Chọn Thẩm phán Tòa án Tối cao - canh bạc mạo hiểm của ông Trump
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề cử bà Amy Coney Barrett, Thẩm phán Tòa phúc thẩm liên bang, vào ghế Thẩm phán Tòa Tối cao thay bà Ruth Bader Ginsburg vừa qua đời. Việc ông Trump đề cử thẩm phán mới khi chỉ còn gần 1 tháng nữa tới ngày bầu cử (3-11) đang khiến đảng Dân chủ phản ứng gay gắt. Nhiều ý kiến cho rằng, việc đề cử bà Barrett sẽ giúp giảm áp lực cho ông Trump. Tuy nhiên, nhân vật này có giúp ông thu hút thêm cử tri hay không là một câu hỏi khác.
Ủy ban Tư pháp Thượng viện dự kiến có các phiên điều trần bắt đầu từ ngày 12-10 về đề cử của ông Trump. Sau khi ủy ban này thông qua, Thượng viện sẽ có phiên toàn thể để điều trần và bỏ phiếu chấp thuận.
Việc ông Trump đề cử bà Barrett vào ghế thẩm phán Tòa Tối cao vấp phải sự phản ứng gay gắt của đảng Dân chủ. Ảnh: Politico |
Gay cấn trước “màn so găng” Trump - Biden đầu tiên Tối 29-9 (sáng 30-9, giờ Việt Nam), đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump và ứng cử viên Dân chủ Joe Biden sẽ bước vào cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên. Đây là sự kiện chính trị quan trọng được đánh giá sẽ mang lại cả cơ hội cũng như tiềm ẩn không ít rủi ro đối với cả hai ứng cử viên khi chỉ còn khoảng 5 tuần nữa là chính thức diễn ra ngày bầu cử. Đối với Tổng thống Trump, đây là một trong những cơ hội cuối cùng và cũng là tốt nhất để ông đảo ngược tình thế hiện nay, còn đối với ứng cử viên Joe Biden, đây có thể là màn đấu quyết định tương lai sự nghiệp chính trị của ông. Bước vào cuộc tranh luận đầu tiên, Tổng thống Trump được đánh giá ở vị trí không mấy thuận lợi so với đối thủ chính trị Biden. Tuy nhiên, hoàn cảnh bất thường trong năm nay lại khiến số lượng phiếu bầu sớm hay bầu vắng mặt tăng đột biến, cũng như số khán giả theo dõi “cuộc đối đầu” đầu tiên giữa hai ứng cử viên sẽ cao hơn rất nhiều so với con số kỷ lục 84 triệu người vào năm 2016. Cùng với đó, sự phân cực sâu sắc giữa hai đảng, “tính chất quen thuộc và không có yếu tố mới” của hai ứng cử viên tổng thống làm tăng số lượng cử tri dao động. Đây là nhóm cử tri quan trọng mà ứng cử viên tổng thống nào cũng phải nhắm tới. Chính vì vậy, cuộc tranh luận trực tiếp này có ý nghĩa quan trọng, có thể tạo ra những thay đổi mang tính bước ngoặt về tỷ lệ ủng hộ của cử tri, qua đó phần nào quyết định ai có thể trở thành chủ nhân thứ 46 của Nhà Trắng trong ngày bầu cử 3-11. T.N |
Củng cố chiến dịch tranh cử
Theo Fox News, việc chọn bà Barrett là quyết định khá hợp lý trong bối cảnh ông Trump đang bị ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden dẫn trước về tỷ lệ ủng hộ tại một số bang chiến địa, thậm chí ngay cả ở các bang có truyền thống bầu cho đảng Cộng hòa.
Hôm 23-9, Tổng thống Trump một lần nữa nhấn mạnh việc cần phải nhanh chóng lấp đầy ghế thẩm phán còn trống của Tòa án Tối cao trước cuộc bầu cử Tổng thống tháng 11, vì tòa án Tối cao Mỹ có thể sẽ phải định đoạt kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống tháng 11. “Tôi nghĩ rằng cuộc bầu cử sẽ kết thúc ở tòa án Tối cao. Và tôi nghĩ rằng quan trọng là chúng ta phải có đủ 9 thẩm phán”, ông Trump nói. Ông Trump khẳng định việc thông qua bà Barrett phải hoàn thành xong trước ngày bỏ phiếu để Tòa án Tối cao đủ người xử lý các hành vi gian lận kết quả do ông từng cảnh báo phe Dân chủ sẽ tìm mọi cách thao túng bầu cử năm nay. Được đánh giá là chính khách có quan điểm bảo thủ, một khi bà Barrett được phê chuẩn, Tòa án Tối cao Mỹ cũng sẽ có số thẩm phán bảo thủ áp đảo (6 người) so với 3 thẩm phán theo quan điểm cấp tiến. Do đó, Tòa án Tối cao có thể đưa ra những phán quyết có lợi cho ông Trump và đảng Cộng hòa hơn.
Các cố vấn chính trị của ông Trump cũng kỳ vọng thiên hướng bảo thủ của bà Barrett sẽ đủ sức giữ lại nhóm cử tri bảo thủ trung thành của ông, giúp chủ nhân Nhà Trắng có thêm thời gian tập trung vận động các nhóm khác khó thuyết phục hơn như nhóm cử tri da màu hay nhóm cử tri trẻ tuổi. Ngoài ra, những tranh cãi xung quanh bà Barrett được đề cử sẽ làm lạc hướng dư luận khỏi những thông tin tiêu cực về ông Trump trong thời gian gần đây, như thất bại trong nỗ lực đẩy lùi đại dịch Covid-19 làm hơn 200.000 người tử vong, tình trạng suy thoái kinh tế, những bê bối về việc nộp thuế cá nhân của Trump, và gần đây nhất là việc nhà lãnh đạo này không đưa ra cam kết cụ thể về tiến trình chuyển giao quyền lực trong hòa bình hậu bầu cử 2020.
Đảng dân chủ phản ứng gay gắt
Việc ông Trump đề cử thẩm phán mới khi chỉ còn 40 ngày tới bầu cử đang khiến đảng Dân chủ phản ứng gay gắt. Đây là động thái chưa từng có tiền lệ trong lịch sử nước này. Hành động này hoàn toàn mâu thuẫn, trái ngược với chính lối hành xử của đảng Cộng hòa hồi năm 2016 khi Thượng viện do đảng này kiểm soát lúc đó liên tục từ chối ứng viên thẩm phán Tòa án Tối cao Merrick Garland do Tổng thống Barack Obama đề cử cũng với lý do còn 8 tháng nữa là tới bầu cử.
Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 27-9, ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden khẳng định Thượng viện Mỹ phải vì đạo đức và lương tâm mà hoãn thông qua vị trí thẩm phán Tòa án tối cao của bà Barrett. “Tôi kêu gọi mọi thượng nghị sĩ nên lùi một bước khỏi vực thẳm. Hãy tạm thời đừng nghĩ tới những ràng buộc về mặt chính trị và đứng lên bảo vệ Hiến pháp của chúng ta”, ông Biden nói.
Ông Biden cảnh báo việc bà Barrett trở thành thẩm phán tối cao mới sẽ mở ra một thời kỳ đen tối cho nước Mỹ khi hàng loạt các chính sách thiết yếu sẽ bị khai tử, như chương trình bảo hiểm y tế Obamacare. Điều này sẽ dẫn đến hậu quả là 100 triệu người Mỹ đang có bệnh bị mất khoản hỗ trợ chi phí điều trị từ chính phủ. “Thậm chí, nếu chúng ta cứ để ông Trump thì sớm muộn gì chúng ta cũng sẽ mất luôn quyền bầu cử, quyền được hưởng môi trường trong lành và quyền được trả lương công bằng”, ông Biden cảnh báo.
Một cuộc thăm dò dư luận của Washington Post phối hợp cùng ABC News tiến hành trong tuần này cho thấy đa số người ủng hộ đảng Dân chủ phản đối nỗ lực thông qua tân thẩm phán tối cao mới trước ngày bầu cử của ông Trump và Thượng viện. 38% người được hỏi nói rằng việc lựa chọn ứng viên thay thế cựu thẩm phán Ginsburg nên để Tổng thống Trump và Thượng viện quyết định, trong khi 57% nêu rõ điều này nên để người thắng cử tổng thống và Thượng viện mới quyết định vào năm 2021.
AN BÌNH