Chổi đót Đại An “bện” những tấm lòng

Thứ hai, 26/08/2019 10:32

Nhóm sản xuất chổi đót của Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin và người khuyết tật xã Đại An (H. Đại Lộc, Quảng Nam) hoạt động mới gần 5 năm nhưng đã là địa chỉ tin cậy kết nối tình thương giữa các tấm lòng.

Các thành viên Hướng Thiện Đà Nẵng, tặng quà cho nhóm sản xuất chổi đót Đại An.

Đại An, nơi hai con sông Thu Bồn, Vu Gia gặp nhau, trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là hành lang vận chuyển lương thực, vũ khí của vùng A Đại Lộc. Vì thế địch tập trung đánh phá ác liệt, rải chất độc da cam tần suất dày đặc. Di chứng tàn khốc để lại ảnh hưởng đến cả thế hệ thứ ba sinh ra trên miền đất này. Người bị nhiễm chất độc da cam của xã lên đến hàng trăm. Một số không thể lao động nặng nhọc, tham gia đồng áng, chỉ biết sống dựa vào gia đình và số tiến hỗ trợ ít ỏi của Nhà nước. Đời sống của các nạn nhân vô cùng khó khăn, đó là chưa kể tâm tư tình cảm hạn chế do thiếu sự kết nối cộng đồng và giao tiếp xã hội.

Ông Nguyễn Thế Sáu, phụ trách cơ sở được bà con gọi yêu là “người vác tù và hàng tổng”. Từng là Chủ tịch UBND Đại An trong chiến tranh, kinh qua nhiều ngành nghề khi hòa bình nên ông khá năng động. Về hưu, làm Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin và người khuyết tật xã, ông dồn hết tâm huyết cho phong trào. “Cho cần câu chứ không cho xâu cá”, phải có một ngành nghề lâu dài để các nạn nhân tương thân tương ái là điều ông luôn nghĩ đến. Địa phương có nguồn nguyên liệu đót đồi dào, công việc không quá nặng nhọc, nghề làm chổi là thích hợp nhất. Được Đảng ủy, UBND xã đồng tình, ủng hộ tối đa, đặc biệt là cho mượn tầng trệt rộng rãi của hội trường UBND xã làm cơ sở sản xuất, ông Sáu tìm hiểu nguồn lực hiện có, đến từng nhà động viên mọi người đến xưởng. Đa số tự đi được, nhưng có trường hợp phải nhờ xe chở đến. Có lực lượng rồi thì mời người có kinh nghiệm đến dạy nghề. Hội vay mượn hơn 60 triệu đồng mua dụng cụ cơ khí hỗ trợ, nhất là ứng trước mua đót để dùng lâu dài.

Hôm chúng tôi đến thăm, cơ sở có khoảng 15 anh chị em làm việc. Người thiếu chân, bị liệt một bên, người cụt tay, có người còn lành lặn nhưng cứng cơ, trí tuệ chậm phát triển vậy mà khi vào công việc, ai nấy nhập cuộc rất thuần thục. Người khỏe (số này không nhiều) thì vô ván, khoan lỗ, bện, số yếu hơn thì phơi, lựa, chuốt đót. Chị Phạm Thị Đào một chân bị liệt nhưng còn đôi tay rắn chắc đảm nhiệm khâu chính là may đường con rết trên chổi. Chị Đào tâm sự: “Bện mà không chắc, chổi sẽ lỏng lẻo, gãy vụn, công sức của mọi người đổ sông, đổ bể.  Ở đây như một nhà, không ai tị nạnh, hơn thua. Hạnh phúc nhất của bọn em là đều có việc làm và hàng tháng có thu nhập từ 1-2 triệu đồng, đỡ đần gia đình”. Các thành viên của nhóm cơ sở chổi đót bật mí rằng nếu có sức tiêu thụ, nhóm có thể sản xuất trên ngàn chiếc mỗi tháng, Với họ, từng ngày đến xưởng là một ngày vui.

Thắc mắc với Chủ tịch Hội Nguyễn Thế Sáu về nguồn “cầu”, ông cho biết: “Chúng tôi tranh thủ mọi sự giúp đỡ từ xã hội, quảng bá trên mạng xã hội. Trước hết vận động nhân dân trong xã  ưu tiên dùng hàng của xã, sau đó làm việc với các trường học, công sở ở Quảng Nam và Đà Nẵng để tiêu thụ. Dầu ít hay nhiều cũng đều được các cơ quan, nhà trường ủng hộ. May mắn nhất với chúng tôi là có sự cộng hưởng tích cực của nhóm Hướng Thiện Đà Nẵng gần 20 người của chị Lương Lan Diên”.

Nhóm sản xuất chổi đót của nạn nhân chất độc da cam và người khuyết tật Đại An.

Nhân duyên giữa nhóm Hướng Thiện với các nạn nhân chất độc da cam có từ 3 năm nay trên hành trình việc thiện. Thương Đại An, các chị không quản đường xa, hàng năm đều có những chuyến đi gặp gỡ yêu thương. Cứ đến Tết, hoặc kỷ niệm Ngày thảm họa da cam ở Việt Nam (10-8) các chị lại về tặng trên 20 suất quà mỗi lần, mỗi suất từ 300-400 ngàn đồng; tổ chức những bữa cơm cải thiện, giao lưu, đàn hát, tạo không khí phấn khởi yêu đời cho các thành viên cả hai nhóm. Không chỉ vậy, các chị còn nhận hàng trăm cây chổi về bán giúp. Địa chỉ 59/1 Nguyễn Tri Phương, Đà Nẵng là nơi tập kết và giới thiệu chổi người khuyết tật Đại An với bạn bè. Chị Diên tâm sự: “Chổi Đại An giá cả phù hợp, rất bền, chắc, đẹp dù được làm từ đôi tay, đôi chân không lành lặn,. Nhóm đưa lên mạng xã hội để mọi người mua ủng hộ, trước hết từ bạn bè. Ai đăng ký, từng chị lại trực tiếp ship hàng. Có khi qua tận Hòa Xuân để mang một chiếc chổi cho khách, nhưng không ai nề hà, vất vả. Chồng con chúng tôi cũng vào cuộc, khi rảnh rỗi đều tham gia ship chổi”. Cô Trần Thị Lệ - Hiệu trưởng trường tiểu học Nguyễn Du (Đà Nẵng) nơi nhận tiêu thụ gần 100 cây chổi cho năm học mới này thì nói: “Có dịp lên thăm nhóm sản xuất chổi đót của Đại An, tôi càng thêm yêu thương và khâm phục nghị lực các nạn nhân da cam. Góp được chút gì cho các em, trường chúng tôi chẳng ngại ngần”.

Theo ông Phan Văn Tám- Phó chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin H. Đại Lộc thì cả huyện từng có 3 cơ sở sản xuất chổi đót cho các hội viên nhưng đầu ra khó, không cạnh tranh nổi với thị trường đó chính là vướng mắc để các cơ sở trụ vững. Hiện chỉ còn mô hình của xã Đại An còn tồn tại và hoạt động ổn định.

Rời Đại An, chúng tôi mang theo những ánh mắt ấm áp, hy vọng của những các nạn nhân chất độc da cam và người khuyết tật. Những chiếc chổi mềm mại nơi đây sẽ bện chặt các tấm lòng nhân ái đến với miền quê giao thủy này.

HỒNG VÂN