Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả: Quyết liệt xử lý

Thứ sáu, 30/01/2015 10:48

(Cadn.com.vn) - Ngày 29-1, Ban chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) tổ chức Hội nghị trực tuyến, tổng kết công tác năm 2014 và triển khai nhiệm vụ năm 2015 tại 63 điểm cầu trên toàn quốc. Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng BCĐ 389 Quốc gia Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị.

Nhiều và tinh vi hơn

Theo đánh giá, tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại trong năm 2014 diễn biến phức tạp; hàng hóa vi phạm chủ yếu là ma túy, pháo nổ, đồ chơi bạo lực, rượu ngoại, bia, thuốc lá điếu ngoại, đường kính, xăng dầu, điện thoại di động, vải, quần áo may sẵn, lâm sản, động vật hoang dã, thực phẩm… Các hoạt động này diễn ra trên cả tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ, đường sắt, hàng không, bưu điện quốc tế và cả trong thị trường nội địa.

Ông Nguyễn Thanh Nguyên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An - cho biết, để chống các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, các lực lượng chức năng địa phương tăng cường các biện pháp đấu tranh, đồng thời thành lập 14 chốt cơ động chống buôn lậu… tuy nhiên số vụ việc xảy ra vẫn nhiều (chủ yếu là buôn lậu thuốc lá và đường kính). Hiện các kho của tỉnh đã đầy ắp thuốc lá, không còn chỗ chứa. “Thực tế là trang thiết bị, phương tiện của các đối tượng buôn lậu hiện đại hơn của lực lượng chức năng nên công tác truy bắt còn gặp nhiều khó khăn”, ông Nguyên thừa nhận.

Nếu như ở tuyến biên giới phía Nam nạn buôn lậu chủ yếu ở các mặt hàng thuốc lá, xăng dầu, đường kính… thì ở tuyến phía Bắc là các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm, điện tử, viễn thông... Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn - cho biết “với hơn 231km đường biên giới với Trung Quốc, địa hình phức tạp lại có nhiều lối tắt nên các đối tượng buôn lậu sử dụng nhiều hình thức buôn lậu tinh vi, luôn thay đổi hình thức hoạt động để đối phó với công tác chống buôn lậu.

Các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ hơn 3.900 vụ, trong đó có hơn 2.300 vụ buôn lậu, 1.900 vụ gian lận thương mại…”. Chưa kể, lợi dụng nhiều chính sách của Nhà nước, mỗi ngày có hàng người qua cửa khẩu, kèm theo đó là việc công khai vận chuyển hàng lậu... như việc có người mặc đến 4-5 chiếc áo, quần mỗi khi qua cửa khẩu, hay ô-tô giường nằm thì mang theo rất nhiều chăn… Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc chỉ ra thủ đoạn lợi dụng chính sách của các đối tượng buôn lậu qua biên giới.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đặt câu hỏi “liệu số vụ việc phát hiện nhiều thì nạn buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả đã giảm hay chưa?” rồi ông đưa ra con số vụ việc đã phát hiện trong năm 2014 là hơn 170.000 vụ, tăng hơn 8.000 vụ so với năm 2013 và khẳng định: “Rõ ràng chúng ta đã làm tốt nhưng số vụ việc vẫn chưa giảm, mà có giảm thì cũng không nhiều”.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Quyết liệt xử lý

Đa phần các ý kiến đóng góp tại hội nghị đều thể hiện sự kiên quyết trong công tác đấu tranh, phòng chống nạn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ngay cả trên các tuyến biên giới và trong thị trường nội địa. Tập trung nhất là tăng cường thêm lực lượng chống buôn lậu như: Quản lý thị trường, hải quan, biên phòng, công an, cảnh sát biển… thể hiện sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị.

Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng, dù các cấp, các ngành đã có nhiều biện pháp nhưng tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn diễn biến phức tạp. Sự đan xen giữa tội phạm kinh tế với tội phạm hình sự, ma túy ngày càng tăng. Cụ thể là trong thời gian qua, lực lượng công an các cấp đã điều tra, khám phá hơn 8.000 vụ, trong đó số vụ khởi tố, bắt giữ ít mà chỉ chủ yếu là xử lý hành chính nên các đối tượng vẫn tiếp tục tái phạm.

Theo Thứ trưởng Lê Quý Vương, nguyên nhân chính là việc thu thập tài liệu để chứng minh hành vi buôn lậu, gian lận thương mại còn nhiều khó khăn. “Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công an, trong thời gian đến lực lượng CA sẽ tập trung đấu tranh, triệt xóa các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại trọng điểm là  các đầu lậu, người chứa chấp, các đường dây buôn lậu…”, Thứ trưởng Lê Quý Vương cho biết thêm.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương, đánh giá cao sự phối hợp giữa các ngành, các lực lượng trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong năm qua. Qua đó, bước đầu đã kiểm soát được tình hình, đấu tranh có hiệu quả tại các địa bàn trọng điểm. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng cho rằng, việc đấu tranh ở một số nơi còn vì lợi ích cục bộ, làm ngơ, thiếu tinh thần, trách nhiệm, trục lợi… nên hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại vẫn diễn ra.

Do đó, trong năm 2015, cần tập trung bám sát, thực hiện có hiệu quả các nội dung chủ đạo của Chính phủ, BCĐ 389 quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Phải có thái độ kiên quyết, đánh mạnh vào các đầu lậu, phát động toàn dân tham gia tố giác, đấu tranh với các cá nhân, tổ chức buôn lậu, các hành vi tiếp tay cho buôn lậu…

Đồng thời tiếp tục rà soát các quy định, chính sách, mức xử phạt để củng cố, bổ sung tránh tình trạng lợi dụng chính sách để buôn lậu. Giáo dục tư tưởng chính trị cho lực lượng làm nhiệm vụ, đi đôi với việc thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giám sát, khen thưởng kịp thời để động viên. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu. Từng bước xã hội hóa và tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả…

Nguyễn Tuấn -  Minh Chi