Chủ động ứng phó bão đầu mùa
(Cadn.com.vn) - Chiều 12-9, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh chủ trì cuộc họp khẩn với các ban ngành, địa phương triển khai công tác ứng phó với áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão. Ông Minh chỉ đạo các đơn vị liên quan chủ động chuẩn bị theo phương châm 4 tại chỗ, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân.
Cấm tàu thuyền ra khơi
Nhận định áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và ảnh hưởng trực tiếp đến các địa phương từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi, ngay trong chiều 12-9, Sở GD&ĐT thành phố Đà Nẵng đã có thông báo tới các trường cho học sinh nghỉ học từ hôm nay (13-9). UBND thành phố giao Giám đốc Sở GD&ĐT theo dõi diễn biến của thời tiết, quyết định thời điểm phù hợp cho học sinh đi học trở lại.
Chiều cùng ngày, BCH BĐBP thành phố và Đài Thông tin duyên hải đã thông báo cho tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh, thoát ra khỏi hoặc không đi vào vùng nguy hiểm, tìm nơi trú ẩn an toàn. Lực lượng chức năng cũng đã có lệnh nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi đồng thời triển khai công tác kiểm đếm, quản lý chặt chẽ, thường xuyên cập nhật và cung cấp tình hình cho BCH PCTT&TKCN thành phố. Đến cuối ngày, thông tin về áp thấp nhiệt đới đã được thông báo đến 161 tàu thuyền với 1.332 lao động, cụ thể có 4 tàu (43 lao động) đang hoạt động ở Bắc Hoàng Sa, 10 tàu (113 lao động) ở Tây Hoàng Sa, 23 tàu (170 lao động) ở vùng biển Hải Phòng, 26 tàu (255 lao động) ở khu vực từ Quảng Trị đến Thừa Thiên – Huế và 92 tàu (699 lao động) đang hoạt động trong vùng biển Đà Nẵng.
Cuối giờ chiều, lực lượng CSGT đường thủy, Chi cục Thủy sản thành phố đã tổ chức di dời tàu thuyền trên sông Hàn vào trú tránh bão tại âu thuyền Thọ Quang và vịnh Mân Quang. Ban Quản lý cảng cá và âu thuyền Thọ Quang phối hợp cùng BĐBP cũng đã hướng dẫn, sắp xếp tàu cá của ngư dân các tỉnh miền Trung vào neo đậu theo khu vực và đảm bảo an toàn cho phương tiện cũng như đề phòng nguy cơ cháy nổ. Sở Xây dựng, Sở GTVT, UBND các quận huyện chỉ đạo các chủ đầu tư, Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng khẩn trương tổ chức phòng chống cho các công trình; cắt tỉa cây có nguy cơ ngã đổ; phòng chống ngập úng cho các công trình đang thi công dở dang. UBND thành phố cũng đã chỉ đạo BCH PCTT&TKCN các quận, huyện rà soát, sẵn sàng triển khai các phương án phòng chống bão, tổ chức chằng chống nhà cửa, chuẩn bị phương án sẵn sàng sơ tán nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Cty Khai thác Thủy lợi Đà Nẵng và các địa phương, đơn vị quản lý các hồ chứa nước thường xuyên theo dõi chặt chẽ mực nước, đảm bảo an toàn các hồ chứa, sẵn sàng lực lượng, trang thiết bị để kịp thời xử lý các sự cố, đảm bảo an toàn cho công trình.
Đơn vị thi công tháo lều bạt để chống mưa bão trong ngày 12-9. |
Đề phòng nguy cơ sạt lở, lũ quét
Phó Chủ tịch Hồ Kỳ Minh đã kết thúc cuộc họp khẩn rất sớm để các đơn vị, địa phương ưu tiên công tác kiểm tra hiện trường, chuẩn bị ứng phó khi bão đổ bộ. Ông Minh chỉ đạo, kèm theo bão sẽ có mưa lớn, chính vì vậy chủ tịch UBND các quận huyện triển khai ngay phương án phòng chống bão, lũ, lũ quét; phương án sơ tán nhân dân tại những vùng trũng thấp, vùng ven biển, sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở. Trong đó, UBND H. Hòa Vang phải đặc biệt quan tâm đến các khu dân cư ven sông Cu Đê, Túy Loan, sẵn sàng sơ tán nhân dân và cứu nạn kịp thời trong tình huống nguy hiểm. Sở Xây dựng phối hợp với UBND huyện yêu cầu các đơn vị thi công công trình kênh thoát lũ Hòa Liên khẩn trương nạo vét, khơi thông, tháo dỡ các đường công vụ chắn ngang để tăng cường khả năng thoát lũ, chống ngập úng khu vực hạ du hồ Hòa Trung và các khu tái định cư Hòa Liên.
Để chủ động trong trường hợp bão đổ bộ, Cty Điện lực Đà Nẵng triển khai phương án đảm bảo an toàn điện và khắc phục nhanh chóng các sự cố khi bão đi qua. Sở Y tế sẵn sàng các phương án cấp cứu, kể cả cấp cứu lưu động người dân khi xảy ra sự cố đồng thời chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc và hóa chất cần thiết để xử lý môi trường sau mưa bão. Sở Công Thương phối hợp với các đơn vị liên quan chuẩn bị đầy đủ lương thực, nước uống, nhiên liệu để sẵn sàng hỗ trợ khi thiên tai xảy ra. Phó Chủ tịch UBND thành phố đề nghị BCH Quân sự, BCH BĐBP, Công an thành phố, Cảnh sát PCCC và các lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn chủ động các kịch bản phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và PCCC trong trường hợp người dân cần đến.
Tại cuộc họp khẩn, ông Hồ Kỳ Minh cũng phê bình một số đơn vị liên quan trực tiếp nhưng không có lãnh đạo hoặc cán bộ chuyên trách tham dự. Ông Minh nhấn mạnh, trên cơ sở nhiệm vụ đã được phân công theo các phương án ứng phó với từng kịch bản thiên tai, đơn vị nào để xảy ra sai sót dẫn đến những tổn thất về tài sản, tính mạng của người dân thì phải chịu trách nhiệm trước UBND thành phố.
Cơn mưa lớn chiều ngày 12-9 khiến nhều khu vực của Đà Nẵng bị ngập nặng. Ảnh: P.K |
Đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ ABG5
Do điều kiện thời tiết không thuận lợi, có mưa to kéo nên trong ngày 12-9, BTC địa phương đăng cai Đại hội thể thao bãi biển Châu Á (ABG5) cho phép đơn vị thi công tiến hành tháo dỡ lều bạt đã lắp ráp xong để đề phòng áp thấp nhiệt đới và bão gây hư hỏng. Theo bà Võ Lý Vân Nhi, Quản lý Cấp cao Cty Kingsmen Vietnam, đơn vị đảm nhiệm thi công các hạng mục thi đấu ABG5, sáng 12-9, từ thông tin dự báo thời tiết và quá trình khảo sát thực địa, BTC địa phương đăng cai ABG5 đồng ý thống nhất phương án tháo dỡ lều bạt để chống thiệt hại do mưa bão gây ra. Phương án đặt ra là chỉ giữ lại phần khung sắt, còn toàn bộ lều bạt đều được tháo ra cuộn lại tại chỗ, chờ thời tiết thuận lợi sẽ lắp lại. Việc lắp ráp này dự kiến sẽ hoàn thành trong vòng 2 ngày, không ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch tổ chức đại hội.
Đến thời điểm hiện nay, Đà Nẵng đã lắp ráp gần xong hệ thống lều bạt, nhà tạm và các hạng mục công trình liên quan phục vụ ABG5 sẽ diễn ra từ ngày 24-9 đến 3-10. Ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, Trưởng BTC địa phương đăng cai ABG5 cam kết, dù thời tiết có như thế nào đi chăng nữa thì Đà Nẵng vẫn có phương án đảm bảo cho các VĐV tham dự ABG5 được thi đấu tất cả các môn đã đăng ký với BTC.
LLVT Quân khu 5 chủ động ứng phó mưa bão Ngày 12-9, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn Quân khu 5 họp khẩn do Thiếu tướng Nguyễn Đình Tiến, Phó Tư lệnh Quân khu 5 chủ trì, yêu cầu các cơ quan, đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và triển khai ngay các phương án chủ động phòng chống có hiệu quả. Chấp hành chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Quân khu 5, các cơ quan, đơn vị LLVT Quân khu 5 tăng cường trực chỉ huy, trực ban các cấp, thường xuyên theo dõi nắm chắc diễn biến thời tiết, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới, rà soát kế hoạch phòng chống lụt bão, tìm kiến cứu nạn, dự lường và triển khai biện pháp ứng phó với khả năng lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra trên địa bàn, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt trong mọi tình huống. LLVT Quân khu 5 thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng lực lượng, phương tiện, lương thực, thực phẩm, hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị của Bộ Quốc phòng kịp thời cơ động ứng cứu khi có tình huống xảy ra, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tính mạng, tài sản của nhân dân. Ngọc Diệp |
Hoãn, hủy nhiều chuyến bay
Báo cáo của đại diện các hãng hàng không, tính đến cuối ngày 12-9, đã có ít nhất trên dưới 10 chuyến bay đi và đến các sân bay của miền Trung phải hoãn, hủy chuyến do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới. Đại diện Vietnam Airlines tại Đà Nẵng cho hay, ngoài chuyến bay mang số hiệu VN1601 từ Hà Nội đi Buôn Ma Thuột đã không thể hạ cánh, phải đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất, VNA cũng đã hủy 7 chuyến bay đi và đến sân bay Buôn Ma Thuột trong ngày.
Cụ thể là 4 chuyến chặng Buôn Ma Thuột - Tân Sơn Nhất mang số hiệu VN1416, 1417, 1414, 1415; chuyến VN1600 đi Hà Nội và hai chuyến VN1911/1910 đi và đến Đà Nẵng. Đại diện Jetstar cho biết, trong buổi sáng 12-9, có một chuyến bay của hãng này từ TPHCM đi Buôn Ma Thuột nhưng không thể hạ cánh do thời tiết quá xấu nên phải bay về lại TPHCM. Được biết, hãng VietjetAir cũng đã có nhiều chuyến bay phải hoãn, hủy chuyến đến các sân bay miền Trung trong ngày 12-9. Trước đó, ngày 11-9, vì ảnh hưởng của cơn mưa giông lớn, nhiều chuyến bay của VNA từ các sân bay của miền Trung đến Tân Sơn Nhất không thể hạ cánh.
Nhóm P.V Thời sự
* Ngày 12-9, tỉnh Quảng Trị tổ chức diễn tập phòng chống thiên tai, bão lụt với quy mô lớn với hơn 600 CBCS thuộc các lực lượng vũ trang và nhân dân trên địa bàn tham gia. Ghi nhận tại cuộc diễn tập, các lực lượng tham gia thể hiện tốt các tình huống. Cũng qua đây, các sở ngành tập trung tuyên truyền cho nhân dân nâng cao hơn nữa ý thức chủ động trong phòng chống thiên tai. Theo bà con, họ đã có thêm nhiều kinh nghiệm bổ ích qua đợt diễn tập này.
Các lực lượng tham gia diễn tập cứu hộ, cứu nạn tại khu vực bị bão đổ bộ. |
Tin, ảnh: Bảo Hà