Chợ hoa, chợ sức người

Thứ năm, 23/01/2014 11:00

(Cadn.com.vn) - Chợ hoa Tết Giáp Ngọ tại Đà Nẵng bắt đầu vào vụ. Quảng trường 29-3 sôi động với đủ loại hoa, cây cảnh rực rỡ từ khắp các vựa hoa tập kết về. Ngoài những người kinh doanh đến thời điểm thu hoạch sau ròng rã mấy tháng trời chăm sóc, đây cũng là thời điểm làm ăn của những “người vận chuyển”. Nếu chủ hoa, “đầu nậu” kiếm bộn tiền từ hoa đẹp, cây kiểng “độc” thì hàng trăm lao động phổ thông cũng có dịp “ăn theo” với thu nhập kha khá bằng việc chở hoa thuê.

Do thời tiết bất thường, mai năm nay nở muộn khiến khách hàng có ít lựa chọn.

CHỢ HOA PHONG PHÚ

Thời tiết khắc nghiệt trong năm khiến những người trồng hoa, cây cảnh miền Trung gặp rất nhiều khó khăn trong việc chăm sóc cũng như “chỉnh nhịp” cho hoa, quả đẹp nhất vào dịp Tết Nguyên đán.

Theo anh Thu (trú P. Hòa Thọ Tây, Q. Cẩm Lệ, Đà Nẵng) chủ một tiệm cúc tại chợ hoa, mưa bão liên tục cộng với đợt lạnh kéo dài khiến việc chăm bẵm, sưởi, bón nát cả tay. “Chậu cúc thấp nhất giá 100 nghìn đồng, cao hơn thì 300 nghìn đồng, còn loại tuyển lên đến 1 triệu đồng/chậu. Giá nào cũng có”, anh Thu cho hay. Trong khi đó, chính cái “chướng” của thời tiết khiến cho thị trường mai trở nên hiếm, ngay cả nguồn cung truyền thống như Hội An cũng không có nhiều.

Chị Thúy Vân (quê Thăng Bình, Quảng Nam) chia sẻ: “Mọi năm thì tôi lấy mai ở Cẩm Hà, Hội An về bán, năm nay bão lũ nhiều, để đảm bảo nguồn cung và chất lượng, tôi phải nhập mai Bình Định. Giá bán hiện thấp nhất là 500 - 700 nghìn đồng/chậu, vừa vừa thì 2-3 triệu đồng. Mai tuyển nở đều và thế độc thì có gốc lên tới 20 triệu đồng”. Dự báo về sức mua mai năm nay, ông Nguyễn Tư (quê Cẩm Hà, Hội An) nhận định: “Những chậu bị ảnh hưởng mưa bão, trổ không đều, cành bị cùn thì bán cầm chừng. Còn mai đẹp thì không sợ rớt giá. Cũng có thể nguồn cung khan hiếm sẽ khiến mai được giá”.

Trong khi đó, quất năm nay chủ yếu được cung cấp từ Hội An, số lượng không thiếu nhưng chất lượng lại không được nổi trội. Giá dao động 1-4 triệu đồng/chậu. Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm nay có một bộ phận người chơi cây cảnh hướng sang chọn lựa tùng, linh sam với giá từ vài triệu đến vài chục triệu đồng/cây. Ngoài ra, cúc mâm xôi, păng-xê, hồng, ngọc lan... cũng được người dân chọn mua trong dịp Tết này với giá dao động 100 - 300 nghìn đồng/chậu.

 Vận chuyển quất từ Hội An về chợ hoa Tết Đà Nẵng.

CHỢ SỨC NGƯỜI TẤT BẬT

Khi chợ hoa xuân bắt đầu, nhiều chuyến xe chuyển hoa từ khắp các tỉnh, thành phố cả nước tập kết tại Đà Nẵng cũng là lúc những người lao động phổ thông tìm đến địa chỉ này để nhận công việc bốc vác, kiếm thêm thu nhập về ăn Tết cùng gia đình.

Nhìn chung, ở đây một ngày trung bình có khoảng hơn 60 lao động, là dân sinh sống ở Đà Nẵng và Quảng Nam. Đang cẩn trọng đặt chậu mai lên xe, anh Trần Văn Tiến (quê Túy Loan, Hòa Vang) chia sẻ: “Hơn 10 năm qua, cứ mỗi dịp Tết, tôi lại đến đây nhận chở hoa. Tùy quãng đường, mỗi chuyến người ta trả công 50 - 100 nghìn đồng. Siêng năng và gặp may tí thì mỗi ngày cũng kiếm được mấy trăm bạc, có tiền sắm sang trong nhà”.

Anh Tiến kể, nhìn có vẻ đơn giản chứ nghề chở hoa không làm ào ào được mà đòi hỏi phải có kỹ thuật, kinh nghiệm. Va chạm với người đi đường cũng sinh chuyện, mà sứt mẻ chậu hoa, gãy cành, rụng quả cũng “ăn đòn”, không được trả công đã đành, có khi người ta còn bắt đền. “Hồi đầu mới đi làm, tôi nhận chở hoa từ Cẩm Hà về Đà Nẵng, giữa đường TNGT, chậu mai bị bể, đưa đến điểm hẹn thì bị ông chủ quạt cho một trận rồi trừ vào tiền công” - anh Võ Văn Tâm (quê Quảng Nam) thổ lộ.

Thường thì những “người vận chuyển” hằng ngày cũng chạy xe ôm, thồ vật liệu xây dựng, đến khi vào vụ hoa Tết thì sắp xếp để chuyển đổi ngành nghề trong khoảng thời gian độ nửa tháng. Theo anh Hoàng - hành nghề xe ôm tại Q. Cẩm Lệ, chỉ cần trang bị thêm một cái yên gỗ là có thể hành nghề giữa chợ hoa. Tuy nhiên, không phải đơn giản để tìm được “công ăn việc làm” khi mà nguồn cung tại đây rất nhiều. Phải biết “buôn có bạn, bán có phường” và phân công lao động hẳn hoi.

Nghề vận chuyển hoa, cây cảnh ngày Tết cũng có đặc thù riêng, nhưng cơ bản thì có hai khâu: Tập kết hoa từ các vườn, các làng hoa về chợ cho “đầu nậu” và từ chợ về nhà khách hàng. Chỉ có một số ít người kiếm mối chở đơn lẻ, còn lại hầu hết mỗi khu vực kinh doanh, các lao động được phân thành từng tổ, nhóm đảm trách nhiệm vụ khác nhau, Ông Nguyễn Minh Chanh (36 tuổi) có 10 năm trong nghề cho biết: “Ở đây có khoảng 20 tổ đảm nhận nhiều nhiệm vụ khác nhau. Người thì được ông chủ phân công chở hoa về cho khách, người nhận nhiệm vụ bốc dỡ hàng. Vất vả, nhưng nếu thuận lợi, ngày cao điểm có thể kiếm tiền triệu”.

Theo ông Nguyễn Thanh Thành (trú P. Hòa Cường Bắc, Q. Hải Châu), một ngày ông và mọi người trong tổ có thể điều tiết được rất nhiều chuyến xe tải chở mai. Nếu gặp khách sộp hoặc nhiều khách hàng cùng nằm trên một tuyến hành trình thuận lợi thì mỗi chuyến cũng kiếm được dăm bảy trăm nghìn đồng, chia ra mỗi người cũng được kha khá. “Không chỉ phải có sức khỏe, làm nghề này còn đòi hỏi sự khéo léo. Chậm thì mất bạn hàng, làm hỏng thì phải đền méo mặt”, ông Thành tâm sự.

Đã có một số năm chợ hoa xảy ra “tranh chấp lao động”, phá giá, chém giá… nhưng dần dần, khi được tổ chức chuyên nghiệp thành tổ đội, hoạt động của những “người vận chuyển” đã chuyên nghiệp hơn và góp phần tạo nên không khí Tết rực rỡ từ chợ hoa đi qua từng con phố về đến từng ngôi nhà.

Tại cuộc họp triển khai Chợ hoa Tết và Hội hoa Xuân mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng làm tốt công tác kiểm tra, đảm bảo ANTT, không để xảy ra việc chặt chém, ép, hăm dọa khách hàng mua hoa, cây cảnh, để chợ hoa Tết trở thành một điểm đến hấp dẫn, tạo đặc trưng riêng cho Đà Nẵng.

Việt Thành - Tấn Việt