Chu đáo - Nhanh gọn - Khoa học
Tuy là ngày cuối tuần nhưng tại trụ sở Công an quận Thanh Khê, số 324 đường Hà Huy Tập, TP Đà Nẵng vẫn khá đông người dân có nhu cầu làm hồ sơ cấp thẻ Căn cước, giấy chứng nhận Căn cước đến chờ để được cán bộ hướng dẫn các thủ tục đăng ký theo quy định.
Trung tá Trần Văn Đại - Đội trưởng Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (CSQLHC về TTXH) Công an quận Thanh Khê cho biết, việc triển khai Luật Căn cước năm 2023 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2024) được Đảng uỷ, lãnh đạo Công an quận chỉ đạo Đội CSQLHC về TTXH và Công an 10 phường đẩy mạnh công tác tuyên truyền những điểm mới, phân loại theo nhóm tuổi công dân từ 0 đến 6 tuổi, công dân đủ 6 tuổi đến 14 tuổi và công dân đủ 14 tuổi trở lên để cập nhật dữ liệu lên hệ thống, đảm bảo "đúng, đủ, sạch, sống" phục vụ tốt công tác thu nhận, cấp thẻ Căn cước mới. Bên cạnh đó, đơn vị bố trí đầy đủ nguồn nhân lực, trang thiết bị, máy thu nhận mống mắt … góp phần cụ thể hoá Đề án 06 hướng đến mục tiêu xây dựng chính phủ số, kinh tế số và công dân số trên địa bàn quận Thanh Khê.
Chị Phạm Thị Lê Vân, trú tại địa chỉ 698/9 đường Trần Cao Vân, công tác tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên số 2 có mặt từ rất sớm để làm thủ tục cấp lại thẻ căn cước. Chị Vân còn tranh thủ đưa cháu ruột Phạm Thị Uyên Thư (sinh ngày 9-12-2010) đang học Trường THCS Lê Thị Hồng Gấm cùng đi làm thẻ Căn cước mới. Sau khi hoàn tất công việc, chị Vân bộc bạch: "Các anh, chị Công an làm việc rất nhiệt tình, khoa học, mọi thủ tục diễn ra nhanh chóng, thuận tiện cho người dân. Không chỉ riêng cá nhân tôi mà những người tôi tiếp xúc đều tỏ ra rất hài lòng về cung cách và tinh thần phục vụ của lực lượng Công an trong quá trình làm hồ sơ, thủ tục cấp thẻ Căn cước". Tại thời điểm trò chuyện cùng chị Vân, người viết chứng kiến 3 cán bộ trực tiếp trong ca tiếp dân đang tất bật giải quyết nhanh gọn các phần việc: Thiếu tá Lê Vũ Tịnh chịu trách nhiệm hướng dẫn nộp hồ sơ, tiếp nhận, lấy thông tin, in phiếu thu thập thông tin cho công dân kiểm tra; Thiếu tá Trần Hữu Phước chụp ảnh, lấy mống mắt; sinh viên thực tập Trần Huỳnh Đức lấy vân tay. Tất cả phối hợp với nhau rất chặt chẽ, khoa học; nhờ vậy mọi việc diễn ra suôn sẻ, hợp lý, giúp quá trình làm thủ tục cấp thẻ Căn cước và giấy chứng nhận Căn cước cho công dân trở nên hoàn chỉnh. Thiếu tá Phước thông tin thêm, từ ngày 1-7 đến nay đã có khoảng trên 600 công dân đến làm hồ sơ cấp Căn cước, trong đó có 30 trường hợp dưới 14 tuổi và đã có 3 trường hợp dưới 14 tuổi được trao thẻ Căn cước đầu tiên.
Luật Căn cước 2023 chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2024 quy định thẻ Căn cước mới sẽ bỏ thông tin quê quán, nơi thường trú, vân tay, đặc điểm nhận dạng, thay vào đó là thông tin nơi đăng ký khai sinh và nơi cư trú của công dân. Mở rộng thêm đối tượng được cấp thẻ Căn cước gồm: Công dân Việt Nam dưới 14 tuổi cấp thẻ Căn cước theo nhu cầu; công dân Việt Nam không đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú nếu được cập nhật thông tin nơi ở hiện tại vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Ngoài ra, đây là lần đầu tiên người dưới 6 tuổi được cấp thẻ Căn cước. Để cấp cho đối tượng này, người đại diện hợp pháp của người dưới 6 tuổi làm thủ tục thông qua Cổng dịch vụ công hoặc ứng dụng định danh quốc gia. Cơ quan chức năng không thu nhận thông tin nhân dạng và sinh trắc học đối với người dưới 6 tuổi.
Thượng tá Bùi Thanh Tùng - Phó Trưởng Công an quận Thanh Khê cho biết, do đã có kinh nghiệm từ các đợt làm Căn cước trước đây, cộng với hệ thống trang thiết bị hiện đại, quy trình làm việc khoa học cùng tinh thần trách nhiệm cao của mỗi cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ nên việc thu nhận, cấp Căn cước trên địa bàn quận trong tuần qua diễn ra một cách thuận lợi, đạt hiệu quả cao; được nhân dân khen ngợi, đồng tình, ủng hộ.
Phương Kiếm