Chủ động ứng phó với mọi diễn biến bất lợi của thời tiết

Thứ bảy, 05/04/2014 09:44

(Cadn.com.vn) - Ngày 4-4, tại TP Đà Nẵng, Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng chống bão lụt Trung ương phối hợp Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn tổ chức hội nghị tổng kết công tác phòng chống bão lụt (PCBL) và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) năm 2013, triển khai nhiệm vụ năm 2014. Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Theo ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, năm 2013, thiên tai năm 2013 làm 285 người chết và mất tích, 859 người bị thương, 12.185 nhà bị đổ, sập, trôi; 893.435 nhà bị ngập, hư hại, tốc mái; 345.802 ha diện tích lúa và hoa màu bị thiệt hại; hàng triệu mét khối đất đá giao thông, thủy lợi bị sạt lở, bồi lấp, tổng mức thiệt hại khoảng 28.000 tỷ đồng.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Chia sẻ kinh nghiệm

Trung tướng Trần Quang Khuê, Phó tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam cho biết, phát huy vai trò nòng cốt trong việc ứng phó, khắc phục hậu quả các tình huống thiên tai, năm 2013, lực lượng quân đội đã điều động 555.310 lượt CBCS, 6.522 lượt phương tiện, phối hợp tổ chức TKCN 990 vụ/1.973 người, kêu gọi  trên 1 triệu phương tiện và gần 5 triệu ngư dân về nơi tránh bão an toàn. Mới nhất là việc huy động lực lượng tích cực tìm kiếm máy bay mang số hiệu MH370 bị mất tích của hãng hàng không quốc gia Malaysia trên vùng biển Việt Nam, được dư luận trong nước và quốc tế đánh giá rất cao. Quá trình TKCN, theo Trung tướng Trần Quang Khuê, để đạt hiệu quả cao hơn nữa cần phải rà soát lại các kế hoạch phòng chống thiên tai bão lụt, trang bị thêm tàu công suất lớn cho lực lượng Bộ đội Biên phòng.

Thiếu tướng Phạm Quang Cử, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần Kỹ thuật (BCA) cho biết, BCA đã chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc kế hoạch của UBQG TKCN, kiểm tra rà soát, hướng dẫn, bổ sung các phương án chữa cháy; huy động được 59.186 lượt CBCS và 2.091 phương tiện thực hiện 327 vụ cứu hộ, cứu nạn.  Để công tác này đạt hiệu quả cao, thời gian tới, Chính phủ cần phải bổ sung thêm phương tiện cứu hộ, cứu nạn cho lực lượng công an, nhất là khi ứng phó với bão lớn.

Về phía chính quyền địa phương, theo ông Văn Hữu Chiến, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, trung bình mỗi năm, TP Đà Nẵng hứng chịu rất nhiều cơn bão nhưng nhờ làm tốt công tác phòng ngừa nên đã hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả xảy ra. Để đối phó với bão, ông Chiến cho rằng cần phải đặc biệt chú ý đến 3 việc quan trọng là bảo vệ  các công trình trọng điểm, tính mạng, tài sản người dân và khẩn trương đưa tàu thuyền vào bờ trú ẩn an toàn. Các nhiệm vụ này được giao cho từng đơn vị phụ trách, có kiểm tra, nhắc nhở và đôn đốc thực hiện. Một kinh nghiệm quý báu là chính quyền phải luôn phối hợp tích cực cùng lực lượng vũ trang để phòng chống và khắc phục hậu quả, có như vậy mới hạn chế thấp nhất về thiệt hại.

Không được phép chủ quan

Động đất 3,4 độ Richter tại khu vực Sông Tranh

QUẢNG NAM - Lúc 21 giờ 48 ngày 3-4, tại vị trí có tọa độ 15.355 độ vĩ Bắc, 108.119 độ kinh Đông (thuộc khu vực Sông Tranh 2, H. Bắc Trà My) xảy ra một trận động đất có độ lớn 3,4 độRichter. Theo Trung tâm báo tinđộng đấtvà cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý địa cầu cho biết, trận động đất có độ sâu chấn tiêu khoảng 5 km, gây nên rung động trên cấp IV (MSK 64) tại khu vực tâm chấn. Đây là trận động đất yếu và không có khả năng gây thiệt hại. Còn ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch UBND H. Bắc Trà My cho biết, vào thời điểm xảy ra động đất, nhiều người sống ở trung tâm H. Bắc Trà My cảm nhận được sự rung lắc nhẹ trong vài giây. Đây là trận động đất thứ 2 tại khu vực Sông Tranh 2 trong năm 2014.

Trần Tân

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, để công tác PCBL&TKCN đạt kết quả tốt, các bộ, ban, ngành, địa phương phải nhận thức việc biến đổi khí hậu là vấn đề rất thực tế và tác động trực tiếp đến chúng ta, ngày càng nghiêm trọng, không còn là nguy cơ nữa.

Theo Phó Thủ tướng chỉ đạo một số nội dung cụ thể trong công tác PCBL&TKCN: Một số văn bản quy phạm pháp luật phải sớm hoàn thành, như luật phòng chống thiên tai; bảo đảm an toàn hồ chứa nước, những hồ chứa nào xuống cấp thì kiên quyết không cho tích nước; sớm lập lại Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai; điều chỉnh lại chiến lược phòng chống thiên tai đã được phê duyệt từ năm 2007...

Cũng theo Phó Thủ tướng, các địa phương ở phía Nam ít có bão lũ nhưng không được lơ là, mất cảnh giác, bởi một khi biến đổi khí hậu thì mọi chuyện đều có thể xảy ra. Các tỉnh này cần chuẩn bị mọi tình huống xảy ra khi đối phó với thiên tai khắc nghiệt. Trong tháng 6-2014, Bộ NN&PTNT phối hợp các ngành chuyên môn phân loại các cơn bão để có phương án ứng phó phù hợp, trình Chính phủ phê duyệt và áp dụng cho các địa phương. Giao cho Bộ TN&MT đánh giá tác động của siêu bão trên biển Đông và phương án ứng phó trước mùa mưa bão năm nay. Tiếp tục đầu tư cho công tác dự báo, nhất là trạm quan trắc lưu vực các sông. Vấn đề thông tin tuyên truyền là rất quan trọng, không để cho người dân chủ quan, đề nghị Bộ TT&TT chủ động nguồn thông tin trong tình huống xấu nhất như mất điện; tiếp tục củng cố lại hệ thống thông tin cơ sở, nhất là các đài truyền thanh ở xã, phường.

Đinh Nga