Cho sự sống nối dài...

Thứ năm, 09/03/2017 11:04

(Cadn.com.vn) - Người Việt Nam vốn có quan niệm khi chết đi phải được "mồ yên mả đẹp" mới trọn vẹn một kiếp người. Vì vậy, nhiều người cho rằng những người tình nguyện hiến xác cho y học khi qua đời được xem là "không bình thường". Và tôi cũng đã có dịp tiếp xúc với một người "không bình thường" như thế, đó là anh Nguyễn Văn Hồ Thanh Toàn (1953, trú K610- Tôn Đản, P.Hòa Phát, Cẩm Lệ, Đà Nẵng), người lặng lẽ tình nguyện hiến thân thể mình cho y học khi qua đời...

Anh Nguyễn Văn Hồ Thanh Toàn chia sẻ câu chuyện cuộc đời mình.

Quen biết anh đã lâu nhưng mỗi lần có nhã ý viết về anh, tôi đều bị từ chối. Anh cho rằng những gì anh đã và đang làm chỉ là... chuyện bình thường và hơn nữa anh cũng chỉ là người bình thường nên không muốn nói về mình. Có thể anh nói đúng khi anh là người bình thường nhưng suy nghĩ và những việc anh làm lại không như thế. Sau khi nhận lời chia sẻ câu chuyện về cuộc đời và quyết định hiến xác khi qua đời của mình anh chỉ nhắn nhủ "Tôi chỉ mong sẽ có thêm người nào đó có chung suy nghĩ như mình mà thôi"... Chuyện của anh bắt đầu từ những ngày còn sinh sống tại TP Hồ Chí Minh. Thời đó, anh sống bằng nghề biểu diễn xiếc. Như mối nhân duyên, khoảng năm 1992-1993, tình cờ anh đọc được một bài báo nói về việc hiến thi hài cho y học của nhà báo Thanh Hà. Ngay sau đó, anh nhờ tác giả bài viết giới thiệu cho anh đến trường Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh. Trong lần đến đầu tiên này, anh đã gặp Giáo sư Ngô Quang Quyền và sau cuộc gặp gỡ trò chuyện ấy anh đã củng cố thêm niềm tin và quyết định...hiến thi hài cho y học. "Khi tôi đến Trường ĐH Y dược TP Hồ Chí Minh tận mắt nhìn thấy những thi thể đang được sử dụng để nghiên cứu phục vụ cho công tác dạy và học nơi đây quá "nghèo". Phần lớn là những thi thể bị tai nạn hoặc qua đời mà không có người thân nhận... nhà trường mới có điều kiện sử dụng để phục vụ công tác chuyên môn. Nói chung là ít có tiêu bản thật cho sinh viên thực tập. Tôi nghĩ, y học có phát triển, tương lai nhiều bệnh được chữa khỏi hay không thì các em sinh viên, các giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ cần phải được nghiên cứu bệnh, chữa bệnh dựa trên tiêu bản thật mới hiệu quả. Không chỉ vậy, tôi nghĩ mình "cho đi" thân thể của mình thì sau này đến đời con đời cháu  sẽ được "hưởng" những gì hiện đại, tân tiến nhất của nền y học, hay nói cách khác con cháu mình sẽ được cứu chữa đúng bệnh..."-anh Toàn nói .

Giấy chứng nhận hiến thi hài của anh Nguyễn Văn Hồ Thanh Toàn.

Anh Toàn cho biết thêm, thời điểm anh quyết định hiến xác trong gia đình không một ai hay biết, chỉ sau khi làm xong thủ tục, anh mới thông báo cho gia đình. "Khỏi phải nói, vợ con khóc như mưa như gió, cho rằng  "đầu óc anh không được bình thường" rồi khuyên anh suy nghĩ lại và hủy bỏ quyết định điên rồ này đi. Thậm chí vợ còn "chiến tranh lạnh", thời điểm đó không khí gia đình nặng nề lắm...", anh Toàn tâm sự. Anh phải tỉ tê thuyết phục, dần dà đã làm cho vợ con từ chỗ đối lập quan điểm nay đồng thuận hoàn toàn. Điều đáng nói hơn, chính những tâm tư nguyện vọng của anh không những lấy đi nước mắt của những người con trong gia đình mà còn thổi bùng lên ngọn lửa "sống vì mọi người". Nay, hai người con gái của anh là Nguyễn Thị Hoài Trinh (1974) và Nguyễn Thị Trúc Linh (1977) cũng đã tự nguyện hiến xác cho y học. "Tôi vui vì con tôi hiểu được giá trị của cuộc đời cả khi sự sống bắt đầu hay khi kết thúc. Chết là hết nếu như chỉ dừng lại ở đó, nhưng sẽ vẫn còn đó nếu ta biết sẻ chia những gì còn lại cho đến tận cùng. Với tôi và gia đình, đó là một niềm vui khi được cho đi...", anh Toàn chia sẻ. Được biết, anh Toàn là người đầu tiên đăng ký hiến xác cho Trường Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh. Hàng năm cứ đến ngày 23 tháng Chạp, anh và hai con gái lại nhận được giấy mời  của Trường đến làm lễ Makabê (thắp hương cho những người đã hiến xác tại trường). Qua tìm hiểu được biết, sau khi thi hài được hiến, các bộ phận trên cơ thể sẽ được sử dụng cho việc nghiên cứu, giảng dạy... cho đến khi không còn sử dụng được thì nhà trường sẽ thông báo cho gia đình làm lễ hỏa thiêu...

Con người khi chết sẽ hóa thành cát bụi, nhưng nếu có chung suy nghĩ như anh Toàn thì một khi sự sống kết thúc- cơ thể vẫn có thể phụng sự cho cuộc sống thì đó là sự nối dài cho sự sống tương lai. Chia tay anh Toàn, tôi vẫn nhớ mãi câu nói của anh "tôi hy vọng khi một ai đó đọc bài báo này cũng sẽ có quyết định như tôi trước đây"- đó cũng chính là lý do anh đồng ý chia sẻ câu chuyện cuộc đời mình và mong rằng sẽ có thêm nhiều người tình nguyện hiến xác như anh, để sự sống được nối tiếp mãi mãi...

Trang Trần