Chống dịch tả lợn Châu Phi quan trọng nhất là khâu cách ly

Thứ tư, 19/06/2019 12:14

Phó trưởng ban thường trực Ban kinh tế Trung ương Cao Đức Phát làm việc tại Quảng Nam.

Ngày 18-6, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó trưởng ban thường trực Ban kinh tế Trung ương Cao Đức Phát dẫn đầu đoàn công tác đã có buổi làm việc với Tỉnh ủy Quảng Nam về công tác chống dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP). Từng là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, ông Cao Đức Phát nhận định công tác chống dịch của Quảng Nam hiện nay tuy chậm mà chắc, sau một tháng phát dịch hiện nay không xuất hiện những ổ dịch lớn ở qui mô trang trại. Phó trưởng Ban kinh tế Trung ương cho biết Quảng Nam hoàn toàn có khả năng dập tắt DTLCP nếu tiếp tục bám sát khâu chống dịch như hiện nay.

Theo thống kê, tính đến ngày 17-6, DTLCP đã xảy ra ở 948 hộ, 173 thôn của 77 xã với tổng số lợn chết và tiêu hủy là 3.782 con, trọng lượng 186.866,4 kg. Tại một số huyện miền núi như Nam Giang, Nam Trà My, dịch bệnh cũng xảy ra trên đàn lợn lai rừng được chăn nuôi thả rông.

Nhận định về nguyên nhân lây lan của dịch bệnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng hầu hết các hộ chăn nuôi hiện nay trên địa bàn tỉnh là qui mô nhỏ lẻ, không đảm bảo vệ sinh nên nguy cơ mắc bệnh cao. Trong khi đó, người chăn nuôi có lợn mắc bệnh chưa thực hiện tốt việc khai báo dịch bệnh cho chính quyền địa phương. Trong khi đó, theo ông Thanh thì việc sáp nhập hệ thống thú y cấp huyện được thực hiện từ năm 2018 còn khá mới thì nay đã phải đối diện với dịch bệnh lớn khiến công tác triển khai rất lúng túng, thiếu người thường trực chống dịch. "Một số địa phương phân công Trưởng phòng nông nghiệp kiêm chức danh Giám đốc Trung tâm kỹ thuật nông nghiệp nhưng không có chuyên môn về chăn nuôi, thú y nên rất lúng túng khi thực hiện nhiệm vụ ở địa phương. Tỉnh đề xuất cần khẩn trương tham mưu sửa đổi các qui định hiện hành liên quan đến cán bộ, công chức cấp xã trong đó có chức danh nhân viên Thú y xã để được hưởng chế độ, chính sách nhằm tăng cường năng lực cho các cán bộ làm công tác chống dịch", ông Thanh cho biết.

Ông Nguyễn Thành Nam - Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết, vì đây là lần đầu tiên Quảng Nam và cả nước đối mặt với DTLCP nên cán bộ thú y rất bối rối trong công tác triển khai. Khó khăn nhất hiện nay theo ông Nam đó là lực lượng thú y rất mỏng và gần như quá tải trong suốt 1 tháng đối phó với dịch bệnh. Việc thiếu người, thiếu kinh phí dẫn đến những hạn chế nhất định trong công tác chống dịch. Cùng "than khó" trong công tác chống dịch, đại diện Sở Công Thương cho biết công tác quản lý heo sạch ở các khu chợ hiện nay cũng bộc lộ nhiều bất cập. "Hiện nay chỉ có những địa phương có khu chợ lớn như Hội An, Điện Bàn, Tam Kỳ, Duy Xuyên là có ban quản lý đứng ra kiểm soát nhưng những chợ nhỏ lẻ do xã quản lý thì không thể kiểm soát hoàn toàn. Trong khi đó cơ sở giết mổ rất nhiều, nằm rải rác trong khu dân cư khiến dịch bệnh luôn rình rập".

Với kinh nghiệm nhiều năm chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, Phó trưởng Ban kinh tế Trung ương Cao Đức Phát nhận định, đối với DTLCP khi chưa có vắc-xin thì khâu cách ly là quan trọng nhất. "Tại sao hiện nay dịch bệnh chủ yếu xảy ra ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong khi các doanh nghiệp chăn nuôi vẫn an toàn? Câu trả lời là do công tác cách ly của họ rất tốt. Tôi đi thực tế nhiều nơi thậm chí người ta còn mua bao ni lông phủ kín chuồng trại. Tất cả thức ăn, con người, xe vận chuyển đều không được vào gần khu chuồng trại. Thậm chí cán bộ thú y nếu muốn đến kiểm tra cũng phải qua camera chứ không được vào trực tiếp. Với cách làm giữ nguồn lây bệnh ngay ngoài cửa như vậy thì mới có thể đảm bảo an toàn cho đàn lợn. Cán bộ làm công tác thú y cần tuyên truyền cho người dân hiểu tầm quan trọng trong công tác cách ly mầm lây bệnh", ông Cao Đức Phát cho biết.

Nhận định về dịch tả ở Quảng Nam, ông Cao Đức Phát cho rằng, lãnh đạo tỉnh đã có sự chỉ đạo nhanh chóng, tích cực và đã kìm hãm sự lây lan của dịch khá tốt so với nhiều địa phương khác. Đây là dấu hiệu cho thấy cách chống dịch hiện nay đang đi đúng hướng và cần phát huy hơn nữa trong bối cảnh thời tiết nắng nóng dễ lây lan mầm bệnh như hiện nay. Ngoài ra, Quảng Nam cũng cần chuyên nghiệp hóa việc chăn nuôi, phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại khép kín bởi con số 84% hộ chăn nuôi nhỏ lẻ như hiện nay là rất hạn chế so với tiềm năng phát triển của địa phương.

ĐỒNG DAO