Cho đi là còn mãi...

Thứ ba, 11/06/2019 13:44

“Cuộc sống này còn quá nhiều hoàn cảnh éo le, những khó khăn, bất hạnh có thể khiến con người gục ngã. Bởi thế, với những gì có thể, tôi sẽ cho đi để gieo niềm tin yêu, mầm hy vọng", đó là tâm sự chân thành của chị Mậu Thị Thu Sương (1969, trú P. Hòa An, Q. Cẩm Lệ, Đà Nẵng). Với mong muốn giúp người, giúp đời, suốt nhiều năm qua chị Sương vẫn âm thầm làm thật nhiều việc thiện, hướng đến những lao động, sinh viên nghèo và  người già phải vất vả lao động mưu sinh.

Quán cơm của chị Sương được xem là quán "Búp phê" dành cho người nghèo.

Một trong những việc đầu tiên chị Sương làm vì người nghèo là mở quán cơm chay từ thiện. Thay vì xây dựng quán cơm "0 đồng" hay "2 nghìn đồng" thì chị Sương có cách làm khác. Quán cơm chay Hồng Minh của chị còn được biết đến là quán cơm "tùy hỷ". Giải thích về việc này, chị Sương cho hay: "Mục đích cuối cùng tôi muốn hướng đến vẫn là mang đến cho những lao động nghèo những bữa ăn ngon miệng, chất lượng và miễn phí. Bên cạnh đó, tôi vẫn muốn đặt thùng "tùy hỷ" để những ai có tấm lòng có thể đóng góp nhằm san sẻ cho những người nghèo khó, thiếu thốn hơn". Cũng theo chị Sương, "tùy hỷ" nghĩa là không bắt buộc. Đối tượng phục vụ của quán cơm cũng không giới hạn, ai cũng có thể đến ăn nên đối với những vị khách có điều kiện họ sẽ ủng hộ bằng cách bỏ vào thùng "tùy hỷ". Số tiền này chị Sương sẽ dành để thực hiện các chương trình từ thiện khác. Riêng đối với người nghèo, họ có thể bỏ 2 nghìn đồng, thậm chí tờ vé số hoặc ăn xong họ chỉ cần nói lời cảm ơn hay nở một nụ cười mãn nguyện là chị Sương đã cảm thấy ấm lòng.

Quán cơm "tùy hỷ" nằm trên đường Bùi Giáng (P. Hòa An) hoạt động gần 4 năm nay. Nhiều lao động nghèo, mưu sinh với nghề bán vé số, chạy xe ôm, thu mua ve chai... truyền tai nhau về địa chỉ này nên quán càng "nổi tiếng" hơn. Dù có đi đến đâu, đến bữa là họ lại trở về quán. Quán mở cả ngày, từ sáng đến tối mịt. Nhiều người gọi vui, đây là quán "búp phê" dành cho người nghèo. Bởi, quán có nhiều món gồm cơm, bún, mỳ... và mọi người được tự ý chọn món tùy thích. Tại quán có dán dòng chữ "ăn tùy ý, tiền tùy tâm" để nhắc mọi người cứ ăn uống thoải mái, khi nào no thì dừng lại. Điều đặc biệt nữa là khách tự lấy ăn và tự rửa chén bát để gọn gàng. "Khi vừa mới mở quán đã tấp nập khách. Không hiểu sao cứ nhìn những người lao động, những cụ ông, cụ bà ăn tôi lại thấy hạnh phúc vô cùng", chị Sương trải lòng.  Nhiều người xúc động trước hành động của chị Sương nên rất mến và xem chị như người thân trong gia đình. Có khi một ai đó về ăn trễ, tận 8 giờ đêm vì mải mê lao động, quán hết đồ ăn. Thế là chị Sương phải chạy đôn chạy đáo đi mua gói mỳ, gói phở về nấu cho họ ăn.

Chị Sương (ngoài cùng bên phải) luôn tìm mọi cách để hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo.

Từ ngày có khách đông, chị Sương thuê thêm người về phụ chị đứng bếp. Nguyên vật liệu nấu ăn do chính tay chị ra chợ lựa mua. Công việc của chị bắt đầu từ sáng sớm cho đến tối. "Hơi vất vả một tí nhưng bù lại rất vui. Từ khi quán mở cửa, nhiều lao động nghèo đã có thể tiết kiệm được phần nào chi phí gửi về quê cho bố mẹ già, cho con ăn học. Nhiều người biết quán còn đến gần thuê nhà trọ ở để tiện lui tới ăn uống. Ăn ở quán mọi người cũng rất yên tâm vì nguyên vật liệu do chính tay tôi chọn nên đảm bảo tươi, ngon, đầy đủ dinh dưỡng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm", chị Sương chia sẻ. Là một trong những "khách ruột" của quán, bà Ngô Thị Hằng (65 tuổi) bộc bạch: "Tôi không biết lời nào để nói hết niềm biết ơn trước tấm lòng của cô Sương. Cô ấy là người có tâm làm việc thiện, bao giờ cũng lo cho người nghèo. Dù biết kinh phí để duy trì những phần việc ấy là rất lớn nhưng cô Sương vẫn cố gắng, một mình cô lo chu toàn mọi việc. Với tôi, không nơi nào ấm áp tình người bằng về với quán cơm "tùy hỷ".

Ngoài việc thành lập quán cơm, chị Sương còn thường xuyên tổ chức các hoạt động thiện nguyện, thăm, tặng quà cho người dân ở các vùng cao Quảng Nam, Đà Nẵng... Bên cạnh, chị còn nhận nuôi những sinh viên khó khăn, lo nơi ăn, chốn ở. Hiện nay, vì lý do sức khỏe nên chị Sương tạm đóng cửa quán cơm vài ngày. Tuy nhiên, lòng chị lại "nóng ran" vì lo cho người nghèo sẽ không có nơi ăn uống, nghỉ ngơi. Chồng chị anh Thiều Đình Cúc cũng đồng cảm với vợ. Hai vợ chồng chị Sương mong muốn sẽ tìm được người có tấm lòng, thích làm việc thiện nhằm kết nối, hỗ trợ cùng vợ chồng chị, tiếp tục mở cửa quán "tùy hỷ" đón khách, gieo yêu thương...

T.D