Chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh đau mắt đỏ
Số ca đau mắt đỏ tăng cao
Qua báo cáo từ các cơ sở khám chữa bệnh công lập, từ đầu tháng 9 đến nay, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên- Huế ghi nhận hơn 16.556 ca đau mắt đỏ.
Tại khoa Khám bệnh và Trung tâm Mắt (Bệnh viện Trung ương Huế) những ngày qua, số người bệnh đến thăm khám có dấu hiệu đau mắt đỏ tăng cao. Lúc cao điểm, ghi nhận trung bình mỗi ngày có 60-70 bệnh nhân đến khám. Trong đó, chủ yếu là các em học sinh (HS) ở cấp tiểu học và mầm non (MN).
Trong khi đó, tại Bệnh viện Mắt Huế, số lượng bệnh nhân đến khám đau mắt đỏ cũng tăng cao, từ 1-9 đến nay trung bình mỗi ngày có khoảng 31. Các bác sĩ cho biết, bệnh nhân đến khám có các dấu hiệu điển hình như đỏ mắt, chảy ghèn, chảy nước mắt, có người bị sốt nhẹ nhưng chưa ghi nhận ca nặng.
Theo BS.CKII Phạm Như Vĩnh Tuyên - Phó Giám đốc Trung tâm Mắt, Bệnh viện Trung ương Huế, so với cùng kỳ năm ngoái, số bệnh nhân đến khám đau mắt đỏ tại bệnh viện tăng cao. Trong một tháng gần đây bệnh viện khám và điều trị hơn 400 trường hợp. Hiện chưa ghi nhận ca trở nặng, nhưng cũng có những ca có để lại di chứng trên giác mạc – viêm giác mạc chấm nông khiến cho mắt nhìn bị mờ, ảnh hưởng thị lực. "Các trường hợp bệnh nặng trên cần phải được khám và theo dõi sát để tránh giảm thị lực về sau. Để phòng ngừa lây lan bệnh này, cần sát khuẩn, tránh sử dụng tay đưa lên mắt, những trường hợp đã bị cần tách riêng với những người trong gia đình. Đặc biệt, tại các trường học, khi phát hiện ca nghi ngờ cần cho các em tạm không đến trường để tránh lây lan ra cộng đồng" - BS.CKII Phạm Như Vĩnh Tuyên khuyến cáo.
Tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh
Để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn toàn tỉnh, không để dịch bệnh bùng phát diện rộng, UBND tỉnh đã ban hành Công văn đề nghị Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và Trung tâm Y tế các địa phương theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình bệnh đau mắt đỏ, kịp thời phát hiện, xử lý triệt để ca bệnh, ổ dịch đau mắt đỏ tại cộng đồng, đảm bảo không để dịch lan rộng, kéo dài. Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật tư, hóa chất và thực hiện tốt công tác khám, thu dung điều trị bệnh đau mắt đỏ và thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo dịch bệnh theo quy định. Tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức về chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh đau mắt đỏ để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế, đặc biệt tại tuyến y tế cơ sở. Tổ chức hướng dẫn triển khai các biện pháp chống lây nhiễm tại nhà trẻ, trường học, cơ quan, xí nghiệp và cộng đồng; các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh cần tổ chức tốt việc tư vấn, điều trị, thông báo kịp thời cho các đơn vị, địa phương có bệnh nhân để triển khai các biện pháp phòng bệnh.
Sở Y tế phối hợp với ngành GD-ĐT để xử lý các trường hợp đau mắt đỏ tại trường học, không để lây lan trên diện rộng trong cơ sở giáo dục và lan ra cộng đồng. Tăng cường công tác truyền thông, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh đau mắt đỏ bằng nhiều hình thức để người dân biết và chủ động phòng, chống cho bản thân và gia đình. Chuẩn bị đầy đủ không để thiếu thuốc, vật tư, hóa chất, thiết bị phòng chống dịch; tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện theo đúng quy định của Bộ Y tế.
Sở GD-ĐT, Sở Lao động – Thương binh & xã hội và Đại học Huế chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn theo phân cấp quản lý thực hiện các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ trong nhà trường; phối hợp với ngành Y tế để triển khai xử lý ổ dịch sớm, triệt để. Đẩy mạnh công tác truyền thông, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh đau mắt đỏ bằng nhiều hình thức tại các cơ sở giáo dục cho HS-SV, giáo viên và nhân viên nhà trường. Sở GD-ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục MN cần đảm bảo vệ sinh trường học, giáo viên hướng dẫn và giúp trẻ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, đảm bảo mỗi trẻ có một khăn mặt riêng, rửa mặt bằng nước sạch, rửa tay bằng nước sạch với xà phòng, không dùng tay dụi vào mắt, tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho phụ huynh HS về các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ; phối hợp cha mẹ đưa trẻ đi khám chuyên khoa mắt để có cách dùng thuốc phù hợp.
UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể của địa phương tập trung làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động, tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đau mắt đỏ ngay tại hộ gia đình, cộng đồng, đặc biệt là tại các nhà trẻ, trường MN, cơ sở giáo dục, khu công nghiệp, trung tâm thương mại… trên địa bàn. Chỉ đạo Phòng GD-ĐT và các lực lượng địa phương phối hợp với ngành Y tế trong công tác hướng dẫn, hỗ trợ, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh đau mắt đỏ.
Hầu Tỷ