Chủ động bình ổn thị trường
Sau khi Việt Nam công bố ca nhiễm bệnh Covid-19 thứ 17, một bộ phận người dân thành phố Đà Nẵng đã tập trung đến các siêu thị, trung tâm thương mại để mua sắm tích trữ hàng hóa, chủ yếu là nhóm hàng thực phẩm khô như mỳ tôm, đồ hộp... dẫn đến một số loại hàng hóa thiết yếu bị thiếu hàng do không kịp bổ sung, gây hoang mang lo lắng cho người dân trên địa bàn. Trước tình hình đó, Sở Công Thương đã làm việc với các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn và được Lãnh đạo các siêu thị cam kết, sẵn sàng cung ứng tăng 20-40% các chủng loại thực phẩm, đảm bảo không để thiếu hàng.
Qua thống kê, công tác dự trữ hàng hóa tại các siêu thị, trung tâm thương mại với các loại hàng hóa thiết yếu đạt gần 100 tỷ đồng, đảm bảo cung ứng cho thị trường, điển hình như Siêu thị BigC Đà Nẵng tương ứng là 20,6 tỷ đồng, Siêu thị Lotte Mart Đà Nẵng 50 tỷ đồng, Siêu thị Co.opMart Thanh Khê 11,9 tỷ đồng… Trong đó, riêng mỳ bún phở dự trữ là 274.226 thùng, dầu ăn là 125.721 lít. Tại các chợ truyền thống, hàng hóa được đưa về tương đối dồi dào, giá cả không tăng, đủ lượng hàng hóa cung cấp cho người tiêu dùng tại Đà Nẵng. Cụ thể, lượng hàng hóa thiết yếu dự trữ tại 4 chợ thuộc quản lý của Sở Công Thương khoảng 982 triệu đồng, bao gồm: 6.450kg gạo, 705 thùng mỳ tôm, 6.020 lít dầu, 9.600 chai nước mắm, khoảng 2.000 bộ mùng, mềm, gối và các vật dụng cá nhân. Lượng hàng hóa thiết yếu dự trữ tại các chợ trên địa bàn quận, huyện ước đạt gần 20 tỷ đồng, trong đó hàng hóa được lưu chuyển về chợ theo chu kỳ 2 đến 3 ngày một lần. Đến nay, thị trường đã bình ổn trở lại, nguồn cung hàng hóa vẫn dồi dào cùng với sự tin tưởng của người dân vào công tác điều hành, kiểm soát dịch bệnh của thành phố nên không còn tâm lý tích trữ hàng hóa, việc đổ xô đi mua hàng tích trữ đã giảm mạnh.
Trong tình hình dịch diễn biến phức tạp, Sở Công thương TP Đà Nẵng đã lên phương án đảm bảo phục vụ nhu cầu thiết yếu cho người dân trong trường hợp cách ly diện rộng (tại các khu dân cư, tổ dân phố, phường, xã…). Theo đó, người dân tự mua sắm hàng hóa thông qua việc đặt hàng trực tuyến hoặc qua điện thoại qua các kênh cung cấp hàng hóa tại các siêu thị, trung tâm thương mại. Hàng hóa được giao đến khu vực cách ly, việc giao nhận và thanh toán sẽ được cán bộ tại khu vực hỗ trợ thực hiện và chuyển hàng đến tận tay khách hàng. Trên cơ sở đề xuất, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 sẽ ký hợp đồng đối với các đơn vị phân phối để thực hiện. Địa điểm giao nhận hàng được tập trung tại vòng ngoài khu vực cách ly; căn cứ trên số lượng người được cách ly, nhà phân phối sẽ vận chuyển đúng, đủ số lượng, giao hàng theo thời gian cụ thể mỗi ngày.
Đối với các trường hợp với cách ly tập trung tại các khu vực cách ly của thành phố, Sở đã làm việc với một công ty tham gia cung ứng suất ăn công nghiệp, sẵn sàng cung ứng suất ăn trong trường hợp phát sinh lượng lớn người bị cách ly.
Mai Vinh