Chợ sạch - nhu cầu cấp thiết

Thứ ba, 05/06/2018 13:31

Hơn 80% nguồn thực phẩm cung cấp cho người tiêu dùng từ các chợ. Chợ còn là nét văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Thế nhưng, hầu hết các chợ truyền thống hiện nay đang xuống cấp trầm trọng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Đà Nẵng có khoảng 70 chợ truyền thống, nhưng các chợ này xây dựng đã lâu, cơ sở hạ tầng không bảo đảm điều kiện kinh doanh thực phẩm theo tiêu chuẩn hiện nay, đang báo động đỏ nguy cơ cao mất VSATTP. Vì vậy, chợ sạch đang là đòi hỏi, là yêu cầu cấp bách của TP.

Chế biến thủy hải sản ngay trên nền chợ nhầy nhụa, cáu bẩn.

Nguy cơ mất VSATTP từ chợ

Cáu bẩn, lộn xộn, nhếch nhác, cũ kỹ, hệ thống nước thải hư hỏng, ứ đọng, bốc mùi hôi thối… là thực trạng chung của nhiều chợ ở TP Đà Nẵng hiện nay.

Tại khu vực kinh doanh thực phẩm của một số chợ  lớn trên địa bàn Đà Nẵng như chợ Thanh Khê, Hòa Khánh… dù đã được cải tạo, nâng cấp, nhưng vẫn ẩm thấp, cáu bẩn và bốc mùi. Khu bán hàng thủy sản tươi sống, tôm, cá kê tạm  bợ trên những thau, chậu đặt sát nền chợ lênh láng nước, cạnh những rãnh nước đen ngòm, bốc mùi tanh nồng, hôi thối. Nhiều người bán hàng còn sơ chế thực phẩm ngay trên nền chợ nhầy nhụa… Tại chợ An Hải Bắc, nước thải nhiều khi thoát không kịp ứ đọng, gây mùi khó chịu; người bán rau trải vội cái bao cát cũng cáu bẩn ngay trên nền chợ bẩn ướt để bán rau… 

Một ghi nhận chung của phần lớn các chợ ở Đà Nẵng đó là việc bố trí các quầy hàng trong chợ khá lộn xộn, tiềm ẩn nguy cơ lây chéo vi sinh vật. Thịt sống bày bán chung với nem chả chín. Hàng thịt, thủy sản tươi sống sát cạnh hàng rau củ quả. Xen giữa hàng bán gia vị, rau sống, xà phòng, nước rửa chén, nước lau nhà là bún mì khô, đậu các loại… càng làm tăng nguy cơ cao mất VSATTP. Ngoài ra, các thực phẩm đã qua chế biến không đóng bao gói, thiếu thông tin về nguồn gốc xuất xứ, thời hạn sử dụng… được bày bán tràn lan tại các chợ. Mặt hàng rau củ quả nhập vào các chợ tuy đã được quản lý chặt chẽ, nhưng qua kiểm tra vẫn phát hiện một số mẫu có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Phần lớn tại các chợ trên địa bàn Đà Nẵng, người bán hàng thường dùng thùng chứa sơn, thùng chứa hóa chất đã qua sử dụng để đựng đậu khuôn, măng, dưa cải muối… rất nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng.

"Ngày nào cũng đi chợ, tôi phải công nhận đúng là bẩn như… chợ. Cho dù thực phẩm có được nuôi trồng sạch, mà đến chợ bày bán, bảo quản trong môi trường bẩn như vậy thì thực phẩm cũng bẩn. Song, không đi chợ thì không được. Ở siêu thị sạch hơn, nhưng giá cao gấp mấy lần, chưa kể có nhiều mặt hàng chỉ ở chợ mới có, nên đa số người Việt Nam vẫn đi chợ. Song, mỗi lần đi chợ là một lần lo. Chưa nói đến nỗi lo hóa chất độc hại mắt thường không thấy được, mà ngay cả những điều nhìn thấy hằng ngày mỗi khi đi chợ là quá bẩn. Bẩn nên không VSATTP. Kết quả mà báo chí thông tin ở Đà Nẵng, qua kiểm tra vi sinh từ 40 mẫu thịt lấy ngẫu nhiên tại các chợ trên địa bàn thì có đến 40% số mẫu bị nhiễm vi sinh vật, chủ yếu là echoli, thật đáng lo ngại. Đà Nẵng là thành phố đáng sống, thì chợ phải văn minh, phải sạch", một bà nội trợ lo lắng.

Bún, mì, đậu… được để chung với hóa chất tẩy rửa, xà phòng.

Chợ sạch - nhu cầu cấp thiết

Hiện nay, 80% nguồn thực phẩm cung cấp cho người tiêu dùng là từ các chợ, vì vậy chợ sạch là nhu cầu tất yếu và cấp thiết của cuộc sống hiện nay. Đà Nẵng hiện có 70 chợ truyền thống, trong đó 5 chợ do thành phố quản lý, còn lại do các quận, huyện, xã, phường quản lý.  Song, qua kiểm tra thực tế cho thấy, hầu hết các chợ được xây dựng từ lâu, cơ sở hạ tầng không đảm bảo các điều kiện về VSATTP. Những năm qua, một số chợ đã được đầu tư sửa chữa, nâng cấp nhưng vẫn chưa đạt chuẩn về VSATTP.

Theo ông Nguyễn Tứ - Phó trưởng Ban Quản lý ATTP TP Đà Nẵng, để giải quyết tình trạng mất VSATTP ở các chợ, cần phải có những giải pháp bền vững. Trong đó, nên tập trung đầu tư xây dựng chợ đầu mối nông sản mới tại 2 xã Hòa Châu và Hòa Phước, H. Hòa Vang, vì hiện nay chợ đầu mối Hòa Cường không đáp ứng được các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định hiện hành về đảm bảo ATTP của chợ đầu mối nông sản. "Chúng tôi đã tham mưu UBND TP Đà Nẵng xem xét việc đầu tư xây dựng các chợ đạt chuẩn về ATTP. Chợ ATTP phải đảm bảo điều kiện về đầu tư cơ sở vật chất và phần mềm (gồm tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức cho hộ kinh doanh, tổ chức sắp xếp quầy hàng, điều kiện kinh doanh của các quầy hàng, sản phẩm đưa vào quầy hàng phải có hồ sơ về nguồn gốc…). Về phần mềm, có thể triển khai ngay. Còn đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất thì cần kinh phí. Chợ trên địa bàn TP xây dựng đã lâu nên phải cải tạo cho phù hợp theo lộ trình. Chúng tôi đã họp các Ban quản lý chợ đánh giá hiện trạng, xây dựng kế hoạch đảm bảo các tiêu chí về ATTP để trình UBND TP Đà Nẵng", ông Nguyễn Tứ cho biết.

Nhiều năm qua, Đà Nẵng đã nỗ lực và tạo được sự chuyển biến tích cực trong đảm bảo VSATTP từ trang trại đến bàn ăn, thực hiện "Thành phố 4 an". Cũng đã có một số ít chợ, như chợ Cẩm Lệ được quan tâm, đầu tư xây dựng chợ văn minh, ATTP. Ghi nhận của chúng tôi, chợ Cẩm Lệ văn minh, sạch sẽ, các quầy hàng được bố trí hợp lý. Được biết, trong thời gian tới, Chợ Cẩm Lệ và các chợ trên địa bàn Cẩm Lệ tiếp tục được lãnh đạo quận quan tâm đầu tư, nâng cao, đạt chuẩn mới về chợ ATTP.

Nhu cầu về ATTP là đòi hỏi tất yếu của cuộc sống hiện đại, là điều không thể thiếu đối với TP đáng sống như Đà Nẵng. Song, chợ bẩn đang báo động nguy cơ cao về thực phẩm không an toàn, ảnh hưởng đến "Chương trình TP 4 an". Do đó, việc xây dựng các chợ sạch, chợ văn minh, ATTP cần sớm được triển khai.

HỒNG NHẬT