Chủ động xây dựng phương án xử lý khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh

Thứ ba, 01/03/2022 20:51

Đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố chiều 28-2 trước bối cảnh tình hình dịch bệnh trên địa bàn đang có những diễn biến hết sức phức tạp, khó lường.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố chiều 28-2.

F0 lần đầu vượt mốc 1.000 ca/ngày

Ngày 28-2, Đà Nẵng ghi nhận 1.128 ca mắc COVID-19, trong đó có 928 ca chưa cách ly. Đây là số ca mắc COVID-19 trong ngày cao nhất từ trước đến nay tại Đà Nẵng và lần đầu tiên vượt mốc 1.000 ca. Cụ thể, trong các ca chưa cách ly, có 596 ca tự đến các bệnh viện, phòng khám, trung tâm y tế quận, huyện khám bệnh, xét nghiệm; 318 ca test nhanh dương tính được trạm y tế các xã, phường lấy mẫu; 1 ca là nhân viên y tế xét nghiệm định kỳ và 13 ca về từ ngoại tỉnh.

Các địa phương ghi nhận ca mắc có khả năng lây cho cộng đồng gồm: Sơn Trà 244 ca, Thanh Khê 159 ca, Cẩm Lệ 142 ca, Hải Châu 141 ca, Liên Chiểu 136 ca, Ngũ Hành Sơn 55 ca và Hòa Vang 38 ca.

Về công tác điều trị, trong ngày có 4.354 bệnh nhân mắc COVID-19 được điều trị khỏi, trong đó có 4.067 trường hợp được cách ly, điều trị tại nhà và 287 trường hợp được điều trị tại cơ sở y tế. Cụ thể, trong 287 trường hợp được điều trị khỏi COVID-19 tại các cơ sở y tế, gồm: Bệnh viện Phổi Đà Nẵng cho xuất viện 10 trường hợp, Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang 25 trường hợp, Bệnh viện dã chiến 125 trường hợp, Bệnh viện C Đà Nẵng 15 trường hợp, Bệnh viện Đà Nẵng 5 trường hợp, Trung tâm Y tế các quận Hải Châu, Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà 11 trường hợp, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng 34 trường hợp, Bệnh viện 199, Bộ Công an: 19 trường hợp, Bệnh viện Ung bướu: 4 trường hợp, Bệnh viện Vinmec 2 trường hợp, Bệnh viện Hoàn Mỹ 8 trường hợp và Bệnh viện Gia đình 29 trường hợp. Hiện các cơ sở y tế này đang điều trị tổng cộng 1.838 bệnh nhân mắc COVID-19, trong đó có 268 ca nặng.

Đối với công tác cách ly, điều trị F0 tại nhà, trong ngày, các địa phương kết thúc cách ly, điều trị 4.067 trường hợp. Trong đó, tại Hải Châu 457 trường hợp, Thanh Khê 578 trường hợp, Sơn Trà 854 trường hợp, Ngũ Hành Sơn 337 trường hợp, Liên Chiểu 694 trường hợp, Cẩm Lệ 664 trường hợp và Hòa Vang 483 trường hợp. Hiện các địa phương đang cách ly, điều trị 45.784 trường hợp F0 tại nhà, trong đó 26.047 trường hợp không có triệu chứng, 19.737 trường hợp triệu chứng nhẹ. Cộng dồn đến nay có 108.036 trường hợp mắc COVID-19 được điều trị, cách ly tại nhà và 61.132 trường hợp trong số đó đã khỏi bệnh.

Đến nay, thành phố đã tiêm 2.381.046 mũi vaccine phòng COVID-19, trong đó tiêm mũi 1 cho 983.021 người, mũi 2 cho 967.967 người và mũi 3 cho 430.058 người.

Chủ động phương án xử lý

Tại cuộc họp chiều 28-2, đánh giá chung về diễn biến dịch bệnh trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến cho hay, số F0 tăng nhanh và lần đầu vượt mốc 1.000 ca/ngày đã gây ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động chung. Hiện nay các F0 không có triệu chứng đang được điều trị tại nhà, trường hợp có nguy cơ trung bình đã được chuyển vào các cơ sở y tế điều trị tập trung. Tuy nhiên, khi số F0 tăng cao đã kéo số F0 nặng tăng theo. Theo thống kê hiện các cơ sở y tế đang điều trị cho 268 F0 nặng, nhiều bệnh nhân phải thở máy. Điều này đã gây ra áp lực lớn và quá tải cho đội ngũ y tế. "Đề nghị Sở Y tế quán triệt các đơn vị tối ưu hóa vai trò của lực lượng y tế.

Nếu không tham gia điều trị tại các trung tâm y tế các quận, huyện thì phải phối hợp hỗ trợ cho bệnh viện dã chiến trong điều trị F0 nặng để giải bài toán thiếu nguồn nhân lực. Bên cạnh, Sở Y tế xem xét và cân nhắc việc xác nhận F0 thông qua nhân viên y tế lấy mẫu hoặc người dân tự lấy mẫu có sự giám sát của nhân viên y tế để tránh tình trạng nhân viên y tế phải làm trực tiếp quá nhiều. Trong giai đoạn này phải cố gắng tìm cách để giải tỏa áp lực cho nhân viên y tế. Đối với công tác điều trị F0 tại nhà, Sở Y tế phân công nhiệm vụ rõ ràng cho mạng lưới thầy thuốc đồng hành và nhân viên các trạm y tế xã phường để tránh trùng lắp các phần việc", Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến chỉ đạo.

Song song đó, lãnh đạo thành phố yêu cầu Sở Y tế hướng dẫn để các địa phương linh động mua sắm phương tiện, sinh phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch; dự báo tình hình diễn biến dịch bệnh trong tháng 3 sắp tới về số ca F0 và số ca có khả năng chuyển nặng để Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố chủ động các phương án xử lý cũng như có báo cáo số nhân viên y tế bị F0 để thành phố nắm rõ dữ liệu và thông tin; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine để hoàn thành mục tiêu phủ mũi 3 cho người dân trong tháng 3-2022.

Đà Nẵng bảo đảm an toàn dịch bệnh ở mức cao nhất khi học sinh trở lại trường.

Linh hoạt chuyển đổi hình thức dạy học

Tại cuộc họp, bà Lê Thị Bích Thuận - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho hay, hiện nay, tỷ lệ học sinh bậc tiểu học và mầm non trên địa bàn thành phố đi học trực tiếp đang ở mức thấp và giảm dần do dịch bệnh diễn biến phức tạp, số học sinh và giáo viên dương tính nhiều. Trước tình hình trên, các trường đang gặp rất nhiều khó khăn và đã chuyển sang vừa dạy trực tiếp vừa dạy trực tuyến. "Hiện các trường mầm non trên địa bàn quận Thanh Khê và Sơn Trà đã cho các em trở lại trường.

Từ hôm nay (1-3), các trường mầm non còn lại trên địa bàn thành phố sẽ mở cửa đón các em. Sở đã chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo theo dõi sát tình hình dịch bệnh tại các trường để kịp thời thông tin cho lãnh đạo các quận, huyện có chỉ đạo linh hoạt trong chuyển đổi hình thức dạy học. Quan điểm của Sở trong bối cảnh hiện nay là làm sao vừa đảm bảo về mặt kiến thức nhưng đồng thời phải bảo đảm sức khỏe cho các em. Trước mắt, các trường mầm non tiếp tục kế hoạch cho các em đến trường. Trong quá trình dạy học, ngành Giáo dục sẽ lắng nghe ý kiến của các bậc phụ huynh để tiếp tục quyết định hình thức dạy và học phù hợp", bà Thuận nói.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến thống nhất với kế hoạch của Sở Giáo dục và Đào tạo đồng thời yêu cầu Sở có văn bản khẩn gửi các trường về kế hoạch dạy và học. Song song đó, Sở Giáo dục và Đào tạo cần có văn bản tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố về định hướng phương án dạy học trong tháng 3 trên cơ sở những thông tin và dự đoán tình hình của Sở Y tế.

PHI NÔNG