Chống sạt lở biển Cửa Đại – Hội An: Nước đã tới chân!

Thứ tư, 13/05/2015 07:51

(Cadn.com.vn) - Ngày 12-5, tại TP Hội An đã diễn ra Hội thảo khoa học về một số kết quả nghiên cứu ban đầu về cơ chế chống xói lở và giải pháp chống xói lở biển Cửa Đại, Hội An. Hội nghị đã tập trung rất nhiều nhà khoa học đầu ngành cùng thảo luận để đưa ra những phương án tốt nhất nhằm cứu vãn bãi biển Cửa Đại.

Theo báo cáo tại Hội thảo, hằng năm, biển Cửa Đại mất khoảng từ 20-30m độ sâu. Trong một vài năm trở lại đây, bãi biển này đang ngày càng hoang phế khi mất từ 30-70m độ sâu/năm. Được biết, chiều nay các chuyên gia, nhà khoa học sẽ đặt một số hệ thống quan trắc để đo tốc độ sạt lở từ đó có cơ sở khoa học khẳng định mức độ sạt lở chi tiết nhất để tìm giải pháp tối ưu cho biển Cửa Đại.

Biển Cửa Đại đang bị  tàn phá dữ dội.

Thiếu hụt nguồn cát từ thượng nguồn

Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt và biến đổi khí hậu mạnh nên vùng bờ biển Hội An bị sạt lở nhanh chóng, đặc biệt là khu vực bãi biển Cửa Đại dài hơn 3km, nơi tập trung các khu nghỉ dưỡng lớn của TP Hội An. Nhiều dự án khách sạn, khu nghỉ dưỡng đang xây dựng và hoạt động tại đây bị uy hiếp, một số dự án xây dựng dang dở phải bỏ hoang. Con đường ven biển của Hội An là đường Âu Cơ, trước đây bãi biển cách đường hơn 200m thì nay tình trạng sạt lở đã tiến sát chỉ còn cách đường vài chục mét, sóng biển cũng đã “nuốt” nhiều bãi tắm đẹp dọc con đường này. Theo các chuyên gia, ngoài nguyên nhân khách quan, còn có cả những nguyên nhân chủ quan khác là do các hồ chứa, gây thiếu hụt lượng bùn cát đổ về.

Các khu resort đang bị biển “hỏi thăm” đến tận cửa.

Trao đổi với phóng viên, GS- TS Hitoshi Tanakan (Đại học Tohoku, Nhật Bản) cho biết: Qua kết quả nghiên cứu đưa ra một số nhận xét: hiện tượng xói lở Cửa đại liên quan rất nhiều đến thiếu hụt nguồn cát trên thượng nguồn trở xuống, điều này thấy rõ nhất là xói lở ở cửa sông chứ không xói lở tất cả bờ biển Quảng Nam. Hiện tượng xói lở lan truyền dần lên phía bắc và lan truyền rõ rệt hơn. Các phương án mang tính ngắn hạn thì hoàn toàn có thể thực hiện được đối với những vị trí xói lở rất nghiêm trọng bằng những biện pháp công trình để hạn chế ngay tình trạng trên. Thế nhưng, nếu chúng ta áp dụng biện pháp công trình để chống xói lở đối với những vị trí đó thì hiện tượng xói lở lại lan truyền sang những vị trí bên cạnh. Tức là bảo vệ ở chỗ này lại gây ra hậu quả ở những chỗ khác. Đặc biệt là phần phía Bắc sẽ lan truyền lên phía trên.

Theo GS- TS Hitoshi Tanakan, về lâu dài, tình trạng khai thác cát trên sông Vu Gia, Thu Bồn rất nghiêm trọng, làm suy giảm nguồn cát ở thượng lưu, ảnh hưởng đến bờ biển Cửa Đại và sạt lở ngày có xu hướng dịch chuyển về phía Bắc, có thể nhận thấy việc xói lở không xuất phát từ ngay bờ biển mà liên quan đến hệ thống thượng nguồn. Tất cả các hồ chứa ở thượng nguồn có rất nhiều, khi xây dựng làm bùn cát giữ lại rất nhiều trong những hồ chứa đó. Vì vậy, phương án tốt nhất là giải phóng bùn cát có trong những hồ chứa, tăng lượng bùn cát cho thượng lưu.

Theo các chuyên gia, phương án làm kè chỉ mang tính tạm thời.

Giải pháp “nuôi bãi”

Trong khi đó, PGS-TS Trần Thanh Tùng, Đại học Thủy Lợi cho biết: giải pháp “nuôi bãi” đã được thế giới thực hiện từ năm 1930, nhiều ở Châu Âu, đặc biệt ở Hà Lan. Ở Việt Nam chưa áp dụng phương pháp này để chống xói lở. Về mặt kỹ thuật, Việt Nam có thể đáp ứng được nhưng đòi hỏi kinh phí rất cao, lại là không phải công trình cứng, vì người ta mang bùn cát đổ trực tiếp lên biển. Sau một thời gian, bùn cát này lại mất đi vì vậy việc “nuôi bãi” phải được thực hiện lại. Chính vì vậy, có vẻ giống như mang tiền... đổ ra biển! Tuy vậy, tại bờ biển du lịch bãi biển du lịch Hội An, nếu muốn tái tạo bãi biển nhanh thì bắt buộc chúng ta phải “nuôi bãi”, đồng thời kết hợp với các biện pháp công trình khác.

Cùng nhận xét trên, GS- TS Lương Phương Hậu (Đại học Xây dựng Hà Nội) cũng cho rằng: Hiện nay tại thế giới có rất nhiều giải pháp khôi phục lại cửa biển, phương pháp thì nhiều nhưng ứng dụng như thế nào cho hiệu quả cả về kinh tế, môi trường là điều chúng ta nghiên cứu kỹ. Về kỹ thuật thì chúng ta có thể đảm đương được, chỉ vấn đề là giao cho  tổ chức nghiên cứu có tính chính xác cao để có kết luận chính xác.

Ông Nguyễn Văn Dũng, quyền Chủ tịch TP Hội An cho biết: Hiện tượng sóng biển xâm thực biển Cửa Đại quá nhanh và diễn biến bất thường. Mặc dù UBND TP Hội An đã lên phương án gia cố chống sạt lở khu vực Cửa Đại trong mùa mưa vừa qua với vốn đầu tư 10 tỷ đồng nhưng đến nay, tình trạng xâm thực diễn ra quá nhanh, trên diện rộng nên số tiền đầu tư thực sự là quá ít. Hội An cũng đã thử nghiệm làm kè chống sạt lở kè chắn sóng thì kinh phí cho 1km là  hơn 50 tỷ đồng. Trong khi đó, Hội An có 6km đang trong tình trạng sạt lở nghĩa là hơn 300 tỷ đồng cho công tác chống sạt lở. Còn nếu sử dụng phương án kè tổng hợp (kè kết hợp với việc nuôi bãi) thì con số sẽ vượt quá 50 tỷ đồng/km rất nhiều.

Theo ông Nguyễn Văn Dũng, để chi phí cho việc ngăn chặn sạt lở, chính quyền và cư dân phố Hội rất trăn trở, không biết đến khi nào biển Cửa Đại được thực thi các giải pháp chống sạt lở một cách khả thi. Nếu không sớm giải quyết thực trạng này, thì không chỉ bờ biển Cửa Đại sạt lở, mà biển Cẩm An, hay nhiều bờ biển khu vực chạy dọc đó theo hướng bắc ra phía Đà Nẵng cũng bị uy hiếp không kém trong thời gian sắp tới.

Lê Anh Tuấn