Chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả: Còn rất nhiều việc phải làm

Thứ tư, 20/02/2019 07:36

Trong ngày 19-2, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình làm việc với Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia); Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Chủ tịch Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban 1899) chủ trì phiên họp lần thứ 4 của Ủy ban.

Tại các cuộc làm việc nói trên, hai Phó thủ tướng đều đề cập đến hàng loạt khó khăn, bất cập, yếu kém trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.

Cơ quan chức năng bắt giữ thuốc lá lậu.

Chưa tạo được chuyển biến căn bản

Làm việc với Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, trong năm 2018, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã đạt được những kết quả tích cực. Các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý trên 234 nghìn vụ việc vi phạm (tăng 4% so với cùng kỳ), thu nộp ngân sách trên 19 nghìn tỷ đồng (tăng 7,7% so với cùng kỳ), khởi tố 1.446 vụ án, 1.656 đối tượng (tăng 6% so với cùng kỳ).

Văn phòng Thường trực đã tham mưu, báo cáo Trưởng ban Chỉ đạo ban hành và triển khai nhiều kế hoạch chuyên đề; đồng thời, đề xuất lên Trưởng ban có ý kiến chỉ đạo xử lý nhiều vụ việc phức tạp, được xã hội quan tâm, như: việc lợi dụng quà biếu, hàng hóa xách tay qua đường hàng không, bưu điện tại các cảng hàng không quốc tế; vụ sản phẩm Vinaca giả thuốc chữa bệnh; vụ buôn lậu 1.157 điện thoại Iphone tại sân bay Nội Bài, vụ vận chuyển trái phép qua biên giới gần 100 tấn hàng hóa tại H. Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, vụ việc liên quan đến Công ty trách nhiệm hữu hạn Con Cưng...

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả vẫn chưa tạo được chuyển biến căn bản, tình trạng buôn lậu các mặt hàng xăng dầu, khoáng sản, thuốc lá điếu, rượu, điện thoại di động, hàng tiêu dùng vẫn diễn biến phức tạp; tình trạng vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới phía Bắc và Tây Nam có dấu hiệu gia tăng; các vụ việc phát hiện, xử lý trong năm 2018 chủ yếu là các vụ việc nhỏ, xử lý chỉ dừng lại ở người vận chuyển, mang vác thuê, chưa có biện pháp đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả tình trạng lợi dụng chính sách thông thoáng trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu để buôn lậu, vận chuyển hàng cấm...

Chỉ ra nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế trên, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo phải luôn bám sát chức năng, nhiệm vụ được giao, làm tốt công tác tham mưu tổng hợp, giúp việc cho Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; thực hiện tốt công tác điều hòa, phối hợp giữa các lực lượng liên ngành để triển khai, thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch công tác; xác định rõ nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu cần phải thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, thường xuyên, liên tục.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng đề nghị Văn phòng Thường trực tham mưu cho Ban Chỉ đạo ban hành kế hoạch đấu tranh chống các hành vi lợi dụng thương mại điện tử để sản xuất, kinh doanh hàng hóa vi phạm pháp luật, kế hoạch chống buôn lậu và vận chuyển trái phép hàng hóa lợi dụng chính sách xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, kho ngoại quan khu vực biên giới phía Bắc; kế hoạch chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng theo Chỉ thị 17 của Thủ tướng Chính phủ và tổ chức thực hiện ngay sau khi các kế hoạch được ban hành.

Nhiều thứ “chưa đạt”, “chưa tới”

Sáng cùng ngày, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chủ tịch Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban 1899) chủ trì phiên họp lần thứ 4 của Ủy ban, kiểm điểm kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2018 và phương hướng triển khai năm 2019.

Báo cáo của Ủy ban 1899 cho thấy, tính đến hết tháng 1-2019, Cơ chế một cửa quốc gia đã có 173 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành kết nối, với gần 1,9 triệu hồ sơ của khoảng 27.000 doanh nghiệp. Theo Quyết định số 1254/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục giao các bộ, ngành phấn đấu triển khai mới 138 thủ tục hành chính trên cơ chế một cửa quốc gia. Đến hết năm 2018, các bộ đã hoàn thành triển khai mới 106 thủ tục, chiếm 77% so với mục tiêu. Bên cạnh triển khai liên thông các thủ tục hành chính tại cảng biển, thủy nội địa, các bộ, ngành cũng triển khai cơ chế một cửa quốc gia tại các cảng hàng không quốc tế trên cả nước.

Nhìn nhận năm 2018 đã có những đột phá và chuyển biến căn bản trong công tác kết nối một cửa quốc gia, một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại… nhưng Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng vẫn còn nhiều tồn tại, vướng mắc trong việc thực hiện. Số lượng thủ tục hành chính triển khai mới trên Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN chưa đáp ứng mục tiêu. Việc phối hợp giữa các đơn vị từ khâu thống nhất quy trình chỉ tiêu thông tin phát triển phần mềm và kết nối hệ thống còn hạn chế. Tiến độ phát triển, nâng cấp hạ tầng mạng, thiết bị không theo kịp tốc độ triển khai dẫn đến một số thời điểm hệ thống quá tải, vì năng lực không đáp ứng kịp với giao dịch phát sinh.

Phó Thủ tướng chỉ ra rằng mô hình cơ chế một cửa quốc gia đang vừa tập trung, vừa phân tán, mức độ tập trung chỉ chiếm 11% (19/173 thủ tục đã triển khai theo mô hình tập trung). Sau khi phát triển nóng đã xảy ra nhiều bất cập như mất đồng bộ dữ liệu giữa các bộ khi gián đoạn đường truyền, thủ tục tăng lên, các cơ quan đều phải đầu tư nâng cấp hạ tầng dẫn đến lãng phí và đầu tư dàn trải. Theo Phó Thủ tướng, cần đề xuất hướng thiết kế, vận hành hệ thống này để khắc phục chuyện thiếu đồng nhất và thường phát sinh lỗi.

Phó Thủ tướng lưu ý số lượng thủ tục và doanh nghiệp tăng trưởng nhanh trong khi hiện tại hầu như các bộ, ngành không có bộ phận chia sẻ, hỗ trợ doanh nghiệp, không có cán bộ kỹ thuật và cán bộ nghiệp vụ túc trực 24/7 nên nhiều tình huống doanh nghiệp không được hỗ trợ kịp thời, doanh nghiệp kêu ca nhiều. Năng lực của Tổng cục Hải quan trong việc theo dõi, giám sát, vận hành hệ thống cũng cần phải xem xét, giải quyết. Hiện Tổng cục Hải quan kết nối 34 Cục Hải quan tỉnh, thành phố và 11 bộ, ngành, Cổng thông tin điện tử quốc gia. Vấn đề đặt ra là duy trì, tiếp tục vận hành thế nào để đảm bảo các hệ thống thông tin dữ liệu, “không thể ăn đong từng ngành”.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, số lượng hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành còn chiếm tỷ trọng lớn. 10 tháng năm 2018, số tờ khai nhập khẩu thuộc diện quản lý và kiểm tra chuyên ngành so với tổng số lô hàng làm thủ tục nhập khẩu hải quan tại các cửa khẩu chiếm đến 19,1%. Việc cắt giảm danh mục hàng hóa quản lý và kiểm tra chuyên ngành còn nhiều hạn chế.

Chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm

Nhắc lại Hội nghị lấy ý kiến các hiệp hội doanh nghiệp, nhà đầu tư về chính sách thu hút và sử dụng FDI tại Bình Dương mới đây, nhiều ý kiến phàn nàn về việc kiểm tra sau thông quan, Phó Thủ tướng cho rằng chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm là đúng nhưng kiểm tra hậu kiểm cũng phải trên cơ sở đánh giá rủi ro. Doanh nghiệp phản ánh kiểm tra sau thông quan quá tràn lan, không kiểm soát được. Phó Thủ tướng yêu cầu đánh giá lại kết quả kiểm tra sau thông quan trên tỷ lệ đơn hàng kiểm tra, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phải giám sát việc này. Kiểm tra sau thông quan rất nhiều nhưng hiệu quả đến đâu, có cần thiết không, đúng nguyên tắc đánh giá rủi ro hay không, tác động hiệu  quả kiểm tra sau thông quan như thế nào.

Phó Thủ tướng lưu ý không chuyển tất cả từ tiền kiểm sang hậu kiểm, có những hàng hóa bắt buộc phải tiền kiểm nhưng phải quy định rõ trình tự, thủ tục, thời hạn, nội dung, tiêu chí, cách thức kiểm tra. Việc kiểm tra chuyên ngành sau thông quan, nhiệm vụ quan trọng của các bộ, ngành là ban hành các quy trình và thủ tục, còn việc đầu tư hệ thống trang thiết bị máy móc và trực tiếp làm công tác kiểm tra phải đi theo hướng xã hội hóa. “Các bộ vừa ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình thủ tục lại cử cán bộ kiểm tra trực tiếp, chúng ta vừa tốn thêm công chức, thêm cán bộ, lại phải  đầu tư thêm máy móc. Trừ những trường hợp đặc biệt tư nhân không làm được thì Chính phủ, bộ, ngành phải làm. Sân này để các doanh nghiệp làm độc lập, khách quan sẽ tốt hơn”, theo Phó Thủ tướng.

Nhấn mạnh yếu tố bứt phá trong năm 2019, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu quan tâm đến vấn đề thực thi để cải thiện thực chất hơn về điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành, phục vụ đắc lực cho doanh nghiệp trong quá trình xuất nhập khẩu, làm thỏa mãn mức độ hài lòng của doanh nghiệp. Năm 2019, trọng tâm phấn đấu là chất lượng và phải tính đến bài toán nhân sự, quy trình, thủ tục, công nghệ, hạ tầng,  đáp ứng yêu cầu phát triển lâu dài, kết nối với ASEAN và quốc tế. Các bộ, ngành quán triệt thực hiện nghiêm Nghị quyết 02 của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo có liên quan, tinh thần là kiểm tra chuyên ngành đi vào thực chất, cắt giảm điều kiện kinh doanh hài hòa với mục tiêu tạo thuận lợi thương mại tối đa và quản lý nhà nước, chống gian lận thương mại cương quyết, rút ngắn khoảng cách thực thi của đội ngũ quản lý nhà nước, chống cài cắm thủ tục.

T.THỦY – T.VÂN – H.T.HOA