Chu Lai - Dung Quất, triển vọng liên kết vùng

Thứ sáu, 29/01/2016 11:01

(Cadn.com.vn) - 10 năm trước, 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi đã ký kết chương trình phối hợp liên vùng để tạo động lực hỗ trợ phát triển cho Khu kinh tế mở Chu Lai và Khu kinh tế Dung Quất. Việc ký kết được tập trung vào các lĩnh vực: giao thông, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng hạ tầng... Đến nay, những liên kết ấy cơ bản được định hình và đang phát huy hiệu quả.

Là người gắn bó với vùng đất Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi từ khi còn hoang sơ, ông Nguyễn Hoài Giang, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Cty Lọc-hóa dầu Bình Sơn cảm nhận rõ nhất sự đổi thay nơi đây. Hơn 10 năm trước, mỗi lần về thăm nhà ở TP Hồ Chí Minh, ông Giang phải mất gần 3 giờ đồng hồ từ tỉnh Quảng Ngãi ra sân bay Quốc tế Đà Nẵng để đi máy bay. Nhưng kể từ khi sân bay Chu Lai, tỉnh Quảng Nam đi vào hoạt động, lộ trình từ gần 3 giờ đồng hồ được rút ngắn chỉ còn hơn 30 phút. Ông Giang cho rằng, đây là nét nổi bật trong mối liên kết giữa hai KKT Dung Quất (Quảng Ngãi) và KKT mở Chu Lai (Quảng Nam).

Là một trong những doanh nghiệp đầu tiên đầu tư vào KKT Dung Quất, ông Nguyễn Hoài Giang tự hào rằng, Chu Lai và Dung Quất nếu không có những nhà máy “đầu tàu” như Nhà máy Sản xuất và Lắp ráp ô-tô Chu Lai- Trường Hải hay Nhà máy lọc dầu Dung Quất thì khó có những nhà máy phụ trợ kéo theo như: Nhà máy sản xuất nhựa Polypropylene Dung Quất, Nhà máy Kính nổi Chu Lai... Ông Giang kỳ vọng: “Việc liên kết các nhà máy, các DA trong một KCN, đặc biệt là KKT Dung Quất với các KKT cận kề như KKT mở Chu Lai, các KCN của Đà Nẵng, Bình Định sẽ tạo ra  KKT, KCN cực lớn theo mô hình của các nước phát triển. Khi mở rộng, sẽ cộng sinh với nhau, khu này sẽ dựa vào khu kia, sẽ tận dụng được lợi thế hạ tầng, cơ sở vật chất, con người. Sức mạnh tập thể khi đấy từ một sẽ được nhân lên 10”.  

Sân bay Chu Lai kết nối giao thông chặt chẽ giữa Quảng Nam và Quảng Ngãi.

Nét nổi bật trong mối liên kết giữa 2 KKT Dung Quất và KKT mở Chu Lai là trong lĩnh vực giao thông. Tuyến ven biển nối 2 KKT với khoảng cách ngắn nhất chỉ hơn 10km, hàng hóa, phương tiện dễ dàng lưu thông bằng đường biển, đường sắt và đường hàng không. Trong khi đó, các tuyến huyết mạch như QL1A, đường sắt Bắc- Nam và tuyến cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi đang triển khai thi công giúp mở rộng liên kết vùng với các tỉnh, thành phố trong cả nước và các nước trong khu vực. Hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi cũng đang tập trung khai thác cụm cảng biển, thống nhất tàu chở hàng tải trọng nhẹ, hàng hóa ít thì vào các cảng của Quảng Nam, những container hàng tải trọng lớn thì vào cảng nước sâu của Quảng Ngãi.

Sân bay Chu lai có tổng diện tích 3.400ha nằm phần lớn ở địa phận tỉnh Quảng Nam nhưng phục vụ chính cho hành khách của tỉnh Quảng Ngãi. Hiện nay, Cảng Hàng không Chu Lai có 3 hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air và Jetstar Pacific khai thác, với các đường bay Chu Lai- Hà Nội và Chu Lai- TP Hồ Chí Minh, tần suất 34 lượt chuyến/tuần. Ông Lê Minh Triều, Giám đốc Cảng Hàng không Chu Lai cho biết: “Trong giai đoạn đầu, để thu hút khách và hỗ trợ cho người dân đi lại bằng máy bay, tỉnh Quảng Ngãi và Quảng Nam đã hỗ trợ các doanh nghiệp về mặt truyền thông, quảng bá; Hỗ trợ đưa đón hành khách miễn phí”.

Ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, nhờ việc phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng đã kéo 2 KKT Chu Lai và Dung Quất lại gần nhau, diện tích đất trống dần được lấp đầy. Hiện 80% nhân lực của Công ty CP Ô-tô Trường Hải là người Quảng Nam, 20% là người Quảng Ngãi. Trong khi đó, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cũng giải quyết lượng lớn nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh Quảng Nam. “Việc liên kết giữa 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi, trong đó có KKT mở Chu Lai và KKT Dung Quất là hiệu quả nhất. Bởi lẽ, trong “hộ kế hoạch” chung giai đoạn 2013- 2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Chính phủ tiếp tục công nhận Chu Lai- Dung Quất ghép thành “hộ” vì giữa H. Núi Thành và H. Bình Sơn cách nhau ranh giới mềm, người dân sống bao đời nay có sự đoàn kết, cả văn hóa, khí hậu, đặc biệt là hạ tầng” - ông Toàn phân tích.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, KKT mở Chu Lai và KKT Dung Quất tạo được điểm nhấn trong liên kết vùng nhờ các cơ chế, chính sách ưu đãi vượt trội. Tiến sĩ Trần Du Lịch, Phó Trưởng nhóm tư vấn vùng Kinh tế trọng điểm (KTTĐ) miền Trung nhìn nhận, bên cạnh chính sách ưu đãi đặc thù mà 2 KKT này đang áp dụng, các địa phương cũng cần phát huy nhân tố mang tính đột phá như đất đai, nguồn nhân lực và bỏ tư duy phát triển cục bộ để phát triển liên vùng. Có thể tập trung vào đầu tư mang tính lan tỏa,  phải có doanh nghiệp lớn đầu đàn để tạo cú nhấn. Ví dụ như ở Chu Lai  cần xây dựng một KCN hỗ trợ về cơ khí, trong đó cơ khí ô-tô và nhiều lĩnh vực khác. Dung Quất phát triển thành tổ hợp hóa dầu quốc gia...

Quang Minh