Chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại: Còn nhiều kẽ hở
(Cadn.com.vn) - Đà Nẵng vừa ra mắt Ban chỉ đạo 389/TP về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, thay cho BCĐ 127/TP. Phó Chủ tịch Phùng Tấn Viết làm Trưởng ban 389/TP, Giám đốc Sở Công Thương là Phó trưởng ban thường trực, các Phó trưởng ban khác là Cục trưởng Cục Hải quan và Phó Giám đốc Công an TP. Điểm mới của BCĐ 389 là có thêm sự tham gia của UBMTTQVN và nhiều ngành khác như thông tin truyền thông, văn hóa- thể thao- du lịch...
Theo báo cáo của các thành viên BCĐ 389/TP, tình hình buôn lậu, vận chuyển buôn bán hàng cấm, hàng giả, gian lận thương mại trong 6 tháng đầu năm 2014 vẫn còn nhiều vấn đề nhức nhối. Ông Lê Văn Phúc, Phó chỉ huy trưởng nghiệp vụ Bộ Chỉ huy BĐBP TP cho hay, hiện nay, mặt hàng bột giặt và mì chính bị làm giả rất nhiều từ phía Bắc và đưa đi tiêu thụ khắp nơi. Hàng lậu như thuốc lá ngoại và rượu ngoại liên tục được tuồn qua cửa khẩu Lao Bảo tiến vào thị trường các tỉnh lân cận và phía Nam. Trên biển, các doanh nghiệp có chức năng khai thác, kinh doanh vận chuyển than, khoáng sản ký hợp đồng thuê tàu vận chuyển xuất nội bộ hoặc bán hàng trong nước, sau đó lợi dụng sơ hở của các cơ quan chức năng trong công tác kiểm tra, kiểm soát để vượt tuyến sang Trung Quốc xuất lậu. BĐBP TP đã xử lý 12 vụ hàng cấm, hàng nhập lậu, trong đó khởi tố 11 vụ án hình sự.
Tiêu hủy rượu nhập lậu, rượu giả. |
Báo cáo của CATP cũng cho thấy, tình hình buôn lậu lâm sản diễn ra rất phức tạp trên tuyến đường sắt Bắc-Nam. Mới đây, CATP đã bắt giữ hàng chục tấn gỗ quý và hàng chục ký vàng không có giấy tờ hợp lệ. Theo Đại tá Nguyễn Văn Chính, PGĐ CATP, rất khó kiểm soát lâm sản lậu từ Lào và Campuchia về Việt Nam. Lượng gỗ đưa về Việt Nam rất lớn nhưng lượng gỗ được khai báo tại các cửa khẩu thì rất ít, không đúng với thực tế. Có doanh nghiệp buôn gỗ khoán giao gỗ đến cửa khẩu, nhập vào trong nước như thế nào là do buôn gỗ Việt Nam tự giải quyết.
Bên cạnh đó, các mặt hàng như may mặc, điện tử, tiêu dùng, văn hóa phẩm... vẫn qua mặt các lực lượng chức năng do được đóng trong container và niêm chì từ điểm xuất phát, gây khó khăn cho công tác kiểm tra. Hàng hóa vận chuyển qua đường bưu điện càng không có cơ quan nào kiểm soát được. Đây là những kẽ hở của pháp luật khiến buôn lậu lợi dụng để tuồn hàng lậu vào trong nước. Vì vậy, các thành viên của BCĐ cần có kế hoạch và biện pháp để "giải mã" những chướng ngại này.
Theo nhận định của lực lượng CA, trong giai đoạn vừa qua, lợi dụng chính sách ưu đãi thuế cho Việt kiều hồi hương nhập ô-tô về nước, hàng loạt hồ sơ xe bị làm khống, làm giả đã làm thất thoát trên 30 tỷ tiền thuế. Trong đợt truy quét vừa qua của CA, nhiều xe siêu sang không tìm được chủ đã bị tịch thu, bán đấu giá sung công quỹ và nhiều xe siêu sang khác cũng đang nằm chờ xử lý. Gian lận thương mại trong lĩnh vực hóa đơn đang làm thất thu thuế rất lớn do các văn bản luật, thông tư, nghị định "đá nhau", chế độ xuất trình hóa đơn, chứng từ không thống nhất, bên siết, bên mở, không kiểm soát được giá trị hàng hóa đầu vào...
Theo lực lượng QLTT, lợi dụng quy định về thời gian xuất trình hóa đơn, nhiều lô hàng lậu được giải cứu hợp pháp. Việc gian lận hóa đơn với rất nhiều thủ thuật nên hóa đơn được sử dụng xoay vòng nhiều lần cho các lô hàng khác nhau. Không những vậy, giá trị hàng hóa nhập lậu được ghi trên hóa đơn thấp hơn gấp nhiều lần so với giá trị thực để đánh thuế thấp và đối phó với lực lượng chức năng khi bị kiểm tra.
Ông Kiều Thế Phong, Phó Cục trưởng Cục Thuế Đà Nẵng cho biết thêm, các vi phạm trong lĩnh thuế hiện nay chủ yếu là vi phạm về hóa đơn, chứng từ; hạch toán, kê khai khống đầu vào để làm giảm thu nhập chịu thuế, giảm số thuế phải nộp; hàng không lập hóa đơn, không kê khai thuế GTGT đầu ra. Đáng chú ý là các vi phạm mới về thuế liên quan đến lĩnh vực đất đai. Căn cứ đặc điểm tình hình, Cục Thuế đã xây dựng chương trình kế hoạch thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, đồng thời đề ra các giải pháp cho công tác thanh tra, kiểm tra thuế. 6 tháng kiểm tra trên 1.000 vụ, phạt tiền và truy thu 46,380 tỷ đồng tiền thuế, giảm lỗ 95 tỷ đồng...
Chống buôn lậu, gian lận thương mại đã khó, việc xử lý các lô hàng nhập lậu, cấm nhập cũng hết sức gian nan. Ông Nguyễn Tiến Thọ, Cục trưởng Cục Hải quan Đà Nẵng cho biết, hiện nay có 620 container lốp xe đã qua sử dụng, thuộc diện cấm nhập, do Công ty Kính nổi Chu Lai nhập về làm nhiên liệu và gần chục xe siêu sang đang nằm tại cảng chờ xử lý chiếm nhiều diện tích của cảng vốn đã quá chật chội. Hải quan Đà Nẵng đề nghị thành phố đẩy nhanh tiến độ xử lý các lô hàng này, tái xuất mặt hàng cấm nhập để giải phóng mặt bằng cho cảng.
Phát biểu tại buổi ra mắt BCĐ 389/TP và ban hành quy chế hoạt động, Phó Chủ tịch Phùng Tấn Viết đề nghị các thành viên cần đề cao công tác phối hợp giữa các lực lượng để công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại đạt hiệu quả hơn. Đà Nẵng không có biên giới cứng nhưng biên giới mềm lại rất rộng, vì vậy, các lực lượng của BCĐ 389 phải tập trung cả trên biển, cửa khẩu và ngay trong thị trường nội địa; Có kế hoạch và biện pháp với các hình thức buôn lậu xăng dầu, gỗ, vàng, xe ô-tô... PCT nhấn mạnh, cần kiểm soát chặt chẽ hàng tạm nhập tái xuất bởi chỉ cần 10% tạm nhập tái xuất cũng đủ để lũng đoạn nền kinh tế đất nước.
Hoàng Nam