, chợ Cồn bắt đầu xuống cấp, tôi cùng hầu hết các tiểu thương đều đồng ý với việc xây lại khu chợ này. Tuy nhiên, chúng tôi mong muốn, sau khi khu chợ này được xây xong phải do nhà nước quản lý. Bởi, khác với những nhà đầu tư tư nhân, khi được nhà nước quản lý, các mặt hàng luôn được bình ổn giá, phù hợp với cả người mua lẫn người bán. Đặc biệt, sau khi xây dựng xong, chúng tôi mong muốn giữ nguyên tên gọi chợ Cồn vì đây là tên gọi quen thuộc gắn liền với ký ức của không chỉ người dân Đà Nẵng mà còn cả người dân ở nhiều địa phương khác".
Bà Trần Thị Thơm (67 tuổi) kinh doanh bán sỉ mặt hàng bánh kẹo, tạp hóa hơn 45 năm nay cũng tán thành chủ trương xây mới lại chợ Cồn. Bà Thơm cho hay: "Chúng tôi rất hoan nghênh việc xây dựng lại chợ Cồn. Tuy nhiên, việc xây dựng lại khu chợ này phải đặc biệt giữ lại được những nét đặc trưng về văn hóa, lịch sử tại đây. Trong đó, chúng tôi mong muốn giữ lại được không gian ẩm thực truyền thống, nhất là khu kinh doanh các mặt hàng tươi sống như cá, thịt...".
Trước thực trạng ngày càng xuống cấp của chợ Cồn cũng như xuất phát từ nguyện vọng của tiểu thương, chính quyền Đà Nẵng đã tổ chức cuộc thi tuyển phương án kiến trúc xây dựng chợ Cồn mới. Theo thông tin từ Trung tâm Tư vấn kỹ thuật xây dựng (thuộc Sở Xây dựng Đà Nẵng, đơn vị được lựa chọn tổ chức cuộc thi), phương án kiến trúc quy hoạch chợ Cồn mới được điều chỉnh có diện tích 24.504m2, cao tối đa 8 tầng và có 2 tầng hầm. Trong đó, khu vực chợ truyền thống có tối đa 3 tầng; khu vực khai thác thương mại có tối đa 5 tầng; khu vực tầng hầm để xe phục vụ chợ và khai thác khu vực lân cận...
Sau khi cuộc thi được phát động, qua gần 2 tháng triển khai đề tài, Ban Tổ chức nhận được 21 phương án tham gia dự thi từ 19 đơn vị, trong đó có 2 đơn vị nước ngoài. Hội đồng tuyển chọn đã tiến hành sơ khảo và chọn ra 14 phương án đảm bảo các điều kiện theo quy chế, nhiệm vụ và các yêu cầu đề ra vào vòng trong để báo cáo trước Hội đồng. Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh tại chương trình nghe báo cáo ý tưởng thiết kế của các đơn vị vào vòng trong cho rằng, cuộc thi tuyển phương án kiến trúc chợ Cồn có nhiệm vụ chọn ra các phương án thiết kế có tính sáng tạo, đảm bảo tính truyền thống kết hợp theo hướng văn minh, hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển của hoạt động thương mại, dịch vụ và du lịch của thành phố. Trên cơ sở trình bày ý tưởng thiết kế của các đơn vị dự thi, Hội đồng tuyển chọn sẽ đánh giá, chấm điểm nhằm chọn ra phương án dự thi có chất lượng tốt nhất làm cơ sở trình UBND thành phố xem xét, quyết định triển khai vào thực tế.
Hy vọng rằng, sau khi cuộc thi tuyển phương án kiến trúc xây dựng chợ Cồn mới kết thúc, thành phố sẽ chọn ra được phương án tối ưu để xây dựng lại chợ theo hướng hiện đại nhưng vẫn giữ được bản sắc, truyền thống, thương hiệu của một ngôi chợ lâu đời và gắn bó với người dân Đà Nẵng qua nhiều thế hệ.
Ngọc Quốc