Chống "sa tặc" phải chống từ "gốc"

Thứ hai, 15/01/2018 18:50

Nhiều người có tâm huyết với công tác chống nạn khai thác cát lậu đã ví von như vậy. Theo họ, phần gốc là việc chống khai thác trộm, bao gồm: quản lý các mỏ, quản lý các phương tiện đường thủy chuyên khai thác cát, tuyên truyền vận động chủ các phương tiện không thực hiện hành vi vi phạm, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát...

Những thuyền hút cát đang "nghỉ ngơi" dưới chân cầu Vĩnh Điện.

Theo thống kê, tại Quảng Nam hiện có 30 mỏ cát được cấp giấy phép khai thác với tổng diện tích 133ha, trữ lượng 5,3 triệu m3 và địa phương có số lượng mỏ cát được cấp giấy phép nhiều nhất là thị xã Điện Bàn và H. Đại Lộc. Tuy nhiên, về số lượng cát bị khai thác trái phép và số lượng điểm mỏ tận thu trá hình vẫn chưa thể thống kê được. Trước thực trạng các cơ quan chức năng không thể quản lý được số lượng mỏ tận thu cộng với giá cát tăng cao trong thời gian qua đã tạo kẽ hở  cho các đối tượng khai thác cát lậu gia tăng tần suất hoạt động. Hiện tại, ở Quảng Nam có hàng trăm thuyền khai thác cát trái phép trên các sông được phân bố ở khắp các địa phương, như: TP Hội An, Duy Xuyên, Điện Bàn, Nông Sơn... Tất cả các phương tiện đều trang bị máy hút công suất lớn, có thể khai thác từ 2 đến 3 chuyến/1 đêm.

Qua tìm hiểu, được biết ngoài việc tổ chức lực lượng cảnh giới, theo dõi di biến động của lực lượng chức năng, những đối tượng khai thác cát trộm còn sử dụng hóa đơn quay vòng. Cụ thể, khi mua cát hợp pháp tại mỏ sẽ được xuất hóa đơn bán hàng chứng minh nguồn gốc, xuất xứ nhưng thông thường hóa đơn chỉ ghi tháng, năm. Riêng ngày bán được bỏ trống và người mua chỉ điền vào khi bị kiểm tra. Với hình thức này, hóa đơn bán hàng trở thành "bùa hộ mệnh" nên việc bắt quả tang cho những đối tượng chuyên khai thác cát lậu là điều vô cùng khó khăn. Theo chúng tôi, việc lãnh đạo tỉnh Quảng Nam ban hành quyết định cấm các phương tiện đường thủy trang bị máy hút cát và tăng cường tuần tra kiểm soát, quản lý việc khai thác tại các mỏ là biện pháp đấu tranh tận gốc đối với nạn khai thác cát trộm hiện nay.   

 Tấp nập cảnh mua bán cát của ông C. tại H. Duy Xuyên.

Tại Quảng Nam hiện có gần 100 bãi tập kết và kinh doanh cát. Tuy nhiên, việc quản lý đối với những điểm kinh doanh cát này vẫn đang... bỏ ngỏ. Câu hỏi cát được mua bán tại các bãi có nguồn gốc, xuất xứ ở đâu vẫn chưa có câu trả lời. Tuy nhiên, một điều ai cũng có thể nhìn thấy là một số chủ bãi, chỉ trong một thời gian ngắn kinh doanh đã phất lên rất nhanh. Cụ thể, tại P. Vĩnh Điện, TX Điện Bàn ai cũng biết bà M. (tên gọi khác là Bé)- chỉ sau 3 năm kinh doanh cát đã có một khoản tài sản kếch xù. Tương tự, ông L.- Giám đốc Cty T.H, trú P. Điện Dương, TX Điện Bàn, ông K.C, trú Duy Phước, Duy Xuyên (Quảng Nam) và nhiều cá nhân khác đã phất lên nhanh từ việc kinh doanh cát xây dựng. Theo nhiều người, việc giàu lên nhanh là nhờ vào kinh doanh nguồn cát bất hợp pháp. Ước tính, nếu mua cát từ mỏ được cấp giấy phép có giá dao động từ 100.000 đồng đến 120.000 đồng/1 m3 nhưng khi mua của những đối tượng khai thác trộm thì giá chỉ còn phân nửa. Dù thu mua từ nguồn cát nào nhưng các chủ bãi bán ra đều có giá thành như nhau là 180.000 đồng/1m3. Vì thế, với nguồn cát lậu sẽ lãi rất lớn.

Người dân cho biết, ngoài việc thu mua cát không phép, "dưới trướng" bà M., ông L., ông K.C có từ 8 đến 10 thuyền (khối lượng từ 90m3 đến 100m3/thuyền) chuyên hút cát trái phép trên các bãi ven sông Thu Bồn. Điển hình, trong những ngày đầu năm 2018, lực lượng Cảnh sát Môi trường CA tỉnh Quảng Nam đã bắt 6 thuyền đang thực hiện hành vi hút cát trái phép và số thuyền này đều thuộc sở hữu của bà M., ông L. nhưng được người khác đứng tên đăng ký giúp. Tuy nhiên, điều dư luận quan tâm là cơ quan chức năng chưa làm rõ đối tượng, địa điểm tiêu thụ khối lượng cát khai thác trái phép. Trước vấn đề dư luận đặt ra, ông Trần Úc- Chủ tịch UBND TX Điện Bàn, cho biết: Quan điểm của thị xã Điện Bàn là việc tiêu thụ cát lậu cũng được xem là hình thức vi phạm. Trong thời gian đến, Điện Bàn chủ động kiểm tra nguồn gốc cát tại các điểm thu mua. Nếu phát hiện nơi nào có hành vi gian dối sẽ đề xuất UBND tỉnh rút giấy phép kinh doanh. Nếu chặn được đầu ra (đầu ngọn), không có nơi tiêu thụ những đối tượng chuyên khai thác trái phép sẽ tự chấm dứt hành vi vi phạm và hạn chế tình trạng sạt lở đất như hiện nay.   

Hy vọng, việc áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp, như: cấm các phương tiện đường thủy trang bị máy hút, kiểm tra chặt chẽ quá trình kinh doanh tại các bãi cát..., sẽ đẩy lùi nạn khai thác cát trái phép tại Quảng Nam, trả lại sự bình yên cho những dòng sông và người dân vơi đi nỗi mất đất...

P.M