Chủ hụi "bốc hơi" cùng tiền tỷ, hàng trăm người điêu đứng

Thứ năm, 06/06/2019 12:47

Ngày 5-6, CATP Huế (TT- Huế) cho biết, đơn vị liên tiếp nhận nhiều đơn thư tố giác tội phạm của người dân trên địa bàn liên quan đến việc bị các chủ hụi chiếm đoạt hàng tỷ đồng và bỏ trốn khỏi nơi cư trú. Ngày 24-5, một nhóm gồm 16 người (con hụi) đều trú trên địa bàn TP Huế đã gửi đơn tố giác bà Nguyễn Thị Hồng Nhung (1991, trú 9/314 Phan Châu Trinh, TP Huế, là địa chỉ bà Nhung thuê cách đây 10 năm, hiện đã chuyển chỗ khác) chiếm đoạt hơn 2,7 tỷ đồng thông qua hình thức chơi hụi có lãi. Trong số 16 bị hại, người bị bà Nhung chiếm đoạt số tiền nhiều nhất lên đến 600 triệu đồng, người ít nhất là 32 triệu đồng. Đại tá Hoàng Long- Trưởng CATP Huế thông tin, qua lấy lời khai từ những người tố giác cho thấy, phương thức thủ đoạn của đối tượng là tổ chức chơi hụi có lãi. Cùng thời điểm, đối tượng tổ chức nhiều dây hụi khác nhau, thu hút nhiều thành viên cùng tham gia. Những dây hụi đầu, Nhung cho các thành viên tham gia rút hụi đúng kỳ hạn và trả lãi suất cao hơn so với lãi suất ngân hàng, tạo niềm tin cho các con hụi và ngày càng thu hút nhiều người tham gia chơi. Mới đây, khi một số người chơi hụi đã đến kỳ cuối bốc hụi thì tìm kiếm gặp Nhung nhưng rất khó khăn. Mấy lần đầu, Nhung nói đang đi du lịch chưa về nên khất hẹn. Dù Nhung nói đi du lịch xa nhưng một số người lại thấy người này xuất hiện ở Huế nên đến đòi tiền thì Nhung bất ngờ tuyên bố vỡ hụi. Và, ngay trong đêm, Nhung đã rời khỏi Huế khiến nhiều người lâm vào cảnh lao đao.

Thông báo tiếp nhận thụ lý đơn tố giác bà Nhung giật hụi.

 Ông N.Đ.Q. (trú đường Đặng Dung, TP Huế),  một trong những người gửi đơn tố giác cho biết, bà Nhung có nguyên quán ở tỉnh Hải Dương và sau đó vào Huế thuê nhà làm ăn, sinh sống. Nhiều người góp hụi của bà Nhung cho rằng, nhìn bên ngoài bà này rất sang trọng, giàu có và ăn nói khéo léo nên nhiều người tin tưởng góp hụi. Sau khi biết tin bà Nhung gom tiền rồi "biến mất", rất nhiều bị hại đã họp nhau để tìm hướng giải quyết. Theo ông N.Đ.Q, 16 người gửi đơn tố giác đến CATP Huế chỉ là số ít trong hơn 100 người trên địa bàn Huế bị bà Nhung lừa với số tiền hơn 8 tỷ đồng. "2 mẹ con tui bán hàng quán nhỏ ở chợ, mỗi tháng tiết kiệm, gom góp rồi góp hụi cho bà Nhung mỗi tháng 4 triệu đồng. Và, đến khi bà Nhung bỏ đi đã góp được 6 tháng, bao nhiêu công sức làm được đã mất trắng", một tiểu thương nói. Theo CATP Huế, ngoài đơn thư của 16 bị hại thì cơ quan này còn nhận được nhiều đơn trình báo khác của công dân tố giác bà Nhung giật hụi, bỏ trốn.

Cũng với phương thức tương tự, Lê Thị Thủy (1974, trú P. Hương Long, TP Huế) thông qua hình thức chơi hụi có lãi, đã huy động vốn của 14 con hụi và chiếm đoạt 475 triệu đồng rồi bất ngờ đi khỏi nơi cư trú. Thượng tá Võ Văn Sáu- Phó Trưởng CATP Huế cho biết, từ đầu năm 2019 đến nay, CATP Huế tiếp nhận 41 đơn liên quan đến 4 chủ hụi chiếm đoạt gần 3,7 tỷ đồng thông qua hình thức chơi hụi có lãi. Hiện, CATP Huế đã và đang tiếp tục xác minh, làm rõ nội dung các đơn thư liên quan đến người chơi hụi tố giác các chủ hụi chiếm đoạt tài sản để xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

Theo cơ quan CA, mặc dù đã có quy định của pháp luật về nguyên tắc tổ chức hụi, văn bản thỏa thuận về hụi, thứ tự lĩnh hụi, lãi suất, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của thành viên và chủ hụi... tuy nhiên hiện nay các chủ hụi tổ chức chơi hụi và những người tham gia chơi hụi có nhiều biến tướng, diễn biến phức tạp. Các chủ hụi và các thành viên chơi hụi không nắm hoặc cố tình không nắm những quy định của pháp luật. Thông thường, các chủ hụi tổ chức chơi nhiều dây hụi cùng một lúc, số tiền lớn nhưng không báo cho UBND nơi cư trú về việc tổ chức dây hụi. Vì vậy, các đơn vị chức năng không nắm thông tin về các đường dây hụi.

Những con hụi đăng ảnh lên facebook tố cáo bà Nhung ôm hụi đi khỏi nơi cư trú.

Điều đáng nói, chủ hụi tổ chức dây hụi thông qua kêu gọi các thành viên trên mạng xã hội dẫn đến nhiều thành viên tham gia hụi không quen biết nhau, không họp các thành viên khi mở hụi. Điều này thuận lợi cho chủ hụi điều tiết việc thành viên nào sẽ được nhận hụi hoặc chủ hụi liên tục "ôm hụi" trong suốt các kỳ mở hụi và chỉ trả lãi cho các thành viên theo thỏa thuận. Ngược lại, các con hụi đa phần không muốn bốc hụi sớm, mong muốn nhận lãi suất trong suốt các kỳ mở hụi cho đến kỳ hụi kết thúc mới nhận lại tiền đã đóng. Hoạt động tổ chức hụi có lãi theo hình thức trên tiềm ẩn nhiều nguy cơ chạy hụi, bể hụi. Nếu chủ hụi không sử dụng hiệu quả đồng vốn của các con hụi đã đóng thì đến một lúc nào đó sẽ mất khả năng thanh toán lãi và tiền hụi của các con hụi đã đóng.

"Nhiều đợt vỡ hụi, chủ hụi ôm tiền bỏ trốn, nhưng nhiều người vẫn cứ lao vào chơi hụi. Đó là vì tin tưởng nhau, vì lãi suất cao. CATP Huế khuyến cáo người tổ chức hoặc tham gia chơi hụi phải nắm rõ và tuân theo đúng các quy định của pháp luật về hụi. Nghiêm cấm tổ chức hụi để cho vay nặng lãi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, huy động vốn trái pháp luật hoặc các vi phạm pháp luật khác", Đại tá Hoàng Long lưu ý.

H.LAN