Sản phẩm OCOP thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn bền vững
Thời gian gần đây, Hà Tĩnh đã và đang tập trung đẩy mạnh chế biến sâu các nguyên liệu, sản phẩm chủ đạo của địa phương, hướng đến nâng tầm chất lượng và thương hiệu sản phẩm OCOP, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn bền vững.
Tại HTX hươu sao Ngọc Linh (xã Sơn Giang), ngoài việc xây dựng trang trại chăn nuôi an toàn dịch bệnh, đảm bảo duy trì đàn hươu khai thác nhung trên 100 con. Hàng năm, HTX còn liên kết thu mua trên 50 kg nhung từ các hộ chăn nuôi trên địa bàn để chế biến sản phẩm. Ông Nguyễn Văn Thắng- Giám đốc HTX Hươu sao Ngọc Linh cho biết: Nhận thấy tiềm năng nghề chăn nuôi hươu ngày càng rộng mở, ngoài phát triển trang trại chăn nuôi hươu lấy nhung, chúng tôi đã mạnh dạn đầu tư các máy móc và áp dụng khoa học công nghệ để chế biến sâu các sản phẩm từ hươu sao. Đến nay, HTX đã có 2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao đó là rượu nhung hươu và cao xương hươu được đông đảo khách hàng tin tưởng lựa chọn. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đa dạng hóa thêm các sản phẩm chế biến sâu như bột nhung hươu, nhung hươu thái lát,… và quan tâm mẫu mã, chất lượng đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của người tiêu dùng.
Từ một hộ sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, chị Phạm Thị Hoa (xã Cổ Đạm) nhận thấy trên địa bàn có tiềm năng về nguồn nguyên liệu, nhưng bà con mới dừng lại ở phương pháp sản xuất truyền thống, dựa vào kinh nghiệm và công cụ thô sơ, sản phẩm tạo ra còn nhiều hạn chế. Chính vì vậy, chị Hoa đã mạnh dạn thành lập HTX Hoa Linh Chi, kêu gọi các thành viên cùng góp vốn thay đổi phương thức sản xuất hiện đại, vừa tập trung chế biến sâu, vừa đa dạng các sản phẩm, đồng thời hướng tới đảm bảo chất lượng đáp ứng thị trường. Năm 2020, hai dòng sản phẩm chính là tôm nõn và cá ngần sấy khô của HTX Hoa Linh Chi đạt chuẩn OCOP 3 sao. Không dừng lại ở đó, nhờ cải tiến quy trình sản xuất nên chất lượng sản phẩm ngày càng nâng cao, mẫu mã bao bì đẹp, dễ vận chuyển và bảo quản được thời gian dài. Tháng 10- 2024, sản phẩm tôm nõn khô Hoa Linh Chi tiếp tục được nâng hạng thành sản phẩm OCOP 4 sao. Giám đốc HTX Hoa Linh Chi Phạm Thị Hoa chia sẻ, từ khi sản phẩm đạt chuẩn OCOP, thị trường sản phẩm tôm nõn khô ngày càng được mở rộng, không chỉ trong nước mà còn vươn ra một số nước thông qua con đường con em đi xuất khẩu lao động. Cụ thể, trong vài năm gần đây, mức thu mua tôm nguyên liệu tăng lên rõ rệt, trên 20 tấn/năm, cho ra 2 tấn tôm sản phẩm, đem lại doanh thu gần 3 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận đạt khoảng 550- 600 triệu đồng.
Nhiều sản phẩm ở Hà Tĩnh sau khi được công nhận đạt chuẩn OCOP đã có bước phát triển vượt bậc về cả chất lượng lẫn doanh thu, góp phần dịch chuyển cơ cấu kinh tế ở các xã nông thôn mới. Nhiều chủ cơ sở OCOP trên địa bàn đã chuyển từ việc bán nông sản thô sang chế biến sâu, tạo ra các sản phẩm có giá trị cao hơn. Điển hình là Công ty TNHH Khoa học và công nghệ An Phát (xã Phù Việt). Từ những hạt gạo đơn thuần, Công ty đã đầu tư máy móc, áp dụng khoa học công nghệ chế biến và phát triển đa dạng các sản phẩm. Phó Giám đốc Phan Thị Hào cho biết: Sau khi sản phẩm Bột gạo lứt An Phát được công nhận sản phẩm đạt OCOP 3 sao, năm 2024, công ty tiếp tục đầu tư dây chuyền sản xuất đồng bộ để chế biến thêm các sản phẩm khác như Trà gạo lứt, cốm gạo lứt,… Trong đó, sản phẩm Trà gạo lứt Omega An Phát được công nhận sản phẩm đạt OCOP 4 sao. Các sản phẩm đạt chuẩn OCOP, mức tiêu thụ tăng lên rõ rệt. Trước đây, doanh thu mỗi năm bình quân từ 3- 4 tỷ đồng thì nay đã tăng lên 10 tỷ đồng/năm.
Với sự đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất và thay đổi tư duy sản xuất kinh doanh từ các cơ sở, nhiều sản phẩm OCOP đã có sự chuyển biến tích cực về chất lượng, bao bì nhãn mác, bộ nhận diện thương hiệu… Đặc biệt, một số doanh nghiệp, HTX, cơ sở đã linh hoạt tìm hướng xuất khẩu sản phẩm để nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập. Qua thực tế, phần lớn các sản phẩm đăng ký đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP thời gian gần đây là các sản phẩm chế biến và chế biến sâu thay vì bán hàng nông sản, nguyên liệu thô. Việc chế biến sâu không chỉ giúp sản phẩm OCOP "lên đời", mà còn tạo thêm nhiều việc làm cho lao động nông thôn, góp phần quan trọng trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Sau hơn 5 năm triển khai chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Hà Tĩnh bước đầu đạt được những kết quả quan trọng, tạo sức lan tỏa, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, gia tăng giá trị sản phẩm. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã công nhận 396 sản phẩm OCOP, trong đó có 314 sản phẩm còn hiệu lực chứng nhận OCOP (gồm 15 sản phẩm 4 sao, 299 sản phẩm 3 sao). Hiện 100% sản phẩm OCOP đã lên sàn thương mại điện tử của tỉnh, 40% sản phẩm đã có mặt trên các sàn thương mại điện tử lớn như Shopee, Lazada, Tiktok; 5% sản phẩm có mặt trong các siêu thị lớn, có 7 sản phẩm xuất khẩu. Từ chế biến sâu nâng cao chất lượng sản phẩm nên đến nay lượng tiêu thụ các sản phẩm cũng đã tăng lên 14%. Các cơ sở OCOP đã tạo việc làm cho hơn 2.000 lao động trực tiếp và hàng ngàn lao động gián tiếp, góp phần phát triển kinh tế của địa phương.
X.S