Chợ Tết ngày xưa

Thứ bảy, 21/01/2023 23:29
Chợ Tết bao giờ cũng là một sinh hoạt lôi cuốn, đầy màu sắc trong đời sống văn hóa - xã hội của nhân dân ta ngày xưa.
Trải nghiệm gói bánh tết lưu giữ những hồi ức Tết xưa.
Tái hiện chợ Tết tại Furama Đà Nẵng.

Chợ ngày thường đã đông, chợ Tết lại càng đông vui, rộn rã và tấp nập hơn. Bởi vì chợ Tết không chỉ là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa, mà những chợ Tết ngày xưa, trong sinh hoạt nông nghiệp cổ truyền của dân tộc ta, còn là nơi giao lưu tình cảm, thăm hỏi bạn bè, thân quyến, thông báo tình hình gia đình, cảnh sống, của những người thân lâu lâu mới có dịp gặp nhau. Điều này lại càng thể hiện rõ rệt hơn ở những chợ miền núi, với những điệu “sli”, “lượn” của người Tày, Nùng vùng Tây Bắc, hay những điệu hát lý, hát giao duyên của đồng bào thiểu số trên dãy Trường Sơn như ở Thừa Thiên - Huế, các dân tộc Cơ Tu, Vân Kiều... vẫn lưu giữ những nghệ thuật truyền thống này.

Chợ Tết ngày xưa ở nông thôn thường họp nơi bến sông, đầu hay cuối làng, trên bãi rộng, dưới những tàng cây đầy bóng mát. “Trên bến dưới thuyền. Chợ vì thế mà gọi là chợ búa” (1). Chợ Tết miền quê là bức tranh nhiều màu sắc trong thơ Đoàn Văn Cừ, với “những thằng cu áo đỏ chạy lon xon”, mà mỗi khi nhắc đến những người thuộc thế hệ chúng tôi còn như gặp lại hình ảnh của chính mình.

Cây nêu, tràng pháo…

Chợ Xuân, đặc biệt có những chợ mỗi năm chỉ họp một lần. Đấy là chợ “phong lưu” miền núi đá Hà Giang: “Chợ mỗi năm chỉ họp một lần vào cuối mùa xuân. Chợ không trao đổi hàng hóa mà là nơi giao lưu tình cảm nam nữ công khai và có ước hẹn. Chợ chỉ bán quà bánh ngon và một số mặt hàng dùng làm tặng phẩm, như khăn tay, chỉ thêu, gương lược, nhẫn, vòng... Hôm ấy, người ta phải ăn mặc đẹp nhất, trang phục đúng kiểu nhất... Họ rủ nhau nói chuyện hoặc tổ chức hát ống, thăm hỏi, trao duyên. Quá trưa sang chiều, tình cảm càng nồng nàn vì giờ trao tặng phẩm và chia tay đã tới. Người ta lại hẹn mùa Xuân sang năm…”.

Ở một số địa phương, trước đây, vào ngày đầu năm có tổ chức những phiên chợ Tết tượng trưng để cho mọi người đi chợ với ý nghĩa giũ cho hết mọi xúi quẩy, dại dột của năm cũ, và mua cái may mắn, cái hanh thông, đón cái hạnh phúc, cái khôn ngoan của năm mới. Trong những phiên chợ đặc biệt ấy, mỗi người mang một thứ hàng, bất kỳ là thứ gì, nhiều hay ít, cố bán cho được, coi như phải bán cho được cái dại của năm cũ đi. Còn với người mua thì những gì mua được cũng đều được coi là cái may mắn. Từ Nghệ Tĩnh trở vào Nam, Ngãi, Bình, Phú, ngày xưa cũng có tục tương tự. “Vào đúng sáng mồng Một, mang một vài món lặt vặt ra bán, không cần lấy lãi. Lạ hơn, từ mờ sáng mồng Một đã có người đi rao: “Ai mua dại không?”, và không cần có người trả lời” (1). “Đây là khía cạnh ngây thơ, hồn nhiên, nhưng không kém phần cảm động của tín ngưỡng dân gian xưa” (2).

Một trong những phiên chợ Tết đặc biệt là chợ Đồng ở làng quê văn vật Yên Đỗ của nhà thơ Nguyễn Khuyến. Sở dĩ gọi là chợ Đồng vì cứ đến ngày 24 tháng Chạp (âm lịch) mỗi năm, cư dân địa phương và các vùng lân cận lại họp chợ trên cánh đồng làng Yên Đỗ. Chợ Đồng họp mỗi năm chỉ một phiên, mục đích để bày tỏ lòng biết ơn đối với tiền nhân. Vì thế, chợ không coi mua bán là mục đích chính, mà chỉ là dịp để tập họp đón xuân và tưởng nhớ tổ tiên. Có một vài tục lệ rất hay trong phiên chợ đặc biệt này. Chẳng hạn, ngay tại ngôi đình gần cánh đồng họp chợ, có một cuộc thi thơ. Các vị khoa bảng trong vùng làm giám khảo. Ai đoạt giải sẽ được trao tặng phần thưởng rất hậu, và được mời nếm rượu ở Tường Đền cùng các vị bô lão, nhằm chọn loại rượu ngon nhất để dâng cúng tổ tiên trong ngày Tết. Sinh thời, Nguyễn Khuyến có một câu thơ về chợ Đồng: “Tháng chạp, hai mươi bốn, chợ Đồng/ Năm nay chợ họp có đông không?”.

Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ.

Chợ Đồng ở huyện Bình Lục, còn ở huyện Vụ Bản có chợ Viềng, cũng là một phiên chợ đặc biệt rất nổi tiếng, nhưng lại họp sau ngày Tết, vào mồng 8 tháng Giêng. Mỗi năm chợ chỉ họp một lần và coi đây là dịp vui xuân, gái trai hẹn hò, giao duyên trong dịp đầu năm. Người bán và người mua hàng đều quan niệm rằng việc bán, mua chỉ là tìm điều hên, cái may, chứ không màng chuyện lời lãi: …“Bước sang mồng tám đi chơi chợ Viềng/Chợ Viềng một năm mới có một phiên/Cái nón em đội cũng tiền anh mua…”.

Ở Thái Bình thì có chợ Tiên của làng Thanh Hương (huyện Vũ Thư). Chợ Tiên (còn gọi là chợ Ma) không chỉ đặc biệt vì một năm mới họp một lần, mà còn có mục đích nhằm giúp cho người “cõi âm” có dịp đi chợ, để gặp lại con cháu. Chợ họp vào ban đêm. Người bán hàng đặt một chậu nước trước mặt để nhận tiền. Người sống tiêu tiền đồng, người “cõi âm” tiêu tiền giấy. Tiền đồng chìm xuống đáy chậu, tiền giấy nổi trên mặt nước. Ca dao Thái Bình có câu “Một năm chỉ có một phiên/Rủ nhau đi đến chợ Tiên Thư Trì”. Thật ra, phiên chợ chỉ là một cách bày tỏ lòng biết ơn, tưởng nhớ đối với tổ tiên và những người thân đã qua đời.

Ở Thái Bình còn có phiên chợ Giếng cũng rất nổi tiếng. Chợ Giếng họp ở làng Trình Phổ (huyện Tiền Hải), vào sáng mồng Một Tết. Người ta đến chợ để vui chơi, để lấy may, để tìm hiểu về “Trình Phổ văn vật chi địa” Ở cạnh chợ là đình Sành (được làm với những bức tường gắn toàn bình sành do dân làng hiến), trong sân đình có hát ả đào, đánh tổ tôm, cờ tướng, vật võ… Buổi tối, trên khu đất họp chợ Giếng có cuộc thi đèn trời, nghĩa là những chiếc lồng đèn thả bay lên trời; nhà nào có đèn bay cao nhất mà không tắt thì đoạt giải.

Không gian chợ Tết Hội An.

Ở Huế, chợ Gia Lạc là một phiên chợ “cầu may” nổi tiếng, vì chợ họp vào ngày mồng một Tết. Chợ tập hợp rất đông người, đủ cả nam nữ mọi lứa tuổi. Đây là nơi tập trung của nhiều tuyến đường giáp ranh các làng Nam Phổ, Dương Nỗ, Ngọc Anh, Lại Thế… Chợ Gia Lạc, tương truyền là do Định Viễn công Nguyễn Phúc Bình - con thứ tư của vua Gia Long - lập ra, nhằm mục đích tạo chỗ vui chơi, giải trí ngày xuân cho nhân dân kinh thành Huế và các vùng phụ cận. Trong khu vực chợ cũng là nơi tổ chức hội bài chòi, đá gà hay các trò chơi khác. Khách vui xuân đến chợ Gia Lạc có thể thử thời vận đầu năm bằng một ván bài chòi, chỉ cốt lấy vui, lấy việc “cầu may” trong không khí ngày Xuân ấm áp. Vì thế, mọi người đều ăn mặc sang trọng, đẹp đẽ. Những đôi trai gái đến đây để tìm không khí vui vẻ, chan hòa; các em nhỏ đến chợ để được mua, hay đúng hơn là để được mua cho, một món đồ chơi dân gian như con gà đất, ông Trạng cưỡi ngựa được làm bằng bột, hoặc cái kèn lá, cái chong chóng bằng giấy ngũ sắc, con heo đất mập ú dùng để bỏ tiền lì xì…

Không nổi tiếng như chợ Gia Lạc, nhưng ở miền trung du Quảng Nam cũng có một phiên chợ “cầu may” đặc biệt, được tổ chức vào ngày mồng ba Tết. Đó là chợ “cầu may” ở Quế Trung (Quế Sơn). Nếu chợ Gia Lạc có nhiều hàng hóa để mua “cầu may”, thì ở chợ Quế Trung lại chỉ có duy nhất một món hàng được bày bán, và bán với giá đắt mà vẫn tấp nập người mua, là những con cá mương.

Cá mương là loại cá có thân dài, thường sống dọc theo hai bên bờ sông, đi theo từng đàn. Cá mương có màu trắng bạc, thịt cá không ngon, nhưng lại được ưa chuộng trong buổi chợ “cầu may” vào ngày Tết, vì cư dân ven sông Thu Bồn vốn quen với nếp suy nghĩ “Mương may, Chày rủi”, nghĩa là con cá mương tượng trưng cho sự may mắn, còn con cá chày là biểu hiện của những điều rủi ro.

Trải nghiệm gói bánh tết lưu giữ những hồi ức Tết xưa.

Nhưng tại sao con cá mương lại tượng trưng cho sự may mắn?

Theo một số cụ già ở Quế Sơn thì niềm tin bắt nguồn từ một truyền thuyết dân gian: Khi chứng kiến những tai nạn của ngư dân và người đi biển, đi sông gặp cơn sóng to gió dữ, Phật bà Quan Âm đã xé chiếc áo cà sa của mình ném xuống biển. Cá Ông (cá Voi) được tạo nên từ mảnh vải áo lớn nhất. Cá Ông có bộ xương đặc biệt có phép “thâu đường” (rút ngắn khoảng cách trên biển), do đó được Phật Quan Âm giao cho nhiệm vụ tìm cứu những người mắc nạn giữa biển khơi. Một mảnh nhỏ của chiếc áo cà sa do Phật bà ném ra, theo cơn gió cuốn, bay vào trong đất liền, rơi xuống ở thượng nguồn sông Thu Bồn, tạo thành con cá mương… Từ truyền thuyết đó, dân cư vùng thượng nguồn sông Thu Bồn tin rằng con cá mương đem lại điều may mắn. Chúng được cư dân địa phương tranh nhau mua để làm vật cúng trong lễ “tiễn ông bà” vào trưa mồng Ba Tết.

Những phiên chợ Tết đặc biệt, độc đáo ấy biểu hiện sự hồn nhiên, ham sống, yêu đời của người nông dân ngày xưa; là nét đẹp ngày xuân trong tâm thức văn hóa dân gian, là dịp để người dân quê được tận hưởng niềm vui trong hội xuân, ngày Tết.

Nhớ về những phiên chợ Tết ngày xưa, tôi không bao giờ quên được hình ảnh của ông nội tôi, nghiêm nghị nhưng hiền hòa. Một ngày cuối năm dẫn tôi đi chợ Tết, mua cho tôi một con gà trống bằng đất sét, tô màu rực rỡ, thú vị nhất là có thể thổi như một chiếc kèn. Để trên đường làng lúc trở về, tôi vừa nhảy chân sáo theo ông, vừa say sưa thổi. Cái tiếng kêu “toe, toe” vui tai, vang lên trong ánh nắng vàng êm dịu, mãi mãi vẫn còn đọng lại trong tâm hồn tôi như một kỷ niệm đằm thắm, tuyệt vời của tuổi thơ thần tiên ở chốn quê nhà.

TẦN HOÀI DẠ VŨ